Không thể và có thể

ĐOÀN HẠO| 15/07/2010 05:03

Khủng hoảng kinh tế thế giới có nguồn gốc từ tình trạng bong bóng nhà đất tại Hoa Kỳ là hồi chuông cảnh tỉnh những nhà hoạch định chính sách toàn cầu rằng: thế giới không nên tiếp tục lệ thuộc vào duy nhất đồng USD...

Không thể và có thể

Khủng hoảng kinh tế thế giới có nguồn gốc từ tình trạng bong bóng nhà đất tại Hoa Kỳ là hồi chuông cảnh tỉnh những nhà hoạch định chính sách toàn cầu rằng: thế giới không nên tiếp tục lệ thuộc vào duy nhất đồng USD...

Dù vẫn còn rất sớm, nhưng Trung Quốc đã bắt đầu có những hành động cụ thể nhằm biến đồng nhân dân tệ thành đồng tiền chung châu Á, được dự trữ và thông thương ngang hàng với USD và EUR.

Cuối tháng 6/2010, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố báo cáo: “Đồng nhân dân tệ có triển vọng đạt vị trí ngang hàng với USD và EUR để thúc đẩy hình thành hệ thống dự trữ đa tiền tệ trong các ngân hàng trung ương toàn cầu”.

Nhân dân tệ được dự báo sẽ thay thế USD tại châu Á trong 30-40 năm tới.

Một số chuyên gia dự đoán, thời cơ chín muồi là năm 2020, khi Bắc Kinh biến Thượng Hải thành trung tâm tài chính quốc tế.

Một nhân tố quan trọng để thực hiện tham vọng trên là Bắc Kinh phải tìm cách giúp sự chuyển đổi đồng nhân dân tệ sang các đồng tiền chính khác dễ dàng hơn.

Để giải quyết vấn đề thanh khoản, Bắc Kinh ký thỏa thuận trao đổi tiền tệ với những đối tác thương mại thân thiết nhất (Argentina, Indonesia, Ấn Độ, Nhật, Pakistan, Nga, Hàn Quốc) và khuyến khích các nước này dùng đồng nhân dân tệ trong mọi hoạt động mua bán với Trung Quốc.

Trước diễn biến này, nhà kinh tế học Andy Xie nhận định: “Trong 30 hoặc 40 năm tới, nhân dân tệ sẽ thay thế USD tại châu Á”...

Tuy nhiên, có những chuyên gia đánh giá, đồng tiền chung châu Á là "giấc mơ viển vông" vì có nhiều bất đồng quan điểm chính trị, không thống nhất chính sách tiền tệ và chính sách giám sát. Hơn thế nữa, bấy lâu nay hầu như không có thảo luận chính thức về chính sách tài chính chung. Mặc dù vậy, nhiều nhà kinh tế học lạc quan tin “quá trình xây dựng đồng tiền chung châu Á đang được đắp nền”.

Đầu tiên, thống nhất cộng đồng lớn có nhiều khác biệt quyền lợi và văn hóa cần nhiều thời gian, nhưng không có nghĩa là không thể. Bộ máy hành chính châu Âu đã đối thoại, thương lượng hơn 50 năm tại nhiều trung tâm quyền lực: Brussel - Bỉ, Basel - Thụy Sĩ và Frankfurt - Đức...

Thứ hai, “phòng ngự” đang chuyển dần sang “tấn công”. Bấy lâu nay, ý tưởng thống nhất châu Á (đơn cử là Quỹ Tiền tệ Châu Á) chỉ nhằm giúp những đồng tiền yếu trong khu vực thoát khỏi hiểm họa đầu cơ và bất ổn. Vậy nên, đề xuất “giúp đỡ lẫn nhau mang tính song song” của Sáng kiến Chiang Mai mất nhiều thời gian để thu xếp và rồi nhanh chóng lu mờ khi khủng hoảng tài chính châu Á xuất hiện. Tuy nhiên, châu Á ngày nay cần hợp lực để tiến đến thịnh vượng và hùng mạnh trong tư thế “tấn công” vũ bão, sức lực dồi dào...

Thứ ba, châu Á ngày càng đồng đều. Nhật Bản đang suy thoái, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ, những quốc gia vùng vịnh, các nước Đông Á (ngoại trừ Nhật) tiến bước. Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia đều là thành viên G-20. Theo Trung tâm Tài chính Toàn cầu London, 7 trung tâm tài chính châu Á - Thái Bình Dương nằm trong danh sách 15 trung tâm hàng đầu thế giới...

Thứ tư, thị trường tài chính phản ánh sức mạnh kinh tế đang nghiêng về hướng đông. Nhiều đồng tiền châu Á tăng giá so với USD.

Để có được đồng tiền chung, cần xây dựng các cơ quan tài chính chung châu Á. Malaysia đã nghênh đón cơ quan tài chính Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật và Trung Đông vào nhà mình. Nếu tiến trình mở cửa thông thoáng được thực hiện nhanh và rộng tại nhiều nước hơn, việc hợp nhất tài chính châu Á sẽ sớm trở thành hiện thực.

Bên cạnh đó, trọng điểm mà hầu hết chuyên gia đồng tình là đường đi nước bước của Trung Quốc, bởi “nhân dân tệ đang trở thành đồng tiền thông thương quan trọng, đặc biệt là với những quốc gia còn lại trong khu vực”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không thể và có thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO