Rũ bỏ giấc mơ Mỹ

HÀ CÚC| 25/05/2012 05:10

Nước Mỹ không còn là giấc mơ ngay cả đối với người Mỹ. Ngày càng có nhiều người từ bỏ quyền công dân của hợp chủng quốc để đi tìm chân trời mới.

Rũ bỏ giấc mơ Mỹ

Nước Mỹ không còn là giấc mơ ngay cả đối với người Mỹ. Ngày càng có nhiều người từ bỏ quyền công dân của hợp chủng quốc để đi tìm chân trời mới.

Đọc E-paper

Người đồng sáng lập mạng Facebook Eduardo Saverin có 4% cổ phần ở Facebook, đồng nghĩa với việc khi vụ IPO của Facebook thành công, Saverin sẽ sở hữu 3,84 tỷ USD.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là Saverin, năm nay 30 tuổi, ghi danh vào danh sách những người có nguyện vọng xin từ bỏ quốc tịch Mỹ. Cũng như Saverin, số lượng người Mỹ từ bỏ hộ chiếu Mỹ ngày càng tăng trong hai năm qua, và làn sóng này đặc biệt dịch chuyển về châu Á.

Theo dữ liệu từ Đại sứ quán Mỹ tại Singapore, khoảng 100 người Mỹ đã từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ để trở thành người dân đảo quốc này vào năm ngoái, tăng gấp đôi so với năm 2009. Trên toàn cầu đã có 1.780 người Mỹ từ bỏ quyền công dân Mỹ, so với 742 người trong năm 2009.

Số người Mỹ rũ áo ra đi tăng lên giữa lúc các cuộc tranh luận về thuế đang nóng bỏng, nhất là sau khi Phong trào chiếm đóng Phố Wall nổ ra, đòi người giàu phải đóng thuế nhiều hơn. Nhiều người Mỹ lo ngại, thâm hụt ngân sách liên bang sẽ khiến Chính phủ Mỹ gia tăng thuế trong tương lai gần.

Trong đó, những người siêu giàu lo lắng về việc thông qua “Luật thuế Buffett” đảm bảo người có thu nhập cao phải đóng ít nhất 30% thuế liên bang.

Trong khi đó, các trung tâm tài chính châu Á của Singapore và Hồng Kông đang có những chính sách thuế ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài cũng như hút tiền của giới nhà giàu thế giới. Theo báo cáo của Ernst & Young, thuế thu nhập cá nhân là 20% tại Singapore và 17% tại Hồng Kông, so với 35% tại Mỹ.

Hai trung tâm tài chính châu Á này cũng đã được ca ngợi vì có hệ thống thuế đơn giản hơn nhiều so với Mỹ và các nước khác. Theo PricewaterhouseCoopers, các doanh nghiệp phải thực hiện trung bình ba loại thuế mỗi năm tại Hồng Kông và năm loại thuế ở Singapore, so với 11 ở Mỹ. Mã số thuế cũng minh bạch hơn để nhiều người không đòi hỏi một nhà tư vấn hoặc cố vấn.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nước châu Á đều có chính sách thuế nhẹ nhàng. Tại Trung Quốc, tỷ lệ thuế hàng đầu cho người có thu nhập cao là 45%, mặc dù thuế của công ty là tương đối thấp. Nhật Bản cũng được biết đến như là một quốc gia có mức thuế tương đối cao.

Mỹ là quốc gia duy nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh thuế công dân cho dù họ cư trú ở đâu. Nhiều ngân hàng Thụy Sĩ và Đức vì vậy hiện rất ngại giao dịch với các khách hàng giàu có của Mỹ. Ngoài ra, công dân Mỹ còn đang đối mặt với những quy định ngặt nghèo hơn về kê khai tài sản theo đạo luật về đánh thuế vào tài khoản ở nước ngoài (FATCA) có hiệu lực từ năm 2013. Bởi vậy, ngày càng có nhiều người trong số 6 triệu người Mỹ sống ở nước ngoài cân nhắc việc có nên tiếp tục giữ hộ chiếu Mỹ.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn ở châu Á đã thu hút nhiều người Mỹ quyết định không trở về Mỹ. Một số nhà quản lý tài sản tư nhân còn từ chối các khách hàng của Mỹ vì quá nhiều rủi ro nếu tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc của ngân hàng Mỹ.

Trả lời tờ The Wall Street Journal, người quản lý của Saverin cho biết, quyết định từ bỏ quốc tịch Mỹ của Saverin chủ yếu bắt nguồn từ lý do kinh doanh vì công dân Mỹ đang bị hạn chế rất nhiều trong đầu tư và quản lý tài sản. Do đó, nhiều quỹ và ngân hàng nước ngoài sẽ không chấp nhận người Mỹ.

“Không phải là những con mèo béo trốn thuế, mà các nước châu Á đang có một môi trường kinh doanh và lối sống hấp dẫn hơn nước Mỹ. Nước Mỹ không còn là Giấc mơ”, ông Eugene Chow, Giám đốc Công ty Luật Chow King & Associates có trụ sở tại Hồng Kông, bình luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rũ bỏ giấc mơ Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO