Máy bán hàng tự động hồi sinh tại Nhật Bản

LÊ DUY| 17/11/2017 06:30

Xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX, hình ảnh máy bán hàng tự động đã trở nên quá quen thuộc với nhiều người ở khắp nơi trên thế giới. Tại Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp đang biến thiết bị có phần “cổ lỗ sĩ” này trở thành “vũ khí” bán hàng cực kỳ hiệu quả.

Máy bán hàng tự động hồi sinh tại Nhật Bản

Từ bình sữa Hello Kitty…

Một trong những cái tên đi đầu trong xu hướng “hồi sinh” máy bán hàng tự động ở xứ sở hoa anh đào là Sanrio, cha đẻ của “cô” mèo Hello Kitty nổi tiếng. Trong suốt chuyến đi xuyên Nhật từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11 của mình, cỗ máy bán hàng giống bình sữa em bé cao 2m của Sanrio chưa bao giờ làm người đi đường thôi bất ngờ và thích thú. Hiện, khách hàng tới mua sắm tại trung tâm thương mại Hikarie ShinQs, tọa lạc ở quận Shibuya, có thể trực tiếp đến và tương tác với cỗ máy độc đáo này.

Bình sữa bán hàng của Sanrio, còn gọi là Meet Bottle, được trang bị một màn hình Hello Kitty cùng công nghệ kết nối hình ảnh hiện đại. Khi bấm vào chữ “M” trên Meet Bottle, màn hình sẽ tự động liên kết người chơi với một Meet Bottle ở nơi khác, trong trường hợp tại Shibuya thì “nơi khác” là tít tận Osaka. Sau đó, hai người chơi ở hai nơi sẽ cùng phối hợp để giành những giải thưởng nho nhỏ từ chiếc máy, ví dụ như miếng dán hình Hello Kitty.

Máy bán hàng tự động Nhật Bản doanhnhansaigon
Máy bán hàng tự động Meet Bottle mang hình dáng một bình sữa. Nguồn: Keionet.com

PYuko Otsuka, nhân viên phòng media, người khởi xướng ý tưởng Meet Bottle, cho biết mục tiêu của những bình sữa bán hàng là để thu hút khách hàng đến với các cửa hiệu Sanrio tọa lạc gần đó. Otsuka nói: “Để có thể nổi bật giữa một thế giới ảo ngập tràn thông tin như hiện nay, điều cần thiết là phải mang đến ấn tượng khó quên cho người tiêu dùng trong thế giới thực. Phần lớn các máy bán hàng tự động đều có thiết kế và tính năng khá đơn điệu. Cho nên, một chiếc máy có thể khiến hai người xa lạ cùng phối hợp với nhau sẽ là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt”.

Trung bình, một ngày có khoảng 300 lượt tương tác với Meet Bottle, hơn 20% so với con số mà Sanrio ước lượng. Và, doanh số bán ra tại các cửa hàng gần đó cũng vì thế mà nhảy vọt.

Đến quảng cáo phim kinh dị

Bên cạnh đó, các loại hình máy bán hàng sáng tạo “ăn khách” khác cũng có thể được tìm thấy ở nhiều nơi thuộc quận Shibuya. Đơn cử như một máy bán hàng mang phong cách kinh dị được đặt tại trục đường chính của nơi này đã thu hút rất nhiều người đi đường đến xếp hàng để thi thố độ gan dạ.

Sau khi chọn chế độ tương tác, người chơi sẽ phải đút tay vào một khe máy tối thui để chờ đợi thử thách. Lúc kết thúc, máy sẽ tự động cho ra một mảnh giấy quảng cáo cho “Yo nimo Kimyo na Monogatari”, một bộ phim rùng rợn của đài truyền hình Fuji. Ngoài ra, mảnh giấy cũng in kèm một dãy số may mắn, với giải thưởng là một lon cà phê.

Được biết, cỗ máy được dùng để thông tin lịch phát sóng cho bộ phim. Một sinh viên từng thử sức với chiếc máy nói rằng nó là “một công cụ quảng cáo tốt”. Còn nhân viên của Fuji thì cho biết: “Chiến dịch truyền thông này cho chúng tôi thấy nhiều tiềm năng hơn từ máy bán hàng tự động. Chúng tôi sẽ xem liệu có thể triển khai gì nữa với máy bán hàng trong tương lai”.

Và bán soup cùng origami

Máy bán hàng tự động ở Nhật doanhnhansaigon
Khách hàng chọn mua hình xếp giấy origami trên máy bán hàng tự động. Nguồn: Kotaku.com

Một nhà hàng mì udon tên Dashi Doraku, cũng đã trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội trong thời gian gần đây nhờ những chiếc máy bán hàng tự động của mình. Trong năm ngoái, số lượng máy bán hàng của công ty đã tăng gấp đôi, lên 45 chiếc trên cả nước. Hiện, hơn một nửa số soup dashi được bán ra thị trường dưới dạng đóng chai, thông qua máy bán hàng tự động.

Một nhân viên của Dashi Doraku nói: “Sản phẩm từ những công ty vừa và nhỏ như chúng tôi thường không được khách hàng chú ý giữa một rừng các thương hiệu lớn. Nhưng, nếu bạn bán chúng bằng máy bán hàng độc đáo như của chúng tôi, khách hàng sẽ để ý”.

Ở tỉnh Uchiko, máy bán hàng được dùng để bán cả hình xếp giấy origami. Trước kia, cỗ máy từng được dùng để bán thuốc lá. Tuy nhiên, vào năm 2010, chủ nhân của nó đã thay thuốc lá bằng origami do một đạo luật của chính phủ trong năm 2008 yêu cầu người mua thuốc lá từ máy bán hàng phải có số chứng minh đặc biệt.

Bà chủ chiếc máy độc đáo này nói: “Tôi không mong kiếm nhiều tiền từ cỗ máy”. Ban đầu, nó được dùng với mục đích giúp những đứa bé đến mua kẹo tại cửa hàng có tiền thối vì các hình xếp chỉ có giá vài chục yen mà thôi. Trước kia, một năm, chiếc máy chỉ thu về khoảng 1.000 yen, nhưng từ cuối năm ngoái, con số này đã tăng lên đến gần 10.000 yen mỗi tháng nhờ mạng xã hội.

>>Mottainai - phong cách sống cả thế giới ngưỡng mộ của người Nhật

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Máy bán hàng tự động hồi sinh tại Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO