Công nghệp vũ trụ: Tư nhân hóa không gian

THANH TÂM| 22/04/2010 00:27

Không mang bóng dáng một cuộc chạy đua vũ trang, “cuộc chiến giữa các vì sao” chuyển sang những hình thức cạnh tranh trong ngành công nghiệp vũ trụ của nhiều quốc gia.

Công nghệp vũ trụ: Tư nhân hóa không gian

Không mang bóng dáng một cuộc chạy đua vũ trang, “cuộc chiến giữa các vì sao” chuyển sang những hình thức cạnh tranh trong ngành công nghiệp vũ trụ của nhiều quốc gia.

Mua trăng, bán sao

Đến năm 2035 sẽ đưa người lên sao Hỏa - đó là mục tiêu được Tổng thống Mỹ Obama khẳng định mới đây. Theo chương trình đưa ra, trong vòng một phần tư thế kỷ tới đây, Mỹ sẽ cố gắng trở thành nước đầu tiên trong lịch sử đưa người lên các hành tinh xa hơn Mặt trăng. Để thực hiện tham vọng vũ trụ mới, Tổng thống Mỹ quyết định tăng ngân sách cho Cơ quan Vũ trụ Mỹ NASA thêm 6 tỷ USD.

SpaceX đặt bước chân đầu tiên của giới đầu tư tư nhân vào lĩnh vực công nghiệp vũ trụ

Ông Obama lý giải, với việc tăng ngân sách cho NASA, trong vòng hai năm sẽ tạo thêm 2.500 việc làm cho vùng Cap Canaveral, bù lại cho hàng nghìn người bị mất việc do hủy chương trình đưa người lên Mặt trăng. Hay nói cách khác, cuộc đua giữa các vì sao của Mỹ dưới thời Obama đã chuyển dần sang các mục đích kinh tế, thay cho các mục tiêu “bá chủ vũ trụ” trước đây.

Tương tự, theo báo cáo của Quỹ Không gian (Space Foundation), trong bối cảnh kinh tế thế giới sụt giảm mạnh, ngành công nghiệp không gian toàn cầu đạt 261,6 tỷ USD năm 2009, tăng 7% so với năm 2008 và 40% trong vòng 5 năm qua. Bước sang năm mới 2010, công nghiệp không gian vẫn tiếp tục phát triển, phản ánh nhu cầu ngày càng tăng của người dân dành cho các sản phẩm và dịch vụ liên quan, tiêu biểu có phần cứng định vị toàn cầu GPS gắn trong xe hơi và điện thoại di động cùng nhiều dịch vụ truyền thông khác.

GPS là tên của hệ thống dẫn đường do Mỹ thiết kế và quản lý, tương đương với GLONASS của Nga, Galileo của châu Âu và Compass - Beidou Navigation System (BNS) của Trung Quốc. GPS của Mỹ luôn cạnh tranh gay gắt với GLONASS của Nga. Thiết kế ban đầu của cả hai hệ thống đều dành cho quân sự: dẫn đường cho tên lửa đạn đạo hướng đến mục tiêu, nhưng sau này, chúng được dùng cho dân sự, năm 1980 ở Mỹ và năm 2001 ở Nga. Trung Quốc dự tính đến năm 2015 sẽ hoàn tất hệ thống định vị Compass gồm 35 vệ tinh để khỏi lệ thuộc vào quốc gia nào.

Từ đây đến hạn chót 2015, Trung Quốc vẫn còn 28 vệ tinh cần phóng. Bỏ qua các yếu tố quân sự, Trung Quốc đã đưa các công nghệ vũ trụ vào lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và địa lý. Gần 80% những vật liệu mới do Trung Quốc sáng chế được sử dụng trong ngành vũ trụ. Ngược lại, gần 2.000 phát minh liên quan tới ngành không gian được sử dụng trong các lĩnh vực khác. Trung Quốc đang tập trung xây dựng cho được một ngành công nghiệp vũ trụ không gian hàng đầu vào năm 2015: chiếm lĩnh 10% thị trường thế giới về vệ tinh và 15% thị trường phóng tàu vũ trụ. Trong khi đó, nước láng giềng Nhật cũng đang phát triển hệ thống vệ tinh Quazi Zenith, với ba vệ tinh trong quỹ đạo có những cực điểm cách xa Nhật và châu Á.

Dịch vụ không gian

Ngành công nghiệp vũ trụ phát triển kéo theo việc cổ phiếu của những công ty có phần lớn doanh thu nhờ hoạt động vũ trụ được niêm yết trong Space Foundation Index cũng đồng loạt tăng giá trong năm 2009. Đến giữa tháng 3/2010, thị trường chứng khoán ngành này trở lại tốc độ tăng trưởng cao tương đương thời điểm hưng thịnh là tháng 6/2005.

Những công ty tiêu biểu trong ngành có Alliant Techsystems Inc., Boeing Co., Computer Sciences Corp., GenCorp Inc., Harris Corp., Lockheed Martin Corp., Loral Space & Communications Inc., Northrop Grumman Corp., Raytheon Co., Comtech Telecommunications Corp., EchoStar Corp., và Sirius XM Radio Inc.

Nếu trước đây, vũ trụ được thương mại hóa dưới hình thức một vài chuyến thám hiểm dành cho các tỷ phú, thì nay vai trò thương mại của công nghiệp vũ trụ ngày càng được chú trọng và mở rộng. Các quốc gia trên thế giới tiếp cận ngành sâu hơn. Doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều.

Liên kết quốc doanh - tư bản phát triển rộng. Sản phẩm và dịch vụ của ngành đang chuyển dịch theo hướng phục vụ nhu cầu hằng ngày và những vật dụng điện tiêu dùng của người dân. Năm ngoái, tên lửa đẩy Falcon 1 của SpaceX đã rời bệ phóng bay lên quỹ đạo Trái đất thành công, qua đó đặt bước chân đầu tiên của tư nhân vào lĩnh vực công nghiệp vũ trụ tại Mỹ và thế giới. Hãng Virgin Atlantic đã khai trương con tàu vũ trụ chở khách đầu tiên trên thế giới, một con tàu màu đen và trắng bóng láng, biểu tượng cho một canh bạc đắt tiền khi khai sinh ngành thương mại du lịch vũ trụ.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, người dân trên thế giới đã bắt đầu quen với việc sử dụng những dịch vụ liên quan đến ngành vũ trụ để tìm trạm xăng dầu gần nhất, rẻ nhất, hoặc đặt chỗ tại nhà hàng. Trong những năm tiếp theo, các ứng dụng sẽ ngày càng nhiều và đa dạng. Dịch vụ vệ tinh thương mại tăng 8%, lên mức 90,58 tỷ USD năm 2009, chiếm 35% tổng ngành vũ trụ toàn cầu.

Tiềm năng của công nghiệp hàng không đã đẩy các nước vào cuộc đua đầu tư cho những vệ tinh tối tân nhất. Chi tiêu của chính quyền toàn thế giới cho ngành không gian tăng 16%, lên đến 86,17 tỷ USD năm 2009, chiếm 33% tổng ngành. Riêng chính phủ Hoa Kỳ tăng 11%, đến mức 64,42 tỷ USD cùng năm. Chi tiêu cho hạ tầng cơ sở không gian đạt mức 83,63 tỷ USD năm 2009. Từ 2005 - 2009, các vụ phóng vệ tinh tăng 42%; trong 78 vụ, Nga chiếm 37%, Mỹ 31%, châu Âu 9%, Trung Quốc 8%, và 5% từ liên minh Mỹ, Nga, Ukraina, Norwegia. Còn Nhật, Ấn Độ, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Hàn Quốc, mỗi nước chiếm ít hơn 4%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghệp vũ trụ: Tư nhân hóa không gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO