Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock |
Trong bài phát biểu tuần trước, ông Tập nói quốc gia của ông đang “từ từ mở rộng và mở cửa” ngành tài chính. Bloomberg nhận định cái “từ từ” đó rất quan trọng đối với những người quan sát thị trường rộng lớn này.
Một năm trước, Trung Quốc công bố kế hoạch lịch sử của mình nhằm nới lỏng quyền sở hữu và các rào cản gia nhập vào ngành tài chính của họ. Hiện ngành công nghiệp này đã đạt giá trị 45.000 tỷ USD, nhưng tốc độ thay đổi chưa được như kỳ vọng.
Ông Tập tuyên bố rằng quá trình mở cửa của Trung Quốc vẫn đúng theo lộ trình, mặc cho cuộc chiến thương mại với Mỹ vẫn leo thang. Chủ tịch Trung Quốc còn khẳng định các nhà làm luật vẫn đang kiểm soát, thực hiện mọi việc theo chủ đích.
Mảnh đất tài chính màu mỡ
Những thay đổi quan trọng cách đây một năm cho phép nhiều công ty nước ngoài nắm giữ thị phần lớn tại những hãng tài chính nội địa. Trong số đó bao gồm các công ty chứng khoán địa phương, doanh nghiệp quản lý quỹ tương hỗ, ngân hàng và công ty bảo hiểm.
Không khó hiểu khi Trung Quốc lại hấp dẫn đối với các ngân hàng đầu tư nước ngoài. Với giá trị lần lượt là 5.600 tỷ USD và 11.000 tỷ USD, thị trường chứng khoán và nợ của Trung Quốc đang đứng thứ 3 toàn cầu.
Thị trường trên được đánh giá ngày càng tiềm năng khi giới chức tại đây mong muốn giảm phụ thuộc vào vay ngân hàng. Đối với các công ty chứng khoán toàn cầu, đây là mảnh đất màu mỡ cho các dịch vụ môi giới, tư vấn và bảo lãnh.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nóng lòng muốn nhảy vào thị trường của Trung Quốc. Sự cẩn trọng của họ xuất phát từ chỗ không mấy chắc chắn về cách thức những quy định mới sẽ được áp dụng. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa an tâm về môi trường kinh doanh giữa thời kỳ tranh chấp thương mại.
Giới đầu tư vẫn cảnh giác
Theo Bloomberg, các tập đoàn tài chính lớn của thế giới cũng có lập trường riêng của họ về việc gia nhập thị trường tài chính Trung Quốc.
Ngay cả khi tán thưởng việc Trung Quốc mở cửa, nhiều doanh nghiệp vẫn cảnh giác, cân nhắc giữa tiềm năng to lớn trong dài hạn và các thách thức ngày càng nhiều trong ngắn hạn. Họ cân nhắc mọi thứ từ chiến tranh thương mại cho đến việc giá cổ phiếu giảm cũng như nguy cơ nợ xấu tăng.
Ông Mark Austen - Giáo đốc điều hành Hiệp hội Thị trường Tài chính và Chứng khoán châu Á cho rằng, nhiều doanh nghiệp đang giữ thái độ cầm chừng. Ông nói các công ty tài chính đang chờ đợi “để đoán liệu họ có thể cạnh tranh một cách bình đẳng tại Trung Quốc hay không”.
Trong khi Bắc Kinh đã hoàn toàn bỏ quy định về quyền sở hữu đối với các ngân hàng thương mại, vẫn chưa có doanh nghiệp bảo hiểm nào thể hiện họ muốn nhảy vào thị trường. Một phần xuất phát từ việc quy định về vốn tối thiểu quá cao, khiến cái giá cho việc gia nhập thị trường này trở nên quá đắt đỏ.
Ngay cả khi họ có thể mua cổ phiếu của các ngân hàng nhỏ, chính quyền địa phương tại Trung Quốc vẫn là bên nắm phần lớn cổ phần và không mấy khi chịu bán lại.
Nhưng có lẽ rào cản lớn nhất đối với các ngân hàng quốc tế, bao gồm cả những ngân hàng đã có mặt tại Trung Quốc, là cơ hội tăng trưởng ngắn hạn của đất nước.
Gánh nặng nợ của cường quốc châu Á này đã bằng 266% tổng sản phẩm quốc nội. Ngoài ra, các doanh nghiệp địa phương trễ kỳ hạn trả nợ đạt mức kỷ lục và tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ chậm nhất kể từ năm 2009.
Giới chức trách tại đây hiện đang cố hối thúc các ngân hàng địa phương hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân.