![]() |
Với mục tiêu ưu tiên phát triển các công nghệ mới và với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các thương hiệu trong nước, Trung Quốc (TQ) cũng đã đến lúc phải mạnh tay tấn công nạn hàng giả vốn được dung dưỡng nhiều năm qua.
![]() |
Trên đường phố Thượng Hải |
Liên minh Quốc tế Chống hàng giả, một tổ chức do các công ty quốc tế lập ra, khẳng định “TQ vẫn là nguồn cung cấp hàng giả số 1 thế giới”, thậm chí, hàng giả đã trở thành ngành công nghiệp trị giá hàng chục tỷ USD mỗi năm của nước này, với đủ các mặt hàng làm giả, nhái nhãn hiệu nước ngoài: từ thực phẩm, hàng điện tử đến cả ô tô hoặc máy bay chiến đấu một cách tinh vi và trắng trợn.
“Bạn có thể thấy mọi thứ đều bị làm giả, từ những cửa hàng McDonald’s và Starbucks tới những khách sạn được nhái y hệt bản mẫu”, Chris Bailey, quản lý của Công ty Tư vấn về sở hữu trí tuệ Rouse, trụ sở tại TQ cho biết.
Trong quá trình cải cách kinh tế của ba thập niên trước, Đặng Tiểu Bình đã khuyến khích việc sao chép kỹ thuật phương Tây. Tại các đặc khu kinh tế, các nhà máy bắt đầu sản suất các sản phẩm bán chạy mà không cần có một sáng chế cải tiến nào.
Từ đó, hàng nhái có cơ hội trở thành một ngành công nghiệp “mũi nhọn” của đất nước đông dân này. Theo số liệu ước tính của các nhà kinh tế, hàng nhái chiếm từ 15% đến 30% sản xuất công nghiệp quốc gia và đóng góp tới 8% GPD và tạo công ăn việc làm cho hơn 5 triệu người lao động.
Theo các thống kê hàng năm do Ủy ban Châu Âu (EC) công bố, nếu chia thành từng ngành công nghiệp, Trung Quốc chiếm lĩnh hơn 90% nguồn cung cấp giày giả mạo các nhãn hãng nổi tiếng tại châu Âu, 81% các nhãn hàng điện tử và hơn 72,5% các nhãn hiệu quần áo.
Mặc dù cả EU và TQ đã ký một hiệp định chống hàng giả vào năm 2009 tại Thượng Hải, nhưng việc thực hiện các hiệp định ký kết này vẫn chưa hiệu quả.
Mới đây, EC chính thức phát động cuộc vận động chống hàng giả với tên gọi “Đừng để một tai nạn làm hỏng mùa Hè của bạn”, chính thức tấn công hàng giả TQ, kiểm tra và xử phạt nặng các đối tượng mua bán hàng giả.
Quả thực là chính phủ TQ không có nhiều lợi ích để cấm đoán việc sản xuất hàng giả. Tuy nhiên, Chính phủ TQ cũng biết rằng cần nhanh chóng khống chế nạn sản xuất hàng giả, hàng nhái mới có thể đẩy mạnh phát triển các công nghệ mới và với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các thương hiệu trong nước, đặc biệt khi TQ đã có những thương hiệu mang dáng vóc quốc tế như Lenovo, Huawei, Haier...
Tai tiếng về chất lượng kém và độc hai của hàng “made in China” cũng đang cản trở sự đi lên của nhiều thương hiệu lớn của TQ. Vì vậy, trong 5 năm tới, nghiên cứu và việc nâng cấp giá trị công nghiệp là những ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh. Ngành công nghiệp của nước này đặt ra tham vọng cứ khoảng 10 ngàn công dân thì có 3,3 bằng sáng chế.
Hơn nữa, thu nhập ngày càng cao trong xã hội TQ tạo ra tầng lớp người tiêu dùng thông minh và biết chọn lựa hàng chất lượng cao, hàng có thương hiệu. Bên cạnh đó, nhiều người dân TQ nói sẵn sàng mua các sản phẩm nội địa chất lượng cao.
Vì thế, hàng nhái và hàng giả ngày càng mất chỗ đứng. Cùng lúc này, các thương hiệu chính thống có nhiều chương trình nhắm đến đối tượng khách hàng mới trỗi dậy. Xu hướng này khiến nhiều cơ sở sản xuất hàng nhái tại đại lục phải tính đến việc sản xuất hợp pháp.
Thực tế, nhiều thương hiệu hàng nhái đã thực hiện thành công chuyển từ cơ sở chuyên sao chép thành doanh nghiệp có tiếng trong các lĩnh vực như điện thoại cầm tay, máy tính bảng cho đến sản xuất xe ô tô.