Những điều cần biết về "Hồ sơ Panama"

BÍCH TRÂM (theo CNN)| 09/04/2016 06:51

Dưới đây là những điều cần biết về vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất lịch sử - "Hồ sơ Panama".

Những điều cần biết về

Hôm Chủ nhật 3/4 vừa qua, Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã phanh phui hàng triệu tài liệu gây rúng động dư luận thế giới - được gọi là “Hồ sơ Panama” (Panama Papers).

Đây là những điều cần biết về vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất lịch sử này:

“Hồ sơ Panama” là gì?

ICIJ và một liên minh truyền thông quốc tế đã công bố nhiều tài liệu điều tra, trong đó tiết lộ các mạng lưới bí mật có liên quan đến những người thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin và những mối quan hệ làm ăn giữa một thành viên của Ủy ban Đạo đức thuộc Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) với những quan chức đang bị Mỹ cáo buộc tham nhũng.

Tại sao những tài liệu này được gọi là “Hồ sơ Panama”?

Hơn 11 triệu tài liệu có từ 4 thập kỷ trước được lấy từ Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama. ICIJ cho biết, Mossack Fonseca đã giúp thành lập các “công ty ma” và mở các tài khoản ở nước ngoài cho những nhân vật quyền lực trên khắp thế giới.

ICIJ còn tiết lộ, một kết quả kiểm toán năm 2015 cho thấy, Mossack Fonseca nắm danh tính chủ sở hữu thực của 204 trong tổng số 14.086 công ty được thành lập tại Seychelles – một quần đảo thuộc Ấn Độ Dương vốn được mô tả như một "thiên đường thuế".

Ai được “gọi tên” trong các tài liệu này?

“Hồ sơ Panama” tiết lộ thông tin về các nhà lãnh đạo, cựu lãnh đạo cũng như 128 chính trị gia và quan chức trên khắp thế giới.

Ngoài những cáo buộc có liên quan đến những cộng sự của ông Putin và quan chức FIFA, tài liệu này còn cáo buộc cựu Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson (ông từ chức vào ngày 5/4 vừa qua) và vợ có liên quan đến một công ty ở nước ngoài, đồng thời cáo buộc Tổng thống Argentina Mauricio Macri sở hữu một công ty bí mật mà ông đã không tiết lộ khi kê khai tài sản.

Những người bị cáo buộc đáp lại “Hồ sơ Panama” như thế nào?

Điện Kremlin đã bác bỏ những cáo buộc và cho rằng vụ “Hồ sơ Panama” nhằm mục đích làm giảm uy tín của Tổng thống Putin trước thềm bầu cử.

Văn phòng Thủ tướng Iceland thì tuyên bố công ty nước ngoài có liên quan đến ông Sigmundur David Gunnlaugsson thuộc sở hữu của vợ ông và vốn được thành lập để tránh các xung đột lợi ích ở Iceland.

Còn người phát ngôn của Tổng thống Argentina Mauricio Marci thì cho rằng ông chưa bao giờ sở hữu cổ phần của công ty được cho là có liên quan đến mình.

Các nước như Anh, Pháp, Úc và Mexico tuyên bố sẽ điều tra về các hành vi trốn thuế nếu có.

Ủy ban Đạo đức FIFA cho biết đã phát động một cuộc điều tra sơ bộ đối với cựu thành viên của Ủy ban này là luật sư người Uruguay Juan Pedro Damiani (ông từ chức vào ngày 6/4 vừa qua). Ông Juan Pedro Damiani bị cáo buộc có giao dịch với những công ty liên quan đến cựu quan chức FIFA Eugenio Figueredo và 2 người đang bị buộc tội tham nhũng khác.

“Chúng tôi không duy trì bất kỳ sự hợp tác kinh doanh nào với ông Eugenio Figueredo cũng như với bất cứ ai bị nêu tên trong các bài báo gần đây”, Hãng luật J.P. Damiani của ông Juan Pedro Damiani tuyên bố với CNN.

Hãng luật Mossack Fonseca nói gì?

Hôm thứ Hai 4/4, Mossack Fonseca tuyên bố: “Ngành công nghiệp của chúng tôi không được mọi người hiểu đúng, và loạt tài liệu này sẽ chỉ góp phần đào sâu thêm sự nhầm lẫn. Sự thật là, chúng tôi là nạn nhân của một sự xâm phạm dữ liệu và không có thông tin nào trong những tài liệu này cho thấy chúng tôi vi phạm pháp luật. Chúng tôi đã hoạt động hoàn toàn hợp pháp trong hơn 40 năm qua tại Panama. Không ai muốn tài sản của mình bị đánh cắp, chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để người có tội bị đưa ra trước pháp luật. Và chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục phục vụ khách hàng – những người được phép hoạt động trên toàn thế giới, như chúng tôi đã và đang thực hiện trong 4 thập kỷ qua”.

Ramon Fonseca Mora – nhà đồng sáng lập Hãng luật Mossack Fonseca cho biết trên CNN rằng, các thông tin được công bố mang tính thiếu chính xác vì có nhiều cái tên được ICIJ nêu ra chưa bao giờ là khách hàng của Mossack Fonseca.

ICIJ có được tài liệu bằng cách nào?

Một nguồn tin giấu tên đã gửi những tài liệu này cho tờ báo Đức Suddeutsche Zeitung và tòa soạn đã chia sẻ thông tin cho ICIJ. Những đơn vị truyền thông cũng nhận được báo cáo về số tài liệu này là BBC, The GuardianMcClatchy.

CNN đang tìm kiếm thêm thông tin từ những nhân vật nổi bật nhất được đề cập trong “Hồ sơ Panama” trên khắp châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Phi và Trung Đông.

>Tổng thống Barack Obama: Trốn thuế là vấn đề lớn của toàn cầu

>HSBC rò rỉ thông tin về cách giúp khách hàng trốn thuế

>Walmart cất giấu 76 tỷ USD tài sản tại các “thiên đường thuế”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những điều cần biết về "Hồ sơ Panama"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO