Bước đột phá trong cuộc chơi năng lượng của TQ

06/08/2012 00:28

Việc CNOOC của Trung Quốc đạt thỏa thuận mua Nexen của Canada với giá 15,1 tỉ USD thực sự là bước đột phá mới trong chiến dịch đầu tư ra bên ngoài của quốc gia đang “khát” năng lượng này.

Bước đột phá trong cuộc chơi năng lượng của TQ

Việc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đạt thỏa thuận mua Công ty Dầu khí Nexen của Canada với giá 15,1 tỉ USD thực sự là bước đột phá mới trong chiến dịch đầu tư ra bên ngoài của quốc gia đang “khát” năng lượng này.

Xác lập vị thế vững vàng ở Canada

Trung Quốc đang đứng trước thách thức đáp ứng nhu cầu lớn về năng lượng phục vụ phát triển kinh tế trong bối cảnh nguồn tài nguyên nội địa hạn chế. Cùng với việc phát triển ngành năng lượng trong nước, quốc gia này không ngừng mở rộng đầu tư ra các nước trong khu vực và các châu lục khác, đây cũng là ưu tiên đầu tư số 1 của quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.

Theo Dự án “Theo dõi đầu tư toàn cầu” của Trung Quốc thuộc Quỹ Heritage, đầu tư vào năng lượng chiếm hơn 50% tổng số đầu tư của Trung Quốc ra bên ngoài kể từ nửa cuối 2009. Trong đó, các công ty nhà nước chiếm phần lớn lượng đầu tư ra bên ngoài, tới 90% tổng vốn đầu tư, đi đầu là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), Tổng công ty Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) và CNOOC.

Vụ mua lại Nexen với giá 15,1 tỉ USD là thương vụ mua lớn nhất do Trung Quốc thực hiện trong chiến dịch đầu tư ra bên ngoài.

Với tiềm lực tài chính hùng hậu của mình, các công ty năng lượng của Trung Quốc sẵn sàng móc hầu bao rủng rỉnh, trả giá cao trong những phi vụ thâu tóm các công ty hoạt động trong cùng lĩnh vực ở nước ngoài.

Ngay trong phi vụ mua lại Nexen này, giá chào của CNOOC đã cao hơn gấp rưỡi giá cổ phiếu của Nexen một ngày trước đó và đây không phải là lần đầu tiên.

Trong cùng thời điểm, ngoài thương vụ Nexen, một công ty nhà nước khác của Trung Quốc là Sinopec còn đạt được thỏa thuận mua lại 49% cổ phần trong chi nhánh tại Anh của Công ty Năng lượng Talisman cũng của Canada.

Chiến dịch đầu tư năng lượng của Trung Quốc cũng được mở rộng dần theo địa lý. Đầu tiên, Trung Quốc nhắm tới Australia, sau đó đến tiểu vùng sa mạc Sahara và Nam Mỹ từ 2010-2011.

Tuy nhiên, sau một thời gian tiếp cận, tính hấp dẫn của các dự án giảm dần và sự phản đối của nước sở tại gia tăng, do đó các công ty Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm các thị trường khác. Ban đầu, Trung Quốc nhắm tới châu Âu, nhưng tình hình bây giờ lại cho thấy Bắc Mỹ - khởi đầu là Canada, mới là mảnh đất màu mỡ, đầy hứa hẹn với các nhà đầu tư Bắc Kinh.

Canada thực ra chỉ là sự lựa chọn thứ 2 của Trung Quốc sau khi mua không thành Công ty Năng lượng Unocal của Mỹ mặc dù sẵn sàng trả giá tới 18 tỉ đô la vào năm 2005. Chính thất bại cay đắng này, cùng với những cảnh báo của các tập đoàn năng lượng Mỹ về sự can thiệp chính trị, cũng như vi phạm sở hữu trí tuệ của các công ty Trung Quốc đã làm chậm lại dòng đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghiệp năng lượng ở Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, thận trọng và không lùi bước, rút ra bài học về chính sách bảo hộ của Mỹ sau thất bại với Unocal, các công ty Trung Quốc đã thay đổi chiến lược, chuyển hướng sang các dự án quy mô khiêm tốn hơn, với những cách tiếp cận mới là thành lập liên doanh hoặc nắm giữ một phần cổ phần để tránh các nguy cơ căng thẳng chính trị.

Song song với đó, 3 công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc, bằng cách niêm yết trên sàn chứng khoán New York, tuân thủ các quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ của Mỹ đã chứng tỏ triển vọng hợp tác minh bạch. Quan trọng hơn, mối quan tâm tìm kiếm của họ không chỉ là nguồn nguyên liệu thô mà còn là kỹ nghệ khai thác.

Trong khi đó, Canada với trữ lượng dầu cát khổng lồ có lẽ sẽ mãi chỉ là “ốc đảo năng lượng” ở tây bán cầu nếu như chỉ có mỗi một khách hàng và một nhà đầu tư duy nhất là Mỹ - đồng minh thân thiết, láng giềng sát sườn. Nhưng việc Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định hoãn việc xây dựng hệ thống đường ống Keystone dẫn dầu từ Canada sang Mỹ trong năm 2011 do lo ngại các vấn đề môi trường lại được nhìn nhận là một cơ hội để Canada mở cửa đón các nhà đầu tư châu Á.

Và với Trung Quốc, một quốc gia tôn trọng giao dịch quốc tế, có một hệ thống giám sát mạnh, sở hữu không ít những công ty năng lượng đa quốc gia vừa lớn về quy mô tài sản, vừa mạnh về công nghệ khai thác như Canada chính là sự thay thế hợp lý nhất.

Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu dầu mỏ và khí đốt CLSA tại Hồng Kông, David Hewitt đánh giá: “Trung Quốc đang xây dựng một vành đai tiếp cận tinh vi, không thách thức bất cứ ai mà lặng lẽ chiếm thiên cơ và địa lợi”. Khả năng thành công của phi vụ này là rất cao với nhiều thuận lợi.

Thứ nhất, Canada đang muốn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu năng lượng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Nhiên liệu sản xuất từ dầu cát của Canadađược cho là bị ép giá khi chỉ được xuất sang Mỹ.

Thứ hai, với việc đầu tư 16 tỉ USD vào Canada trong hơn 3 năm qua, CNOOC đã trở thành cái tên không còn xa lạ tại Canada. Có thể nhận thấy sự cởi mở của Canada đối với “vị khách mới” qua việc chủ động cắt giảm thuế quan, dỡ bỏ rào cản thương mại và trong nhận xét của ông Jeff Kucharski - Trợ lý Cục trưởng Cục Năng lượng tỉnh Alberta - tỉnh giàu tài nguyên cát dầu nhất Canada: “Các công ty Trung Quốc đã thể hiện họ là những công dân gương mẫu ở Canada”. Quan hệ giữa 2 nước cũng ấm áp lên nhiều trong thời gian qua và Chính phủ Canada hiện đang khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào nước này.

Thứ ba, CNOOC đề xuất mua Nexen đúng vào thời điểm kinh tế phương Tây đang gặp nhiều khó khăn. Hàng loạt các công ty giờ mong mỏi được rót vốn để duy trì các dự án năng lượng đòi hỏi đầu tư lớn và dài hạn. Thực sự, đã qua rồi thời rón rén bước chân vào thị trường năng lượng rộng lớn Canada, bằng túi tiền rủng rỉnh, với những bước đi thận trọng và khôn ngoan, Trung Quốc ngày nay đang xác lập một vị thế vững vàng bên cạnh người khổng lồ Mỹ.

“Mũi tên trúng nhiều đích”

Nexen tuy không phải là công ty quan trọng trong ngành công nghiệp năng lượng của Canada với chỉ 28% tài sản ở trong nước, nhưng lại sở hữu các tài sản rải rác tại khá nhiều nơi trên thế giới như Biển Bắc, vịnh Mexico, bờ biển Tây Phi. Có được Nexen, sản lượng của CNOOC sẽ tăng thêm 20% và nghiễm nhiên hiện diện tại vịnh Mexico, Biển Bắc… - những nơi mà người Trung Quốc vẫn thèm khát.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là Nexen có kinh nghiệm về khai thác dầu cát, khoan xa bờ nước sâu và hệ thống hút, chứa, trung chuyển trên biển cho nên lợi ích lớn nhất trong phi vụ này chính là công nghệ.

Theo Cục Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ, Trung Quốc ước tính có gần 37 triệu mét khối dự trữ khí đá phiến sét nhưng hiện chưa có đủ công nghệ cần thiết để khai thác được. Việc CNOOC mua Nexen sẽ nâng cao năng lực của CNOOC và trong lĩnh vực khai thác dầu cát, khoan nước sâu và khai thác các nguồn tài nguyên độc đáo khác, cũng như sẽ giúp nâng cao năng lực của 2 công ty dầu khí lớn khác của Trung Quốc.

Ngoài ra, một khi CNOOC làm chủ công nghệ khoan xa bờ của Nexen, CNOOC sẽ có thêm khả năng thực hiện các dự án khai thác dầu khí khó trên Biển Đông - nơi Trung Quốc đang có những ảo vọng bá quyền trắng trợn khi ngang ngược mời thầu 9 lô thăm dò dầu khí tại thềm lục địa của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bước đột phá trong cuộc chơi năng lượng của TQ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO