Giá dầu tăng hay giảm, Mỹ đều lợi

28/12/2014 07:01

Giá dầu lửa giảm mạnh và nhanh trong thời gian qua là nhân tố quan trọng giúp kinh tế Mỹ có thể đạt tăng trưởng 5% năm 2014.

Giá dầu tăng hay giảm, Mỹ đều lợi

Đúng vào dịp lễ Giáng sinh và bước sang năm mới 2015, nước Mỹ có được một tin tốt lành về tình hình kinh tế. Theo những số liệu thống kê chính thức vừa được công bố thì kinh tế Mỹ năm 2014 này có thể đạt mức tăng trưởng 5%, cao nhất kể từ 11 năm nay và vượt xa kinh tế EU và Nhật Bản.

Theo Chính phủ Mỹ, kinh tế Mỹ tăng trưởng được với mức độ như vậy nhờ tiêu dùng và đầu tư ở trong nước đều tăng mạnh mẽ. Riêng tiêu dùng đã chiếm gần 70% GDP ở Mỹ. Mức độ tăng trưởng kinh tế này là kết quả tác động của nhiều nhân tố trong thời gian nhiều năm liền chứ không phải đột biến trong năm 2014.

Chẳng hạn như về phương diện tiền tệ, suốt từ năm 2008 đến nay, có nghĩa là từ khi bùng nổ khủng hoảng tài chính, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không chỉ duy trì mặt bằng lãi suất chủ đạo rất thấp là từ 0% đến 0,25% mà còn bơm lượng tiền khổng lồ vào thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng. Nước Mỹ trong khoảng thời gian này đã thực thi những chương trình kích cầu tăng trưởng ở mức độ lớn chưa từng thấy trong lịch sử.

Thực trạng tăng trưởng kinh tế hiện tại đưa lại bằng chứng là chính sách tiền tệ mà Fed đã áp dụng trong thời gian qua tuy như một thí nghiệm vì chưa từng như thế bao giờ nhưng lại phát huy tác dụng. Bởi thế, trong thời gian tới có thể thấy rất ít khả năng Fed đưa ra những quyết sách mang tính bất ngờ và đột biến về phương diện chính sách tiền tệ.

Giá dầu lửa giảm mạnh và nhanh trong thời gian vừa qua cũng là một nhân tố quan trọng giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng cao. Trong thực chất, giá dầu lửa giảm nhiều như thế có tác động chẳng khác gì tác động cộng hưởng của kích cầu tăng trưởng và giảm thuế. Giá dầu lửa giảm mạnh tạo thuận lợi đáng kể cho sản xuất kinh doanh bởi chi phí năng lượng thấp và giá nguyên vật liệu từ dầu lửa rẻ.

Giá dầu lửa giảm cũng kích thích tiêu dùng tư nhân. Ngoài ra, chi phí cho năng lượng giảm giúp dân chúng có điều kiện tiền bạc chi cho mục đích khác.

Điều đáng chú ý - là cái may mắn lớn đối với kinh tế Mỹ - là giá dầu lửa giảm nhanh và mạnh sau khi ở Mỹ đã có được sự phát triển rất năng động và ấn tượng trong ngành công nghiệp khai thác dầu khí - với công nghệ Fracking - nó riêng và trên lĩnh vực năng lượng nói chung. Nhờ sử dụng công nghệ Fracking (ảnh trên) để khai thác dầu lửa và khí đốt từ đá phiến, Mỹ đã trở thành nước khai thác dầu lửa lớn nhất thế giới, vượt cả Saudi Arabia lẫn Nga.

Mỹ đã tiến được bước rất xa và rất cơ bản trong chuyện đảm bảo an ninh năng lượng và giảm bớt sự lệ thuộc vào một số đối tác bên ngoài về cung ứng năng lượng. Nhưng qua đó, Mỹ đồng thời còn làm thay đổi cả tương quan sức mạnh trên thị trường năng lượng thế giới.

Sự phát triển trên lĩnh vực năng lượng đã tạo động lực quan trọng cho kinh tế Mỹ phục hồi và đẩy mạnh tăng trưởng. Sự phát triển ấy không còn duy trì được đà từ khi giá dầu lửa giảm nhanh và mạnh, nhưng dù vậy cũng đã đủ để giúp tăng trưởng kinh tế Mỹ được chuyển giai đoạn.

Như vậy, kinh tế Mỹ được lợi cả khi giá dầu lửa rất cao lẫn cả khi giá dầu lửa giảm xuống thấp trên thị trường thế giới. Nghe cứ tưởng nghịch lý, nhưng thực tế lại như vậy.

Đến nay có thể thấy kinh tế Mỹ phục hồi và tăng trưởng ổn định và vững chắc hơn kinh tế EU và càng hơn kinh tế Nhật Bản. Có thể dự báo được là kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ duy trì được đà tăng trưởng và mức độ ổn định của tăng trưởng kinh tế trong năm tới. Nhưng đồng thời cũng lại không thể không thấy là việc đồng USD mạnh lên sẽ buộc FED phải có điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Việc FED tăng lãi suất chủ đạo sẽ là chuyện không còn có thể tránh khỏi trong năm 2015. Câu hỏi chỉ là bắt đầu khi nào và với mức độ nào. Câu trả lời xuất phát từ giác độ hiện tại là vào khoảng giữa năm và với mức độ không lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá dầu tăng hay giảm, Mỹ đều lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO