Con đường của hợp tác và phát triển

02/03/2010 00:13

Chính phủ ba nước Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đang xắn tay xây dựng một tuyến đường chung với tên gọi Hành lang ven biển phía Nam.

Con đường của hợp tác và phát triển

Hành lang ven biển phía Nam sẽ là con đường mở ra hợp tác và phát triển của Việt Nam, Campuchia và Thái Lan.

Với con đường mới, vận chuyển hàng hoá sẽ không phải trung chuyển như thế này. Trong ảnh, lúa từ Campuchia về dọc biên giới. Ảnh: Lê Hoàng Yến

Giám đốc cảng Laem Chabang, ông Chalermkiat Salakkham căng mắt hết cỡ nhìn ra xung quanh khi đứng trên ngọn tháp cao nhất ở tỉnh Chonburi, nằm trên bờ đông của vịnh Thái Lan. Phía dưới cầu cảng, những container xếp cao như núi, những công nhân mà hình của họ chỉ nhỏ li ti nhìn từ trên cao đang hối hả làm việc.

Cho dù khủng hoảng kinh tế vẫn đang gây nhiều ám ảnh cho nền kinh tế Thái Lan, hoạt động của cụm cảng này vẫn không ảnh hưởng nhiều. Ông nói: “Chúng tôi đặt mục tiêu cảng này sẽ trở thành cảng chính của Thái Lan, rồi phục vụ cả khu vực Campuchia và Việt Nam”.

Cụm cảng Laem Chabang được phát triển bởi những nhà đầu tư tư nhân năm 1987, sau khi chính quyền Thái Lan chính thức cho phép giới đầu tư tư nhân xây dựng và vận hành cảng biển vào đầu thập kỷ đó.

Cho đến ngày nay, cụm cảng này đã hưởng lợi nhiều khi chính phủ nước này cho xây dựng tuyến đường cao tốc nối liền Chonburi với Bangkok và Trat, một tỉnh giáp biên giới với nước láng giềng Campuchia. Con đường này được xây dựng hoàn toàn bằng tiền của người Thái Lan, mà không hề vay nợ ODA của nước ngoài.

Tham vọng của giám đốc cảng đang dần trở thành hiện thực khi chính phủ của ba nước Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đang xắn tay xây dựng một tuyến đường chung với tên gọi Hành lang ven biển phía Nam. Hành lang dài 1.000km này được phát triển trên nền tảng những con đường sẵn có của từng quốc gia, nhưng còn nhỏ, rời rạc và chia cắt. Nó sẽ bắt đầu từ Bangkok, chạy qua hai tỉnh ven biển Campuchia, chạy qua Kiên Giang và kết thúc tại huyện Năm Căn tỉnh Cà Mau của Việt Nam.

Thực ra ý tưởng xây dựng tuyến đường này bắt nguồn từ những nhà quản lý của ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từ năm 1992. Từ đó đến nay, Chính phủ Thái Lan đã tận dụng được nguồn lực của những nhà đầu tư trong nước để hoàn thiện con đường trên phần đất Thái. Những chiếc xe ôtô có thể chạy với tốc độ trung bình 100km/h trên toàn tuyến từ Bangkok tới Trat, một tốc độ mà khó có tuyến đường nào ở Việt Nam và Campuchia chịu đựng được.

Ngay sau cửa khẩu vào tỉnh Koh Kong của Campuchia, con đường hiện tại đã nhỏ đi đáng kể. Trên nhiều chặng, con đường chỉ đơn thuần là đường đất, chạy qua những khu dân cư thưa thớt, nghèo nàn. Tuy vậy, chính quyền Koh Kong lại biết tận dụng ưu thế của chính con đường cao tốc trên đất Thái Lan. Họ cho tư nhân xây dựng một tổ hợp đánh bạc lớn rất sang trọng để phục vụ người Thái Lan. Những người sống ở Bangkok chỉ mất khoảng bốn tiếng chạy xe là có thể chơi vô tư ở sòng bài của khu Kok Kong Resort này. Trên suốt chặng đường trên đất Campuchia, xuất phát từ tỉnh Kok Kong sát Thái Lan và kết thúc ở tỉnh Kampat sát biên giới với Kiên Giang mà chúng tôi có cơ hội khảo sát gần đây, hoạt động kinh tế có vẻ ít sôi động. Một số quan chức địa phương nói rằng, tự họ không thể phát triển tuyến đường này nếu không có sự hỗ trợ của quốc tế.

Ở phần đất Việt Nam, các hoạt động kinh tế trông đã khác hẳn phía Campuchia. Chính quyền tỉnh Kiên Giang, đang nỗ lực thu hút rất nhiều các dự án đầu tư tư nhân. Trong đó đáng kể nhất là nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương trị giá tới 6,7 tỉ USD của tập đoàn Tân Tạo, lớn nhất cả nước. Nhiều khu công nghiệp, khu resort đang được hối hả xây dựng ở tỉnh này. Chủ tịch tỉnh Bùi Ngọc Sương cho biết, tăng trưởng của Kiên Giang lên tới trung bình gần 12% trong những năm gần đây.

Bản thân ông Sương đã cùng nhiều quan chức trong tỉnh đi khảo sát ba lần tuyến đường sẽ phát triển thành hành lang kinh tế nối liền ba quốc gia. Một số Việt kiều ở Thái Lan nói với ông rằng, một khi tuyến đường hoàn thành, họ sẽ chạy xe hơi về thăm quê thường xuyên hơn. “Đi từ biên giới Trat giáp Campuchia về Việt Nam chỉ là 500km, mà đi đường cao tốc thì quá thuận lợi”, ông Sương nói. Ông nói rằng, buôn bán giữa Việt Nam và Campuchia chắc chắn sẽ gia tăng đáng kể khi tuyến đường hoàn thành. Kim ngạch hai chiều ở cửa khẩu Hà Tiên là 80 triệu USD năm 2009, tăng so với 60 triệu USD năm 2008 và 30 triệu USD năm 2007.

Cách đây một thời gian, giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Ayumi Konishi đi khảo sát toàn tuyến. Ông nhận thấy đây là thời điểm thuận lợi để khởi công tuyến đường phía Việt Nam và Campuchia. ADB đã cho Chính phủ vay khoảng 75 triệu USD cho phần đường ở Việt Nam. Ông muốn hiện thực hoá ý tưởng về hành lang kinh tế mà những đồng nghiệp của ông đã đưa ra từ năm 1992.

Hiện tại, ông được sự hỗ trợ mạnh mẽ của người đồng nhiệm ở Campuchia, ông Putu Kamayana, người vốn là phó giám đốc quốc gia tại Việt Nam của ADB. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Úc và đặc biệt là Chính phủ Việt Nam và Campuchia đã cam kết vốn cho dự án này. Ông Konishi nói: “Đó sẽ là một hành lang mở ra hợp tác và phát triển”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Con đường của hợp tác và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO