EU tiến thoái lưỡng nan trước "cơn bão" viễn thông Trung Quốc

08/08/2016 03:51

Trước sự nổi lên như vũ bão của các công ty thiết bị viễn thông đối thủ đến từ Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đã phải lên kế hoạch áp dụng biện pháp bảo hộ cho doanh nghiệp trong khối.

EU tiến thoái lưỡng nan trước

Trước sự nổi lên như vũ bão của các công ty thiết bị viễn thông đối thủ đến từ Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đã phải lên kế hoạch áp dụng biện pháp bảo hộ cho doanh nghiệp (DN) trong khối.

Tuy nhiên, thái độ dè dặt từ chính những người trong cuộc đang đặt EU vào thế tiến thoái lưỡng nan, trong bối cảnh nhu cầu đối với các sản phẩm chủ lực bị giảm sút, còn thị phần thì thu hẹp.  

Theo các quan chức EU, Trung Quốc chưa tuân thủ các điều khoản thỏa thuận năm 2014 với EU, trong đó Brussels không áp thuế nhập khẩu đối với thiết bị do Huawei Technologies và ZTE của Trung Quốc sản xuất. Đổi lại, Bắc Kinh đồng ý thực hiện một số biện pháp giúp các DN châu Âu như Ericsson và Nokia có thêm cơ hội kinh doanh tại thị trường đông dân nhất thế giới.

Nỗi lo bị trả đũa

Một phần quan trọng của thỏa thuận này liên quan đến việc trao quyền cho một ủy ban độc lập để giám sát thị trường thiết bị viễn thông. Ủy ban này có chức năng phát hiện các hành vi bất hợp pháp, như bán phá giá và bảo đảm DN châu Âu được bình đẳng gia nhập thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, gần 2 năm sau khi hiệp định được ký kết, ủy ban trên chưa được thành lập, với lý do Trung Quốc chưa chịu cấp kinh phí hoạt động và từ chối yêu cầu của EU về việc thành viên ủy ban phải độc lập với chính phủ.

Lâu nay, giới chức phương Tây vẫn cho rằng, Trung Quốc hỗ trợ quá nhiều cho các công ty nội địa, khuyến khích DN của nước này mặc sức sản xuất ồ ạt mà không quan tâm đến cung cầu thị trường. Hệ quả là hàng hóa rớt giá thê thảm, từ thép, nhôm cho tới pin mặt trời, làm méo mó những thị trường mà các sản phẩm này hiện diện. Đối với mảng thiết bị viễn thông, các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc bị cho là hỗ trợ gói tín dụng “khủng” cho hoạt động xuất khẩu của Huawei và ZTE.

Thế nhưng, sức hút của thị trường Trung Quốc béo bở khiến nhiều quốc gia EU không mặn mà ủng hộ việc đánh thuế Huawei và ZTE vì lo bị “trả đũa”. Bản thân Ericsson và Nokia cũng chung quan điểm đó.

Về phần mình, Trung Quốc luôn phủ nhận việc các DN nội địa bán phá giá sản phẩm trên thị trường thế giới. Huawei tự tin rằng chất lượng sản phẩm của mình giờ không hề thua kém, thậm chí vượt trội so với đối thủ châu Âu và chẳng cần dựa vào giá để cạnh tranh nữa.

Vị thế thống trị của các công ty châu Âu trong lĩnh vực thiết bị mạng không dây ngày càng lu mờ đã thấy rõ. Nokia lỗ quý thứ hai liên tiếp, trong khi Ericsson phải thay giám đốc điều hành, điểm chung của cả hai là đều vì hụt hơi cạnh tranh với đối thủ. Thị phần của Ericsson ở Trung Quốc đã rơi tự do từ 26,5% trong năm 2011 xuống còn chỉ 6,9%.

Muốn cương mà vẫn phải nhu

Hiện tại, Ủy ban châu Âu (EC) cũng không thể toàn tâm toàn ý với kế hoạch tăng thuế đối với thiết bị viễn thông Trung Quốc. Cơ quan này đang bận rộn xử lý một vướng mắc lớn, liên quan đến chuyện có thừa nhận quy chế “kinh tế thị trường” của Trung Quốc hay không. Nếu thừa nhận, quyền áp đặt thuế quan của EU đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ bị giới hạn rất nhiều.

Hôm 4/8, EU đã áp thuế chống bán phá giá đối với một số loại thép nhập khẩu của Trung Quốc và Nga, cho dù về mức độ thì chưa bằng 1/10 so với thuế suất của Hoa Kỳ hồi đầu năm cũng với các sản phẩm trên.

Trước đó, trong tháng 7, EU đã lên tiếng về vấn đề thiết bị viễn thông tại một cuộc họp cấp cao với phía Trung Quốc tại Bắc Kinh, nhưng có vẻ nút thắt này còn lâu mới được tháo gỡ.

Ngược lại với châu Âu, chính phủ Hoa Kỳ tỏ ra dứt khoát hơn, khi cấm tiệt Huawei tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng mạng của nước này, vì lo ngại thiết bị Huawei có thể bị lợi dụng để thu thập thông tin tình báo.

Trước đây, EU từng muốn “làm căng” với Bắc Kinh nhưng bất thành. Tháng 5/2013, EC dọa sẽ mở cuộc điều tra về cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh của thiết bị viễn thông Trung Quốc, nhưng đến tháng 10/2014 thì buộc phải hoãn lại, vì không được giới chính trị châu Âu ủng hộ. Thay vào đó, hai bên lựa chọn “giải pháp hòa giải”, trong đó, quy định về việc thành lập ủy ban độc lập như đã nêu.

>Huawei tiết lộ ý định thâu tóm Nokia

>Nỗi lo từ 2 đại gia viễn thông Trung Quốc

>Vì sao “đại gia” viễn thông Trung Quốc bị ghẻ lạnh?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
EU tiến thoái lưỡng nan trước "cơn bão" viễn thông Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO