Trò chơi chính trị tại eo biển Kerch

KHẢ HÂN| 06/12/2018 06:46

Ngày 25/11, tàu tuần tra Nga nổ súng và bắt ba tàu hải quân Ukraina tại eo biển Kerch, khiến mối quan hệ giữa hai nước đã xấu càng xấu thêm. Tuy nhiên, theo giới quan sát thì hành động này có lẽ nằm trong một kế hoạch có chủ đích...

Trò chơi chính trị tại eo biển Kerch

Ba tàu Ukraina bị Nga bắt giữ tại eo biển Kerch

Căng thẳng có chủ đích?

Căng thẳng giữa Nga và Ukraina khởi phát ngày 25/11, khi Hải quân Nga chặn ba tàu của Ukraina tiến vào tại eo biển Kerch - vùng biển nằm giữa lãnh thổ Nga và Ukraina. Theo thông báo của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), có ba thủy thủ Ukraina bị thương trong vụ việc trên, tuy nhiên Hải quân Ukraina cho biết có đến 6 thủy thủ bị thương, đồng thời cáo buộc tàu tuần tra Nga nổ súng khi ba tàu của họ đã rút ra khu vực cách lãnh hải Nga 20km.

Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và phong trào đòi ly khai nổ ra ở miền đông Ukraina từ năm 2014, mối quan hệ giữa hai nước chưa bao giờ bình lặng. Quân đội của hai nước trong năm nay đã nhiều lần bắt các tàu thuyền đánh cá của nhau với cáo buộc đánh trộm trong vùng biển có nhiều tranh chấp này.

Gần đây nhất là vào tháng 10, Nga đã cảnh báo Ukraina không diễn tập hải quân cùng NATO sát biên giới tại vùng biển Azov, trong khi quân đội Ukraina tuyên bố sẽ xây dựng một căn cứ quân sự trên bờ biển Azov nhằm đối phó "mối đe dọa an ninh ngày càng tăng" từ Nga. Dù vậy, căng thắng mới nhất khiến không ít người bất ngờ vì mức độ leo thang gia tăng nhanh như thế.

Theo giới quan sát thì dường như Ukraina đã cố tình trong vụ việc lần này, khi chủ động cho tàu chiến tiến vào lãnh hải của Nga, dù biết sẽ bị phản ứng mạnh khi không tuân thủ các quy trình về an ninh và hàng hải phía Nga đưa ra, với mục đích lôi kéo dư luận trong nước và quốc tế nhằm phục vụ cho các ý đồ chính trị.

Trong khi Nga mới khánh thành cầu Crimea dài hơn 18km bắc qua eo biển Kerch và đang tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh tại khu vực trọng yếu này, thì Hải quân Ukraina lại điều hai tàu pháo thiết giáp và một tàu kéo tìm đường băng qua eo biển này để tiến vào biển Azov, đã không phủ bạt che pháo tuân thủ các quy trình an ninh mà còn phớt lờ những cảnh báo từ phía Nga, do đó phía Nga cho rằng mình bị khiêu khích nên đã nổ súng, ép các tàu Ukraina dừng lại và bắt toàn bộ phương tiện cũng như thủy thủ đoàn.

Ukraina đã lập tức lên tiếng chỉ trích Nga vi phạm luật pháp quốc tế, giải thích rằng tàu chiến của họ bị bắt sau khi đã rời khỏi lãnh hải Nga, yêu cầu Nga thả tàu, phóng thích người ngay lập tức và đề nghị Mỹ, NATO có những phản ứng quyết liệt.

Link bài viết

Tuy nhiên, cần biết rằng kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, vùng biển xung quanh eo biển Kerch được Nga coi như là lãnh hải của mình, nhưng phía Nga vẫn tôn trọng thỏa thuận ký năm 2003 với Ukraina, cho phép tàu hàng, tàu chiến nước này đi qua eo biển Kerch để vào biển Azov theo quy trình do Nga quy định.

Hồi đầu năm nay, một tàu chiến Ukraina đã băng qua eo biển này một cách bình thường để tới Mariupol, sau khi thông báo trước cho phía Nga về hải trình và thực hiện các thủ tục cần thiết. Do đó, việc các tàu chiến Ukraina lần này lại cố tình vi phạm để bị bắt, rồi nhanh chóng kêu gọi NATO và Mỹ can thiệp, cho thấy khả năng về một kế hoạch có chủ đích được sắp xếp trước.

Mục tiêu?

Theo các nhà phân tích, việc Kiev bất ngờ gia tăng căng thẳng với Moscow có thể nhằm thu hút sự chú ý của đồng minh, đối tác phương Tây cũng như sự ủng hộ của cử tri Ukraina trước thềm cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra. Thống kê gần đây cho thấy, Tổng thống Petro Poroshenko đang có tỷ lệ ủng hộ rất thấp và có nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3/2019. Với căng thẳng bùng phát vừa qua, Poroshenko đã lập tức đề xuất thiết quân luật, biện pháp có thể giúp ông kiểm soát truyền thông và tăng khả năng tái đắc cử.

Sau khi ban bố thiết quân luật, Tổng thống Poroshenko còn cảnh báo rằng Ukraina "đang có nguy cơ chiến tranh toàn diện với Nga" và cáo buộc Moscow tập trung nhiều khí tài, lực lượng dọc biên giới. Trong khi đó, trụ sở đại sứ quán Nga ở thủ đô Kiev đã bị những người quá khích tấn công bằng bom khói và pháo sáng.

Để đáp trả, ngày 28/11, Moscow tuyên bố sẽ đưa thêm tên lửa phòng không S-400 tới Crimea. Đây được cho là thông điệp cảnh báo Ukraina và phương Tây, rằng Nga sẽ hành xử cứng rắn tại khu vực mà Moscow tuyên bố thuộc chủ quyền. Nga cũng từ chối lời kêu gọi từ cộng đồng quốc tế đề nghị thả ba tàu hải quân Ukraina.

Về phía Nga, có ý kiến cho rằng Tổng thống Putin dường như muốn leo thang tình hình ở biển Azov nhằm kích động một cuộc khủng hoảng quốc tế với hy vọng giành được sự ủng hộ trong nước. Mức tín nhiệm của Putin trong tháng 10 là 66%, giảm khá mạnh so với mức 82% hồi tháng 4 và là mức thấp nhất kể từ năm 2014.

Tuy vậy, một số chuyên gia cũng nhận định, căng thẳng trên biển Azov sẽ gây nhiều thiệt hại về chính trị cho Nga, đặc biệt là trong bối cảnh Tổng thống Putin muốn "làm hòa" với phương Tây nhằm giảm bớt lệnh trừng phạt đối với kinh tế nước này.

Giới quan sát cũng cho rằng khả năng Kiev đã nhận được sự cổ vũ từ bên ngoài nhằm khoét sâu thêm căng thẳng giữa Nga với phương Tây, khiến cơ hội "làm lành" giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Putin trở nên xa vời.
Nhiều tờ báo Nga đặt vấn đề vì sao Ukraina lại gây căng thẳng vào thời điểm này và cho rằng Kiev và "một số nhân vật ở Mỹ” đã cố tình dàn dựng vụ việc nhằm phá hoại cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Argentina ngày 30/11 và 1/12.

Thực tế là sau sự kiện trên, nhiều học giả từ Đại học Chiến tranh Mỹ và Hội đồng Đại Tây Dương đã kêu gọi NATO và Lầu Năm Góc điều tàu chiến tiến vào biển Azov và có hành động trừng phạt mạnh mẽ với Nga. Trước đó Tổng thống Ukraina Poroshenko cũng cho rằng nước này cần phải gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh Châu Âu (EU) để "dứt khoát chia tay Nga".

Vẫn chưa biết sự việc này sẽ còn kéo dài đến đâu và liệu những hành động của hai bên có vượt ra ngoài tầm kiểm soát?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trò chơi chính trị tại eo biển Kerch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO