Hồng Kông: Ngọc có còn sáng?

LAM HỒNG| 07/10/2014 00:18

Trạng thái độc đáo của đặc khu Hồng Kông vẫn còn rất quan trọng đối với nền kinh tế đại lục.

Hồng Kông: Ngọc có còn sáng?

Trạng thái độc đáo của đặc khu Hồng Kông vẫn còn rất quan trọng đối với nền kinh tế đại lục.

Hồng Kông là trung tâm tài chính lớn thứ ba sau London và New York

Hồng Kông từ lâu là cầu nối thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc (TQ) với thế giới. Vai trò này đã giảm trong những năm gần đây khi TQ mở cửa và làm ăn trực tiếp với bên ngoài. GDP của Hồng Kông trong tổng thể GDP TQ đã giảm từ 16% vào năm 1997, năm Hồng Kông được trả lại cho TQ, còn 3% hiện nay. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tài chính, Hồng Kông vẫn còn là con gà đẻ trứng vàng cho đại lục. Theo Dealogic, từ năm 2012, các công ty TQ đã thu hút được 43 tỷ USD trong các thương vụ niêm yết tại thị trường Hồng Kông, so với 25 tỷ USD thu hút trên sàn giao dịch đại lục. Hơn nữa, Hồng Kông là trung tâm thu hút đầu tư cho TQ, chiếm 2/3 đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TQ trong năm ngoái, tăng 30% so với năm 2005.

Hồng Kông được trao lại cho Bắc Kinh vào năm 1997 và trở thành "đặc khu hành chính" hoạt động theo cơ chế "một quốc gia, hai chế độ” với các chính sách thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế hoàn toàn tự do. Nhờ vị trí là cửa ngõ giúp nhà đầu tư quốc tế tiếp cận với đại lục, giá trị hàng hóa được giao dịch qua Hồng Kông đạt 977 tỷ USD trong năm 2013, tương đương 5,2% tổng giá trị thương mại toàn cầu. Hồng Kông hiện được coi là trung tâm tài chính quan trọng thứ ba thế giới, chỉ đứng sau London và New York. Các công ty nước ngoài sử dụng Hương cảng như cửa ngõ để đi vào thị trường 1,4 tỷ dân TQ vì Hồng Kông có môi trường đầu tư ổn định với hệ thống pháp luật, chính sách gần phương Tây. Trong 5 năm qua, Hồng Kông là thị trường được Chính phủ TQ thử nghiệm một loạt cải cách về chính sách tài chính nhằm thúc đẩy vị thế của đồng nhân dân tệ trong giao dịch quốc tế.

Tóm lại, TQ được hưởng lợi đáng kể từ trạng thái độc đáo của Hồng Kông. Vì thế, sẽ có nhiều hậu quả nếu mối quan hệ giữa Hồng Kông và đại lục bị đứt đoạn. Báo Want Daily (Đài Loan) dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, trước các cuộc bãi khoá đang nổ ra tại Hồng Kông, đại lục sẽ có biện pháp mạnh tay. Theo một báo cáo do Fitch Ratings, các cuộc bãi khóa diễn ra hai tuần qua cho đến nay dường như không ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng của Hồng Kông. Nhưng Capital Economics nhận định, nếu các cuộc biểu tình kéo dài, du lịch và thương mại, hai ngành hiện chiếm tỷ trọng 10% thu nhập nội địa của Hồng Kông, có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và khi đó kinh tế Hồng Kông sẽ rơi vào suy thoái là điều không tránh khỏi. Với vị trí quan trọng của mình, Hồng Kông được cho là một mắt xích trong guồng máy tư bản không chỉ khu vực châu Á. Vì thế, ảnh hưởng của Hồng Kông nhanh chóng lan ra các hoạt động giao thương, đầu tư thế giới.

Ngân hàng Merrill Lynch của Mỹ ước tính các vụ biểu tình đang diễn ra tại Hồng Kông đã gây ra thiệt hại ít nhất 500 triệu USD, tương đương khoảng 0,18% GDP Hồng Kông trong năm 2013. Chuyên gia Leather thuộc Capital Economics, nhấn mạnh: "Chính quyền Hồng Kông chắc hẳn sẽ không dung thứ lâu việc chiếm đóng các trục huyết mạch thương mại và có thể sẽ huy động cảnh sát giải tán đám đông trong phố. Và người ta cũng không thể loại trừ khả năng Chính phủ TQ điều quân đội tới tham gia giải tán biểu tình". Một kịch bản như vậy sẽ là cú đánh mạnh vào hình ảnh trong thế kỷ trước đã mang lại sự phồn thịnh cho xứ Hương Cảng: một trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, một nền kinh tế tự do nhất nhì thế giới nhờ duy trì được chính sách kinh tế độc lập, chất lượng cuộc sống thuộc vào loại dễ chịu...

"Hồng Kông sẽ tiếp tục là một hòn ngọc tỏa sáng cho đất mẹ trong thời gian dài", cựu Chủ tịch TQ Giang Trạch Dân, tuyên bố vào thời điểm Hồng Kông được trả về cho đại lục vào năm 1997. Liệu đây có tiếp tục là phương châm của những nhà lãnh đạo TQ hiện nay, nhất là khi có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn áp đặt nhiều chính sách từ đại lục để siết chặt Hồng Kông?

Tháng 4 năm ngoái, giao dịch bằng nhân dân tệ chiếm 49,5 tỷ USD trong số 275 tỷ USD khối lượng ngoại tệ được giao dịch trung bình trong một ngày tại Hồng Kông. Hồng Kông cũng nằm trong top 5 cảng container lớn nhất thế giới, với khối lượng hàng hóa lớn gấp 5 lần cảng lớn nhất nước Mỹ là Los Angeles. Hầu hết hàng hóa đi qua đây là những nguyên liệu thô nhập vào TQ và hàng hóa đã hoàn thành mà TQ xuất khẩu ra nước ngoài.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hồng Kông: Ngọc có còn sáng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO