Hàng không thế giới: Chật vật thoát hiểm

THANH TÂM| 09/12/2009 08:34

Hàng không thế giới ngày càng lún sâu vào những khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử. Ngoài các khoản viện trợ khẩn cấp của chính phủ, nhiều hãng đã phải thực hiện những biện pháp “chưa từng có” để thoát khỏi bóng đen phá sản.

Hàng không thế giới: Chật vật thoát hiểm

Hàng không thế giới ngày càng lún sâu vào những khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử. Ngoài các khoản viện trợ khẩn cấp của chính phủ, nhiều hãng đã phải thực hiện những biện pháp “chưa từng có” để thoát khỏi bóng đen phá sản.

Năm 2009 đã chứng kiến những vụ thất thoát tỷ đô của các hãng hàng không lớn nhất nhì châu Á và thế giới. Điển hình, hãng hàng không khổng lồ American Airlines báo cáo thu nhập quý III/2009 giảm 20%, tổng tổn thất lên đến 359 triệu USD. Hàng không Ấn Độ Air India thiệt hại nặng nề hơn với con số thua lỗ 1,2 tỷ USD trong vòng một năm, từ tháng 3/2008 đến tháng 3/2009 - tương đương với số tiền có thể nuôi sống hơn 400 triệu người Ấn trong một năm. Nhưng như vậy cũng chưa thấm vào đâu so với thế mấp mé bờ vực phá sản của Hàng không Nhật Bản - JAL: thua lỗ trong 6 tháng đầu năm tài khóa 2009 là 1,45 tỷ USD...

Năm nay, do dịch cúm A/H1N1 lan rộng, số lượng chuyến bay du lịch giảm nhiều. Hơn nữa, do khủng hoảng kinh tế, hàng hóa vận chuyển ít đi. Đó là chưa kể, nếu phải đi công vụ, doanh nhân cũng lựa giá vé bình dân, chứ không ngồi khoang hạng nhất như thường lệ... Nhằm cứu vãn tình thế, các hãng đồng loạt sa thải hàng ngàn nhân công, cắt giảm hàng chục chuyến bay và chuyển sang dùng máy bay cỡ nhỏ. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) thông báo, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến hàng không thế giới thiệt hại tới 27,8 tỷ USD giai đoạn 2008-2009. Mức thiệt hại trong đợt khủng hoảng này còn nặng nề hơn so với thời điểm sau sự kiện 11/9.

Để cứu vãn số phận của Air India, Chính phủ Ấn Độ mới phải bơm vào hãng hàng không này hơn 8 tỷ rupee. Trong khi đó, Hàng không Nhật Bản tìm lối thoát hiểm bằng cách kêu gọi cắt giảm 30% lương hưu của hơn 9.000 nhân viên. Các hãng hàng không Hoa Kỳ đã chật vật vượt qua thời kỳ đen tối bằng cách tăng nhiều khoản phụ phí. Khởi đầu là American Airlines, sau đó là Delta, Northwest và U.S Airways, lần lượt áp dụng mức tăng phí 10USD trên chuyến bay nội địa vào các ngày đông khách, dịp lễ cuối đông và đầu xuân. Luton Airport còn thu tiền người đi đón thân nhân tại phi trường. Quá đáng nhất, là European Airline Ryanair từng quy định thu 1,5USD nếu hành khách sử dụng nhà vệ sinh trên máy bay... Dù khiến hành khách tức giận, nhưng đúng là giải pháp phụ phí là "cứu cánh" cho các hãng hàng không trong thời điểm hiện nay.

Mặc dù vậy, Chủ tịch IATA, ông Giovanni Bisignani, nhận định: “Giá nhiên liệu ngày càng tăng đề phòng phục hồi kinh tế, nhưng chúng tôi lại không nhìn thấy sự phục hồi trong kinh doanh của mình. Thậm chí, với số lượng hành khách gia tăng thì cũng phải đến khoảng năm 2012-2013, tổng thu nhập của ngành công nghiệp hàng không thế giới mới có thể phục hồi được như mức năm 2008”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng không thế giới: Chật vật thoát hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO