"Cách ly" công việc - cách giữ chân nhân sự ở Trung Quốc

BÍCH TRÂM| 18/06/2015 09:04

Để giữ chân nhân viên, những nhà quản lý Trung Quốc sẵn sàng tạo sự thoải mái và chấp nhận cho người lao động được hoàn toàn 'cách ly' khỏi công việc trong những ngày nghỉ.

Theo báo cáo mới nhất của nhà cung cấp các dịch vụ tuyển dụng Randstad, có đến 44% người lao động tại Nhật Bản cảm thấy khó thể “thoát khỏi” công việc, ngay cả trong những ngày nghỉ.

Tiếp theo đó là Malaysia với 36%, Singapore có 32% và Ấn Độ có 27% người lao động gắn bó với công việc mọi lúc mọi nơi. Tỷ lệ này đối với người lao động ở New Zealand, Úc và Hong Kong lần lượt là 25%, 24% và 19%.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, chỉ có 15% người lao động cảm thấy lo lắng về công việc trong những ngày nghỉ của mình.

“Người Nhật nhìn chung có thái độ cực kỳ nghiêm túc đối với công việc, họ không ngại cống hiến nhiều thời gian, công sức cho công việc nói chung và sếp mình nói riêng, đặc biệt là những nhân viên có vai trò thường trực như trợ lý, nhân viên quản lý…”, Ikumi Maekawa – Giám đốc truyền thông của Randstad Nhật Bản phát biểu trên CNBC.

“Cách làm việc chăm chỉ bất chấp ngày nghỉ giúp người Nhật thuận lợi hơn trong việc phát triển sự nghiệp, và họ cũng thường gắn bó lâu dài với một công ty hoặc tổ chức hơn những nhân viên ở các nước châu Á khác”, Ikumi Maekawa cho biết thêm.

Báo cáo của Randstad còn cho thấy, đi kèm với sự phát triển khả năng kết nối nhờ khoa học kỹ thuật là trách nhiệm công việc ngày càng lớn hơn. Điện thoại thông minh, ứng dụng công nghệ và các thiết bị kết nối khác làm giảm đáng kể chi phí liên lạc và khiến nhân viên khó thể “thoát khỏi” công việc dù đã rời khỏi văn phòng.

Có 269 triệu thiết bị kết nối và 85 triệu người sử dụng điện thoại thông minh tại Nhật Bản vào cuối năm 2014, theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường IHS.

Ikumi Maekawa nhận định: “Người lao động ở Trung Quốc vốn chủ động hơn đối với sự chuyển đổi công việc để phát triển nghề nghiệp và cải thiện điều kiện làm việc. Do đó, để giữ chân nhân viên, những nhà quản lý Trung Quốc sẵn sàng tạo sự thoải mái và chấp nhận cho người lao động được hoàn toàn tách biệt khỏi công việc trong những ngày nghỉ”.

Đặc thù công việc của những nhân viên phải thường xuyên tương tác với khách hàng khiến họ phải “túc trực” gần như liên tục, còn nhân viên ở những vị trí khác nên được quyền “đặc cách” trả lời email khi đến giờ làm việc sáng thứ Hai, theo CNBC.

Về vấn đề này, Randstad cho rằng những nhà sử dụng lao động ở các nước khác có thể học hỏi Trung Quốc, bởi vì việc được “cách ly” với công việc trong một khoảng thời gian sẽ giúp cải thiện năng suất và nâng cao tinh thần làm việc của người lao động.

>Cách tăng năng suất lao động của người Nhật

>Tìm hiểu văn hóa làm việc của người Nhật

>Phong cách làm việc của người Nhật

>4 bí quyết giao tiếp thành công của người Nhật

>Lý do người Nhật có tuổi thọ cao nhất thế giới

>Báo động tình trạng thiếu lao động giỏi trên toàn cầu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Cách ly" công việc - cách giữ chân nhân sự ở Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO