![]() |
Thủ tướng Anh Theresa May tại Quốc hội hôm 25/3 - Ảnh: Reuters. |
Tại phiên họp diễn ra tối 25/3, các nhà lập pháp Anh đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất sửa đổi tiến trình Brexit được đề xuất bởi Oliver Letwin - một nghị sỹ trong đảng Bảo thủ cầm quyền của bà May. Cuộc họp này diễn ra sau khi bà May thừa nhận thỏa thuận mà bà mất 2 năm mới đàm phán xong với EU vẫn chưa tập hợp được đủ sự ủng hộ để có thể thông qua ở Quốc hội.
Hãng thông tấn Reuters đưa tin, Quốc hội Anh sẽ nắm quyền kiểm soát Brexit trong vòng 1 ngày là 27/3, để tìm ra một giải pháp mới mà đa số thành viên Quốc hội đều có thể ủng hộ, nhằm phá vỡ thế bế tắc hiện nay của “cuộc ly hôn giữa Anh và EU”. Nắm quyền kiểm soát, các nghị sĩ có thể sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu để cân nhắc giữa các lựa chọn khác nhau về Brexit. Đơn cử như yêu cầu phương án “Brexit mềm” hoặc hủy bỏ “điều khoản số 50” - đồng nghĩa với việc đảo ngược quá trình rời khỏi EU.
Và, cho dù kết quả của cuộc bỏ phiếu có ra sao, Quốc hội nhiều khả năng sẽ đẩy Chính phủ của bà May đi theo hướng đó, để giải quyết tình trạng bất đồng giữa hai bên đã gây bế tắc trong thời gian qua. Tuần qua, EU đã nhất trí cho Anh hoãn Brexit qua thời hạn 29/3 do bất đồng giữa bà May với Quốc hội.
Trước đó, Thủ tướng May cũng thừa nhận, thỏa thuận của bà vẫn không có đủ sự ủng hộ cần thiết để được thông qua. Song, bà May vẫn hy vọng thỏa thuận của mình sẽ đạt được sự ủng hộ tại cuộc bỏ phiếu lần thứ ba trong tuần này, nhiều khả năng là vào thứ Năm ngày 28/3.
Động thái từ Quốc hội Anh cho thấy, quyền kiểm soát của bà May đã suy giảm rất nhiều, dù bà tuyên bố Chính phủ không có nghĩa vụ phải tuân thủ kết quả cuộc bỏ phiếu nói trên. Được biết, có tổng cộng 30 nghị sĩ đảng Bảo thủ đã phản đối lập trường của chính phủ và bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi, trao quyền kiểm soát Brexit cho nghị viện.
Các nguồn tin chính phủ cũng xác nhận, có 3 bộ trưởng đã từ chức để ủng hộ đề xuất của nghị sĩ Oliver Letwin là Ngoại trưởng Alistair Burt, Bộ trưởng Y tế Steve Brine và Bộ trưởng Thương mại Richard Harrington. Ông Harrington từng nhiều lần cảnh báo khả năng Brexit sẽ diễn ra mà không có một thỏa thuận nào được thiết lập giữa Anh và EU. Trong thư từ chức, vị cựu bộ trưởng đã cáo buộc chính phủ của bà May “đánh cược với sinh mạng và sinh kế” của người dân Anh.
Nhận xét về kết quả bỏ phiếu, Bộ trưởng phụ trách tiến trình Brexit Keir Starmer cho rằng, đây là một thất bại lớn của Chính phủ. Theo ông, Thủ tướng Theresa May đã mất kiểm soát hoàn toàn trong đảng Bảo thủ, trong nội các cũng như với Brexit. Truyền thông Anh cũng đưa ra nhận định tương tự sau khi cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội kết thúc.
Đến thời điểm hiện tại, tức gần 3 năm sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, không một ai có thể khẳng định chắc chắn “cuộc ly hôn” này sẽ diễn ra vào lúc nào và theo phương án nào, trong bối cảnh cả Quốc hội lẫn Chính phủ vẫn đang có sự chia rẽ sâu sắc. Cuối tuần qua, hàng triệu người Anh đã kéo xuống đường phố London để kêu gọi tái trưng cầu dân ý về Brexit.
Dự kiến, Anh sẽ rời EU vào ngày 22/5 tới, nếu một thỏa thuận Brexit được Quốc hội thông qua trong tuần này. Nếu không, đến ngày 12/4, xứ sở sương mù phải quyết định sẽ làm gì tiếp theo: hoãn Brexit, ra đi có thỏa thuận hoặc không có thỏa thuận, hay thậm chí hủy bỏ điều khoản số 50 và ở lại EU.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk nói vào tuần trước rằng, mọi lựa chọn Brexit cho nước Anh như trên sẽ để ngỏ cho tới ngày 12/4.
Được biết, để đối phó với khả năng sẽ có một Brexit không thỏa thuận, EC tuyên bố đã lên phương án cho 13 lĩnh vực chủ chốt, từ quy định với vận tải đường hàng không và đường bộ cho đến việc đi lại, quyền đánh bắt cá cũng như hoạt động ngân hàng. Đồng thời, EC nhấn mạnh, các phương án này chỉ hạn chế bớt chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn những vấn đề phát sinh. EC nêu rõ đây chỉ là những giải pháp tạm thời, hạn chế về phạm vi và sẽ được EU đơn phương thông qua.