"Cuộc chiến" quần áo cũ ở châu Phi

11/01/2018 06:00

Hồi năm 2016, năm nước Rwanda, Kenya, Tanzania, Uganda và Burundi đã tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu quần áo đã qua sử dụng từ các nước phương Tây. Tiến trình thực hiện lệnh cấm này sẽ bắt đầu được thực hiện dần đến năm 2019.

Ngành may mặc Rwanda khó tìm được "đất sống" trước quần áo cũ từ phương Tây lẫn quần áo giá rẻ từ châu Á. Nguồn: The New York Times

Tại châu Phi, quần áo đã qua sử dụng được nhập khẩu phần lớn từ Mỹ, Anh và Canada. "Nguồn nguyên liệu" này góp phần nuôi ngành công nghiệp phi chính thức trị giá hàng triệu đô la, tạo ra hàng ngàn việc làm, cụ thể là công việc buôn bán đồ cũ, cho người dân địa phương. Năm 2016, giá trị nhập khẩu trang phục cũ vào Cộng đồng Đông Phi (EAC) lên đến 151 triệu USD, theo Cơ sở dữ liệu thương mại của Liên Hiệp Quốc (UN Comtrade).

Nhìn từ Rwanda

Trong 25 năm qua, Rwanda đã có bước tiến đáng kể trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng giới chức nước này cho rằng sự phổ biến của trang phục đã qua sử dụng (được gọi là "chagua") đang cản trở sự tăng trưởng của ngành may mặc còn non trẻ của quốc gia. Trong một nỗ lực nhằm "bóp nghẹt" nguồn cung, hạn chế việc tiêu thụ quần áo cũ và khuyến khích các thương nhân bán sản phẩm nội địa, Rwanda đã nâng mức thuế nhập khẩu quần áo cũ lên hơn 20 lần.

Các tiểu thương mưu sinh nhờ quần áo cũ cho rằng, mức thuế cao hơn đang "giết chết" họ, và rằng việc kinh doanh quần áo mới là không thể, vì vượt quá khả năng tài chính của họ. Rutayisire Ibrahim - một tiểu thương trong chợ Biryogo ở thủ đô Kigali của Rwanda, chuyên bán quần áo cũ cho nam giới - cho biết, nhiều "đồng nghiệp" của mình ở các gian hàng đồ cũ gần đó hiện không còn nhiều việc để làm, một số cửa hàng thậm chí đã đóng cửa vĩnh viễn.

"Nếu không kiểm soát được quần áo mới giá rẻ từ các nước châu Á (tiêu biểu là Trung Quốc) vào châu Phi, người dân sẽ không có động lực để mua hàng dệt may nội địa. Dù quần áo nước ngoài vẫn đắt tiền, chúng vẫn rẻ hơn quần áo "made in Rwanda", Ritesh Patel - Giám đốc tài chính của Công ty sản xuất hàng dệt may Utexrwa (một trong hai công ty may mặc ở Rwanda và là công ty may mặc duy nhất sản xuất hàng cho thị trường nội địa) nhận định.

Link bài viết

"Mục tiêu của cách làm mới là để nhìn thấy nhiều công ty sản xuất hàng may mặc hơn tại Rwanda, đồng thời đảm bảo yếu tố vệ sinh cho người dân. Nếu Rwanda tự sản xuất các sản phẩm thời trang, công dân của chúng tôi sẽ không phải mặc áo phông hoặc quần jeans đã qua sử dụng. Mọi người cần phải chuyển hướng sang cách nghĩ này", Telesphore Mugwiza - một quan chức của Bộ Thương mại và Công nghiệp Rwanda cho biết.

Là người đi tiên phong trong ngành thời trang ở Rwanda, nhà thiết kế 27 tuổi Sonia Mugabo là một trong những người trẻ mong muốn tạo ra một "bức tranh thời trang" mới mẻ, tươi sáng hơn cho đất nước mình. Ủng hộ lệnh cấm quần áo cũ, cô nói: "Đây không phải chỉ là vấn đề diện trang phục đẹp và thời trang, mà là vấn đề phẩm giá. Chúng ta nên tự hào khi nói rằng mình không mặc bất cứ thứ gì từ nước ngoài".

Có thể tạo tiền lệ?

Theo The Guardian, hồi đầu năm 2017, Văn phòng Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) dọa sẽ rút tư cách thành viên của Rwanda, Tanzania và Uganda ra khỏi Đạo luật tăng trưởng và cơ hội hành động tại châu Phi (AGOA) - một chương trình được thiết kế để thúc đẩy thương mại và đầu tư ở vùng Châu Phi hạ Sahara.

Theo thỏa thuận này, các nước đáp ứng được điều kiện nhất định về nhân quyền và tiêu chuẩn lao động sẽ được miễn thuế vào thị trường Mỹ đối với hàng ngàn mặt hàng. Xóa bỏ các rào cản đối với thương mại và sự đầu tư từ Mỹ cũng là một trong những điều kiện đối với các thành viên AGOA.

Dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump với chính sách "nước Mỹ trên hết", Nhà Trắng có quyền bãi bỏ tình trạng "đủ điều kiện là thành viên AGOA" của một quốc gia khi mối quan hệ với quốc gia đó không còn thuận lợi đối với Mỹ.

Trước tình huống này, Tổng thống Rwanda Paul Kagame tỏ ra lạc quan khi phát biểu với báo giới vào tháng 6/2017: "Chúng tôi có thể nhận hậu quả. Thậm chí khi đối mặt với những lựa chọn khó khăn, luôn luôn có một cách để giải quyết". Các quan chức trong khu vực - những người ủng hộ việc cấm nhập khẩu quần áo cũ thì cáo buộc Mỹ sử dụng thỏa thuận thương mại AGOA như một cái bẫy.

quan-ao-cu-chau-phi-doanhnhans-6957-8871

Buôn bán quần áo cũ tại chợ Kimironko ở Kigali, Rwanda. Ảnh: The New York Times.

Tuy nhiên, Tổ chức Nguyên liệu thứ cấp và Tái chế hàng dệt may (Smart) - một tổ chức đại diện cho các nhà xuất khẩu quần áo đã qua sử dụng ở Mỹ nói rằng, lệnh cấm nhập khẩu sẽ gây ra nhiều khó khăn đối với ngành công nghiệp quần áo cũ của Mỹ, có khả năng tác động đến 40.000 việc làm của người dân xứ cờ hoa.

"Chúng tôi e rằng lệnh cấm này sẽ tạo tiền lệ cho các quốc gia khác, họ có thể nghĩ "các nước khác đã cấm nhập khẩu quần áo cũ, có thể chúng ta cũng nên cấm giống như vậy". Khi đề cập đến việc loại bỏ tình trạng đủ điều kiện thành viên AGOA, nước Mỹ không phải "bắt nạt" mà là muốn các quốc gia châu Phi này nên tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận thương mại với Mỹ”, Jackie King - Giám đốc điều hành Smart nêu quan điểm.

"Xét về mặt chính trị, Mỹ và EAC đã có một mối quan hệ thương mại lâu dài và hiệu quả. Vì vậy, việc nhập khẩu quần áo cũ là một vấn đề quan trọng. Sẽ bất hợp lý nếu gây nguy hiểm cho mối quan hệ tốt đẹp vì vấn đề này. Còn xét về mặt đạo đức, người tiêu dùng EAC không nên bị trừng phạt vì sự thay đổi thị hiếu của mình và vì sự tăng lên của tầng lớp trung lưu", Daniel Owoko - Trưởng bộ phận thư ký của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển nói.

Trên thực tế, dưới áp lực của Mỹ, Kenya đã giảm sự ủng hộ với lệnh cấm. Đây là nước phụ thuộc rất nhiều vào AGOA. Trong năm 2015, quốc gia Đông Phi này đã xuất khẩu quần áo trị giá lên đến 380 triệu USD, phần lớn là vào Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Cuộc chiến" quần áo cũ ở châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO