Ông Trump và "phép thử" từ Trung Quốc, Triều Tiên

HẢI ĐĂNG| 15/03/2017 09:37

Vấn đề hạt nhân Triều Tiên được đánh giá là thách thức ngoại giao chính của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vì nó cũng liên quan tới thái độ của Washington với một trong những khúc mắc với Trung Quốc.

Ông Trump và

Vấn đề hạt nhân Triều Tiên được đánh giá là thách thức ngoại giao chính của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vì nó cũng liên quan tới thái độ của Washington với một trong những khúc mắc với Trung Quốc.

Đọc E-paper

Hôm 7/3, Mỹ đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, với việc đưa hai bệ phóng THAAD đến khu vực triển khai - dự kiến là vùng Seongju, phía Nam thủ đô Seoul. Động thái này xem như câu trả lời quyết đoán của liên minh Mỹ - Hàn trước "mối đe dọa hạt nhân" từ Triều Tiên, cũng như cả sự phản đối từ Trung Quốc.

Căng thẳng leo thang

Truyền thông Mỹ, Hàn Quốc và từ Anh đa số nhận xét rằng Triều Tiên là thách thức ngoại giao lớn nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Như hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, thì Mỹ của thời ông Trump đã có ba cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia về Triều Tiên, nhiều nhất trong số các chủ đề ngoại giao được bàn thảo.

Triều Tiên giai đoạn này trải qua nhiều câu chuyện lớn, như việc bị phía Malaysia tố đứng sau vụ ám sát người đàn ông tên Kim Chol - mà ngày 10/3 phía Malaysia khẳng định đó chính là Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Quan trọng nhất là đã xuất hiện cáo buộc từ Mỹ và Hàn Quốc cho rằng ông Kim Jong Un đã ra lệnh giết anh trai nhằm mục đích chính trị, và tất nhiên Triều Tiên xem đây như một cách bôi nhọ chính quyền của họ.

Ngoài ra, thông tin một phía từ Malaysia quả quyết ông Kim Chol nói trên chết vì bị đầu độc bằng VX - một loại chất bị Liên Hiệp Quốc liệt vào danh sách vũ khí hóa học hủy diệt hàng loạt. Nếu đây là sự thật, Triều Tiên sẽ càng đứng trước những quyết định trừng phạt gắt gao hơn nữa.

Trong các diễn biến thời gian này, Bình Nhưỡng cũng tiếp tục gây lo ngại với các đợt thử nghiệm tên lửa như hồi tháng 2 và ngày 6/3. Động thái ấy cũng tương tự những câu chuyện dai dẳng nhiều năm qua, được cho nhằm phản ứng đối với các đợt tập trận của Mỹ và Hàn Quốc.

>>Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump và "bài toán" Triều Tiên

Những rắc rối nêu trên, vốn luôn nằm trong chương trình nghị sự của Mỹ, lại càng khiến chính quyền ông Trump phải đặc biệt chú trọng. Diễn biến mới nhất và có vẻ quyết đoán là liên minh Mỹ - Hàn tiến hành tập trận thường niên, trước khi khởi động việc lắp đặt hệ thống THAAD. THAAD không chỉ ảnh hưởng quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc - Mỹ, mà còn là nhân tố gây căng thẳng với Trung Quốc, nước luôn cho rằng điều này làm ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh khu vực.

Hòa hoãn để vượt qua phép thử?

Trung Quốc không che giấu cách thức họ muốn trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Sau khi tuyên bố Mỹ nên tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên (tương tự đàm phán hạt nhân Iran), Ngoại trưởng Vương Nghị tuần trước đưa ra một hướng trao đổi: Mỹ - Hàn bỏ tập trận, Triều Tiên ngừng phô diễn tên lửa, hạt nhân.

Phía Mỹ không chấp nhận cách thức này, hoặc ít nhất không chấp nhận là bên nhượng bộ. Hai phát ngôn viên từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đều cho rằng Triều Tiên phải cho thấy tín hiệu tích cực trước, và rằng không thể lấy các cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn để đồng nhất với biểu hiện vi phạm lặp đi lặp lại này.

Tuy nhiên dù nói "cứng", Mỹ vẫn có thể phải hòa hoãn, thể hiện qua việc Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley khẳng định "tất cả những lựa chọn đều đang được xem xét". Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc khẳng định Mỹ vẫn dùng ngoại giao và kinh tế để gây áp lực lên Triều Tiên, và dĩ nhiên cũng tiếp tục nhờ tay Trung Quốc - nước có quan hệ gắn bó và được xem có ảnh hưởng lớn nhất đối với Bình Nhưỡng.

Từ ngày 15 tới 19/3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ có chuyến công du châu Á đầu tiên đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đây được xem là thời điểm quan trọng để thể hiện rõ ràng hơn lập trường của Mỹ đối với vấn đề Triều Tiên. Giới quan sát nhận định rằng trong thời điểm còn nhiều thách thức trong nước, chính quyền Tổng thống Trump sẽ chọn cách tiếp cận an toàn nhất đối với những câu chuyện như Triều Tiên và Biển Đông.

Giáo sư Carl Thayer - Chuyên gia nghiên cứu Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Úc nói với Doanh Nhân Sài Gòn: "Ông Vương Nghị cố ý đưa ra thông tin sai lệch từ Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc giữ quan điểm rằng chính quyền của ông Trump thiếu kiến thức về Biển Đông. Nên trường hợp này Vương Nghị cố ý làm sai lệch các quyết định đạt được giữa các lãnh đạo đồng minh từ hội nghị Potsdam và Cairo. Khi họ đồng ý rằng Nhật phải trả lại các vùng đã chiếm, không hề có đề cập cụ thể nào tới Hoàng Sa và Trường Sa".

>>Trung Quốc "đặt chân" vào thị trường năng lượng điện hạt nhân Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Trump và "phép thử" từ Trung Quốc, Triều Tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO