"Đám mây mù" khủng hoảng của Uber

05/04/2017 06:40

Với mức định giá khủng, hiện tại, Uber sẽ gặp nhiều khó khăn khi gọi vốn ở thị trường tư nhân. Travis Kalanick sẽ phải xóa tan đám mây mù ở Uber nếu muốn lên sàn.

Khi Travis Kalanick còn là cậu thiếu niên, việc đầu tiên của ông là gõ cửa nhà khách hàng và mời họ mua dao. Giờ ông đang tìm cách né những mũi dao đang chĩa về phía mình và Uber - công ty gọi xe được đánh giá là startup có giá trị nhất thế giới.

Mới đây, Jeff Jones - Chủ tịch Uber - đã thoái vị sau 6 tháng, tuyên bố “niềm tin và cách lãnh đạo mà đã dẫn dắt sự nghiệp của tôi hoàn toàn không nhất quán với những gì tôi chứng kiến và trải nghiệm tại Uber”.

Ít nhất 6 nhà điều hành chủ chốt và nhân sự cấp cao đã ra đi trong vòng 9 tuần qua. Trong đó, có một người đứng đầu bộ phận bản đồ của Uber, một người phụ trách công nghệ ô tô không người lái và một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) phụ trách phòng nghiên cứu AI của Uber chỉ cách đây 3 tháng.

Là người có tham vọng lớn và quyết liệt, Kalanick đã xây dựng công ty 8 năm tuổi đời của mình trở thành hãng công nghệ thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất nước Mỹ bằng cách giẫm chân vào nhiều nhóm khác nhau, cả những tài xế lái taxi truyền thống, các hãng công nghệ khác và các nhà chức trách. Kalanick đã đưa Uber nhảy vào những thị trường mới ở nước ngoài và huy động được số vốn kỷ lục khoảng 12,5 tỷ USD (bao gồm cả nợ). Công ty hiện có giá trị xấp xỉ 70 tỷ USD.

Tuy nhiên, một loạt thông tin không hay ho về Kalanick, cùng với một số trở ngại cho Uber đã đe dọa hãm phanh đà tăng trưởng thần tốc này. “Tôi chưa từng chứng kiến ai trải qua những tháng kinh khủng như thế”, ông chủ một hãng công nghệ lớn nhận xét.

Giới chính trị “tấn công” trước tiên: vào tháng 1, Kalanick bị chỉ trích vì đã tham gia vào Ủy ban cố vấn doanh nghiệp của Tổng thống Donald Trump và rõ ràng đã can thiệp vào một vụ đình công của giới tài xế taxi phản đối lệnh cấm của Trump đối với người tị nạn. Một chiến dịch gọi là #DeleteUber ra đời, hô hào người sử dụng ngừng dùng ứng dụng Uber.

Sau đó, các mối lo ngại về văn hóa Uber ngày càng gia tăng. Một cựu nhân viên từng đăng trên blog “kể tội” phòng nhân sự Uber đã không giải quyết đơn khiếu nại quấy rối tình dục của cô. Kế tiếp, một tài xế Uber đã đăng tải đoạn video Kalanick mắng nhiếc một cách thô lỗ khi nói chuyện với anh này về việc cắt giảm cước phí. Vụ bê bối gần đây nhất là một thông tin tiết lộ cho thấy Uber đã bí mật thiết kế và sử dụng phần mềm Greyball qua mặt nhà chức trách để tránh bị phát hiện khi hoạt động tại những nơi không được cấp phép.

>>Hàn Quốc đối mặt với khủng hoảng kim chi

Có 2 câu hỏi Uber đang phải đối mặt. Một là liệu Uber có tiếp tục phát triển dưới sự lãnh đạo của Kalanick? Thung lũng Silicon có thể ca ngợi kiểu người như Kalanick nhưng những hành vi và ngôn từ của ông trước công chúng đã khiến cho những người thân cận với Uber lo ngại. Nhà đầu tư mạo hiểm Bill Gurley - một trong những người ủng hộ Uber từ những ngày đầu tiên và hiện có chân trong Hội đồng Quản trị, đang tìm kiếm một COO để “kìm chân” Kalanick và khôi phục tiếng tăm cho Uber.

Nếu Gurley và các thành viên khác trong Hội đồng Quản trị không thể tìm được một ứng viên có kinh nghiệm sẵn lòng làm việc với Kalanick, những lời “la ó” yêu cầu Kalanick thoái vị có thể sẽ càng nhiều hơn. Nhưng đó lại là quyết định của chính Kalanick. Uber là một ví dụ nổi bật về quyền lực của các nhà sáng lập tại những công ty công nghệ tăng trưởng nhanh. Một mình ban quản trị của Uber không có quyền lực thay CEO vì Kalanick và nhà đồng sáng lập Garrett Camp kiểm soát đa số cổ phiếu biểu quyết.

Câu hỏi thứ 2 khiến cho nhiều người lo lắng về triển vọng kinh doanh dài hạn của Uber. Một trong những nhà đầu tư giai đoạn đầu của Công ty cho biết các sự kiện gần đây là những cú đấm thẳng và trực diện vào Uber. Vị này lo ngại có thể có “một cú hạ knockout” sẽ hủy hoại hoàn toàn đà tăng trưởng của Uber.

Từ đầu năm 2017 cho đến tuần đầu tiên của tháng 3, thị phần của Uber tại Mỹ đã giảm từ 80% xuống còn 74%, theo 7Park Data. Đối thủ Lyft dường như là kẻ hưởng lợi chính từ cú va vấp của Uber. Uber có thể lấy lại thị phần đã mất, nhưng Công ty sẽ không tăng trưởng một cách dễ dàng như trong quá khứ.

Ít nhất vẫn còn nhiều dư địa để Uber bành trướng ở quê nhà: chỉ khoảng 6% người sử dụng điện thoại di động Mỹ gọi xe qua Uber và Lyft mỗi tháng 1 lần hoặc hơn.

Tuy nhiên, mức định giá khủng của Uber cũng phụ thuộc vào việc công ty này có thể giải quyết một thách thức còn khó khăn hơn: chiếm lĩnh hầu hết các thị trường gọi xe trên thế giới. May thay, ít có bằng chứng cho thấy các hành vi của Kalanick đã hủy hoại triển vọng của Uber bên ngoài nước Mỹ. Nhưng mục tiêu thống lĩnh cả thế giới vẫn còn rất xa vời: Uber đang gặp phải một đối thủ mạnh là Grab ở khu vực Đông Nam Á. Uber cũng bỏ ra hàng tỷ USD để cạnh tranh với Didi - đối thủ lớn tại Trung Quốc, mãi cho đến năm ngoái, khi Công ty đồng ý rút khỏi thị trường này, đổi lấy 20% cổ phần trong Didi.

>>Startup gọi xe tải kiểu Uber: Không đối thủ ở Ấn Độ

Các nhà đầu tư rõ ràng muốn Uber sinh lời ở các thị trường phát triển. Doanh số bán của Uber, vào khoảng 5,5 tỷ USD năm 2016, đang tăng rất nhanh nhưng Uber cũng phải chi rất nhiều vào các thành phố Mỹ, vốn là địa bàn hoạt động của các hãng đối thủ nhỏ hơn như Lyft, Juno, Via. Đối với mỗi đồng USD mà Lyft bỏ ra để trợ giá cước, thì Uber tốn đến gấp 4 lần số tiền đó để giữ chân khách hàng và tài xế, vì quy mô lớn hơn nhiều của hãng này. Cuộc bành trướng ra nước ngoài của Uber cũng đang khiến Hãng tốn kém không ít. 

Có nhiều mối đe dọa khác Uber cần phải dè chừng. Khả năng hoạt động của Công ty phụ thuộc vào việc phần mềm của nó có chạy suôn sẻ hay không. Điều này có thể bị ảnh hưởng nếu nhiều nhà điều hành ở mảng kỹ thuật ra đi. Uber cũng có thể gặp khó khăn trong việc tuyển dụng các kỹ sư tài năng trong giai đoạn khủng hoảng nhân sự này.

Một vấn đề lớn của Uber là các quy định pháp luật. Cuối năm nay, Tòa án châu Âu sẽ quyết định liệu Uber có phải là công ty vận tải hay chỉ là một dịch vụ kỹ thuật số. Nếu được phán quyết là công ty vận tải, Uber sẽ phải tuân thủ các quy định cấp phép, bảo hiểm và an toàn nghiêm ngặt hơn, khiến cho chi phí tăng mạnh ở châu Âu.

Giữa tháng 3, một tòa án của Mỹ đã ủng hộ một bộ luật của bang Seattle cho phép tài xế lái xe Uber được quyền bỏ phiếu tổ chức thành công đoàn. Các thành phố khác dự kiến sẽ nối gót. Một tòa án Anh cũng sẽ sớm đưa ra phán quyết liệu Uber có phải trả thuế giá trị gia tăng hay không.

Nỗ lực chuyển sang xe không người lái của Uber cũng gặp không ít trở ngại. Vào tháng 2, Waymo - một hãng xe không người lái thuộc sở hữu công ty mẹ của Google - đã kiện Uber, nói rằng các cựu nhân viên của Google đã ăn cắp một số công nghệ độc quyền của Waymo khi họ thành lập startup sản xuất thiết bị không người lái cho xe tải là Otto. Năm ngoái, Uber đã mua lại Otto với giá 700 triệu USD.

Tranh chấp bản quyền sáng chế là chuyện thường thấy trong ngành công nghệ và phải mất nhiều năm mới ngã ngũ, nhưng Waymo là một trường hợp đặc biệt: Waymo đã yêu cầu một thẩm phán cấm Uber sử dụng công nghệ lidar - công nghệ sử dụng tia laser định hướng, cho phép quét khu vực xung quanh của chiếc xe theo hình ảnh không gian 3 chiều. Uber có thể phải bỏ ra một số tiền lớn để dàn xếp nhưng rõ ràng, vụ việc khiến tình hình ở Uber càng thêm không chắc chắn.

Một số người thân cận với Uber đặt câu hỏi liệu những khó khăn nói trên có buộc Kalanick xem xét việc đưa Uber trở thành công ty đại chúng, dù ông từng nói không bao giờ làm việc này? Giờ Uber sẽ gặp khó khăn rất nhiều khi gọi vốn ở thị trường tư nhân với mức định giá khủng của mình. Chắc chắn một điều Kalanick sẽ phải xóa tan đám mây mù ở Uber nếu muốn lên sàn.

Các vấn đề tại Uber có thể xảy ra ở nhiều startup, nhưng việc tất cả xảy ra cùng một lúc cho thấy Uber chưa “chín chắn” và quản trị thiếu chuyên nghiệp. Kalanick đang trước áp lực phải chứng tỏ ông là người phù hợp tiếp tục cầm lái ở Uber. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Đám mây mù" khủng hoảng của Uber
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO