Kinh tế Trung Quốc sẽ suy yếu trong 2019, cả châu Á phải dè chừng

KHỞI VŨ| 03/01/2019 04:13

Theo các chuyên gia, triển vọng kinh tế châu Á trong năm 2019 sẽ một lần nữa chịu sự tác động của Trung Quốc, khi nền kinh tế lớn nhất khu vực này đối mặt với nhiều thách thức từ cả trong lẫn ngoài.

Kinh tế Trung Quốc sẽ suy yếu trong 2019, cả châu Á phải dè chừng

Theo dự đoán, sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ tạo ra hiệu ứng lan toả trên toàn châu Á, vì quốc gia đông dân nhất thế giới hiện là đối tác thương mại chính của hầu hết các nước trong khu vực.

Các chuyên gia dự báo, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại so với năm 2018, gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên toàn châu Á. Giờ đây, mọi cặp mắt đều đang chờ đợi “phản ứng” từ Bắc Kinh. Hòa chung với xu thế toàn cầu, nền kinh tế châu Á nhiều khả năng sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm 2019. Theo các chuyên gia tại ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, một trong số những thách thức lớn nhất mà châu Á sẽ phải đối mặt chính là việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, đặc biệt trong giai đoạn nửa đầu năm nay.

Được biết, tốc độ tăng trưởng của quốc gia đông dân nhất thế giới đã dần chậm lại trong năm 2018, với GDP quý I đạt mức tăng 6,8%. Sang quý II, con số này là 6,7% và tiếp tục giảm còn 6,5% trong quý III, khi chính phủ Trung Quốc cắt bớt chi tiêu dành cho cơ sở hạ tầng để giảm nợ công của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, doanh số bán ô tô giảm cũng góp phần khiến cho nền kinh tế chậm lại.

Ông Ting Lu - Trưởng chuyên gia kinh tế phụ trách các vấn đề có liên quan đến Trung Quốc tại ngân hàng Nomura - dự báo, tốc độ tăng trưởng sẽ còn chậm hơn nữa trong những tháng tới. Đề cập đến doanh số ô tô - vốn là yếu tố kéo tụt chỉ số tiêu dùng - ông Lu nói: “Chúng tôi tin rằng, sự sụt giảm này sẽ tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2019”. Ngoài ra, vị chuyên gia còn dự đoán, doanh số thiết bị phục vụ xây dựng cũng sẽ giảm trong nửa đầu 2019, hệ quả phát sinh từ chu kỳ thay thế và sự chấm dứt của các gói kích cầu.

Bên cạnh những yếu tố trong nước, cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ chắc chắn sẽ tạo áp lực cho nền kinh tế Trung Quốc. Dữ liệu cho thấy, mức thuế mà Mỹ áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã bắt đầu gây ra những tác động tiêu cực, với số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm dần, thể hiện qua chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất của chính phủ Trung Quốc suốt vài tháng qua.

Link bài viết

Trong một báo cáo mới đây, ngân hàng HSBC nhận định, căng thẳng thương mại leo thang có thể khiến Trung Quốc mất từ 0,7 - 0,8% tăng trưởng GDP vào năm 2019. Còn theo một khảo sát gần nhất do Nikkei Asian Review thực hiện trên nhiều chuyên gia kinh tế Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế nước này được dự báo sẽ giảm còn 6,2% trong năm 2019, từ mức 6,6% năm 2018.

Với những giả định nói trên, mọi sự chú ý của giới phân tích thị trường đều đang đổ dồn vào chính phủ Trung Quốc, mà cụ thể hơn, là vào những biện pháp giúp nền kinh tế nước này duy trì đà tăng trưởng. Được biết, tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương tổ chức hồi tháng 12 vừa qua, chính quyền của ông Tập đã gián tiếp đề cập đến một số gói kích thích tài khoá trong tương lai, bao gồm cả quyết định cắt giảm thuế mạnh mẽ hơn.

Theo dự đoán, sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ tạo ra hiệu ứng lan toả trên toàn châu Á, vì quốc gia đông dân nhất thế giới hiện là đối tác thương mại chính của hầu hết các nước trong khu vực. Đồng thời, điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường khu vực. Trên thực tế, phần lớn nền kinh tế ở Đông Nam Á đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt vào nửa sau của năm 2018, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Song song với đó, tăng trưởng trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu cũng đang chậm lại, kìm hãm sự phát triển của các hãng xuất khẩu hàng điện tử. Vào tháng 11, Thống kê tình hình Thương mại Chất bán dẫn Toàn cầu cho thấy, thị trường chip nói chung sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 2,6% vào năm 2019, so với mức 15,7% hồi năm ngoái, do nhu cầu smartphone giảm. Sản lượng hàng điện tử tại các nước như Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan đều sẽ bị ảnh hưởng. Tính đến tháng 11, doanh số tại Largan Precision - một trong những cơ sở sản xuất ống kính dành cho camera smartphone lớn nhất thế giới tại Đài Loan - đã giảm gần 30% trong năm qua.

Bên cạnh Trung Quốc, cũng cần phải đề cập đến ảnh hưởng phát sinh từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Một vài nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ cần tiếp tục tăng lãi suất để giữ cho tình hình kinh tế ở các địa phương được ổn định, khi mà FED đã ám chỉ về việc sẽ tăng lãi suất nhiều hơn nữa tại một cuộc họp bàn chính sách hồi tháng 12. Vào ngày 20/12, nhiều chỉ số chứng khoán ở các thị trường mới nổi đã giảm, khi FED đề cập đến 2 lần tăng lãi suất có thể sẽ diễn ra vào năm 2019, sau 4 lần tăng trong năm 2018.

Hành động thắt chặt của FED thường sẽ thu hút nguồn vốn từ các thị trường mới nổi vào nước Mỹ, và có thể kéo theo sự hạ nhiệt tiêu dùng và đầu tư trong nước. Tuy nhiên, một yếu tố tích cực là giá dầu sẽ thấp hơn. Với việc nhiều nền kinh tế ở châu Á phụ thuộc lớn vào tiêu dùng trong nước, giá dầu thấp có thể giúp làm giảm áp lực lạm phát và tăng mức chi tiêu của người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Trung Quốc sẽ suy yếu trong 2019, cả châu Á phải dè chừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO