Biển Đông và cuộc cải tổ quân đội lớn nhất của Trung Quốc

LAM HỒNG| 02/12/2015 06:13

Ngoài việc đối phó với các vấn đề nội tại, Trung Quốc (TQ) gấp rút cải tổ quân đội nhằm thực hiện các tính toán tại Biển Đông.

Biển Đông và cuộc cải tổ quân đội lớn nhất của Trung Quốc

Ngoài việc đối phó với các vấn đề nội tại, Trung Quốc (TQ) gấp rút cải tổ quân đội nhằm thực hiện các tính toán tại Biển Đông.

Đọc E-paper

Theo Wall Street Journal, suốt 13 năm qua, các nước Đông Nam Á cùng cố gắng để xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với TQ. Nhưng cách tiếp cận này có vẻ đang bị lu mờ trước chiến lược mới cứng rắn và bất chấp luật pháp quốc tế từ phía TQ. Vì quá trình đàm phán kéo dài nhưng chưa có kết quả, các nước tranh chấp với TQ đang phải thực hiện những hành động cấp thiết nhằm bảo vệ lợi ích của mình.

Ví dụ, Philippines kiện TQ ra Toà Trọng tài Quốc tế tại The Hauge và ký kết hợp ước chiến lược với Việt Nam và Úc. Mỹ hứa sẽ cung cấp trang thiết bị quân sự cho Manila và phía Nhật Bản cũng có thể sẽ làm điều tương tự... Trong trường hợp không thể có một cơ chế pháp lý giữa các bên để ngăn chặn tình hình xấu đi ở Biển Đông, một số quan chức ngoại giao cho biết sẽ không chỉ dựa vào ASEAN, mà sẽ dựa cả vào Mỹ để thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông.

Trong khi đó, TQ tiến hành tập trận hải quân quy mô lớn trên biển ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh Đông Á diễn ra tuần trước. Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo nêu bật tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, đồng thời, bày tỏ quan ngại đối với việc TQ xây đảo nhân tạo trái phép.

Nhưng ngay khi các nhà lãnh đạo rời cuộc họp, TQ đã điều một tàu hậu cần tiếp tế lớn nhất từ trước tới nay tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động xây dựng đảo trái phép trên Biển Đông. Các tuyên bố của giới lãnh đạo cấp cao của TQ đều nhất quán khẳng định nước này sẽ tiếp tục xây dựng trên hòn đảo nhân tạo mà nước này chiếm đóng trái phép của các nước láng giềng.

Để đối phó với chỉ trích từ các nước láng giềng, TQ đã đưa thêm "củ cà rốt" với các khoản vay hỗ trợ khổng lồ. Tại Kuala Lumpur, Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường tuyên bố ngoài khoản vay trị giá 10 tỷ USD cho các nước Đông Nam Á để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, TQ cũng tuyên bố sẽ cung cấp khoản trợ giúp trị giá 3,6 tỷ nhân dân tệ (tương đương 560 triệu USD) cho các quốc gia kém phát triển trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2016.

Riêng với nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh, TQ dành một khoản ưu đãi quan trọng là sẽ mua thêm nhiều trái phiếu kho bạc Malaysia để giúp nước này ổn định thị trường tài chính.Đây có thể coi là phao cứu sinh cho Malaysia khi lạm phát đang lên tới đỉnh điểm và đồng tiền mất giá. Ngoài ra, Malaysia cũng sẽ được phép đầu tư vào thị trường vốn của TQ thông quan hạn ngạch mới...

Nhưng đáng chú ý hơn cả là động thái của TQ trong việc gấp rút cải cách quân đội để thực hiện các toan tính trên Biển Đông, trước khi các nước láng giềng kịp tìm ra giải pháp và trước khi Mỹ có thể can thiệp mạnh hơn. Từ ngày 24/11 đến ngày 26/11, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã triệu tập các tướng lĩnh hàng đầu TQ tề tựu về Bắc Kinh tham dự hội nghị cải cách công tác Quân ủy Trung ương. Tại đây, ông Tập tuyên bố "bước đột phá” trong việc cải cách quân đội vào năm 2020 nhằm hướng tới một hệ thống chỉ huy quân sự tập trung dưới dạng bộ tư lệnh như của phương Tây.

Một ủy ban kỷ luật sẽ đóng vai trò quan trọng trong Quân ủy Trung ương phụ trách chống tham nhũng và duy trì kỷ luật nghiêm ngặt ở mọi cấp. Theo Reuters, tuyên bố cải tổ của ông Tập Cận Bình tại hội nghị làm "rung chuyển" cơ cấu chỉ huy quân sự của TQ. Kỳ họp diễn ra sau khi ông Tập tuyên bố cắt giảm 300 ngàn quân chỉ hơn hai tháng, trong số đó có 170 ngàn sĩ quan từ thiếu úy đến đại tá.

Theo Bloomberg, chính sách cải cách quân đội của ông Tập nhắm tới mục đích củng cố quyền lực và thanh trừng nạn tham nhũng trong quân đội nước này. Mặt khác, dường như giới lãnh đạo Bắc Kinh nôn nóng trước việc Hoa Kỳ can dự sâu hơn vào tình hình Biển Đông sau khi các chiến hạm của Mỹ tuần tra 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà TQ xây dựng trái phép, Bắc Kinh đã bị đẩy vào chỗ phải khẩn trương cải cách quân đội vì sức ép ngày càng gia tăng của Mỹ ở Biển Đông có thể cản trở những toan tính của họ.

Dưới thời Tập Cận Bình, TQ đã quyết đoán hơn trong việc theo đuổi yêu sách chủ quyền vô lý và phi pháp ở Biển Đông cũng như Hoa Đông, đánh dấu sự thay đổi, thoát khỏi chủ trương "giấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình. Vì vậy, song song với việc cải tổ quân đội, TQ đang thiết lập hệ thống tiền đồn bên ngoài lãnh thổ và đó là một phần chiến lược biến TQ thành một cường quốc hàng hải. Hải quân TQ đang đầu tư mạnh vào tàu ngầm, tàu sân bay trong khi không quân phát triển những mẫu chiến đấu cơ có khả năng tàng hình.

Ông Mathieu Duchâtel, Phó giám đốc Chương trình Châu Á và TQ của Hội đồng Châu Âu nhận định: "Vấn đề an ninh là ưu tiên tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, hồ sơ Đài Loan luôn đè nặng lên chính sách đối ngoại của TQ, rồi sự cạnh tranh chiến lược với Hoa Kỳ... tất cả đều đóng vai trò quan trọng đối với quân đội TQ. Hiện đại hóa thì cần phải chi tiêu, mua sắm, cải tổ cơ cấu để hoạt động hiệu quả hơn".

>Mỹ tiếp tục lên án hành động gây bất ổn ở Biển Đông

>Doanh Nhân Vì Biển Đông: Hỗ trợ thiết thực cho ngư dân

>Người Việt tại Thụy Điển lên án Trung Quốc bành trướng Biển Đông

>Thủ tướng Australia phản đối hành động đơn phương ở Biển Đông

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Biển Đông và cuộc cải tổ quân đội lớn nhất của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO