Nhật Bản tái thiết vùng Đông Bắc

THỤY KHA*| 02/04/2011 00:04

Với một thảm họa thiên nhiên thuộc loại lớn nhất lịch sử, các khu vực bị động đất, sóng thần gần như san phẳng nhiều thành phố của Nhật. Xây dựng lại từ đống đổ nát này, nước Nhật cần bao nhiêu năm và bao nhiêu tiền của?

Nhật Bản tái thiết vùng Đông Bắc

Với một thảm họa thiên nhiên thuộc loại lớn nhất lịch sử, các khu vực bị động đất, sóng thần gần như san phẳng nhiều thành phố của Nhật. Xây dựng lại từ đống đổ nát này, nước Nhật cần bao nhiêu năm và bao nhiêu tiền của?

Xem E Paper số 136

Ngày 26/3, Văn phòng Nội các Nhật Bản ước tính hư hại do thảm họa động đất, sóng thần tác động lên các công trình, đường sá, cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp dọc theo 7 tỉnh lớn nằm ở khu vực Đông Bắc của Nhật đã gây ra thiệt hại từ 185 - 308 tỷ USD.

Nhiều thành phố vùng Đông Bắc Nhật Bản đã bị san phẳng sau trận động đất

Số thiệt hại tương đương 6% tổng thu nhập quốc nội của Nhật Bản. Bốn tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất sau trận động đất là Iwate, Miyagi, Fukushima và Ibaraki. Đây là khu vực tập trung nhiều ngành công nghiệp chiến lược của Nhật Bản như điện tử, phụ tùng xe hơi, lắp ráp ô tô, nông nghiệp...

Theo ước tính này thì thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản mới đây là thảm họa thiên nhiên gây tốn kém nhất thế giới tính cho đến nay. Trong những nỗ lực đầu tiên để xử lý thảm họa, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã bơm 12.000 tỷ yên vào nền kinh tế với mục đích chính là bình ổn thị trường tài chính.

Các quan chức của Chính phủ liên minh cầm quyền ở Nhật nói rằng, họ cần ít nhất một khoản gấp 2 hoặc hơn các khoản ngân sách khẩn cấp để sử dụng vào hoạt động tái thiết. Tuy nhiên, giới chức lãnh đạo hiện vẫn chưa biết sẽ kiếm tiền từ đâu để có thể vượt quá mức 100 tỷ USD và dường như sẽ buộc Chính phủ phải tiếp tục vay nợ từ các nhà đầu tư.

Đây là một vấn đề lớn vì nợ công đã lớn gấp đôi nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD của Nhật Bản. Đây cũng là mức nợ lớn nhất trong nhóm các nước phát triển. Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda vừa qua đã khuyến cáo Nhật Bản không nên vội vã vay mượn để chi trả cho việc tái thiết.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Nhật Bản sẽ phải mất 5 năm mới hoàn tất việc tái thiết các vùng hứng chịu thảm họa. Vào thời điểm này, dư luận Nhật đang quan tâm tới zenekon trong vai trò những nhà thầu xây dựng có khả năng nhất trong hoạt động tái thiết.

Vào thời điểm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản bị tàn phá nặng nề. Thậm chí, để mô tả tình trạng dường như tất cả thành phố tại Nhật đều đã bị bom đạn dàn phẳng, người ta đưa ra hình ảnh một người có thể lăn trái bóng từ Tokyo tới Yokohama.

Nhưng nửa thế kỷ sau, Nhật Bản gần như đứng đầu thế giới về cơ sở hạ tầng, từ nhà máy, văn phòng và các cao ốc cũng như cầu cảng, sân bay.

Đứng sau công trình tái thiết khổng lồ này là zenekon - các nhà thầu lớn như Kajima, Shimizu, Obayashi và Taisei. Các zenekon cũng đóng vai trò lớn trong việc tái thiết thành phố Kobe trở thành “châu Âu phương Đông” nhanh chóng sau trận động đất xảy ra vào năm 1995.

Tuy nhiên, các zenekon ngày càng có mối quan hệ mật thiết với giới chính trị gia. Từ năm 1970 - 1990, các zenekon đã quyên góp nhiều khoản tiền khổng lồ cho các ứng cử viên Đảng Dân chủ Tự do.

Năm 1992, giới chức trách phát hiện nhiều công ty trong nhóm này đã chuyển hơn 20 triệu yên mỗi năm cho một thành viên đảng LDP. Vì vậy, Đảng Dân chủ, khi nắm quyền vào năm 2009, cam kết sẽ chấm dứt các dự án công lãng phí, có mối quan hệ giữa chính phủ và các zenekon.

Nỗ lực tái thiết dự kiến tiêu tốn hàng chục tỷ USD chi tiêu công và điều này sẽ làm lợi cho các công ty xây dựng Nhật Bản. Nhưng chiến dịch khắc phục hậu thảm họa sẽ đẩy nợ công của Nhật vốn đang căng thẳng thêm tăng cao.

Theo Reuben Chu, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Hồng Kông, thách thức lớn nhất đối với công cuộc tái thiết Nhật Bản là có đủ tiền, vật liệu và nhân lực để thực hiện công cuộc tái thiết.

Sau thảm họa động đất Kobe năm 1995, nền kinh tế Nhật đã nhanh chóng lấy lại sức bật do chính phủ tăng chi tiêu công hơn 15% trong 12 tháng sau đó. Nhưng vào thời điểm sau trận sóng thần vừa qua, Tokyo khó có thể dễ dàng chi tiêu như trước vì nền kinh tế nước này đã chìm trong món nợ công tích tụ ở mức lớn.

Quy mô tái thiết lần này cũng không bó hẹp trong một thành phố như tại Kobe trước đây. Một số thành phố sẽ phải xây dựng lại hoàn toàn từ đống đổ nát, trong khi có thể vài năm nữa công việc xây dựng mới có thể thực sự bắt đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhật Bản tái thiết vùng Đông Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO