Thị trường lao động công xá rẻ Ba Lan đã trở thành chuyện cổ tích. Bởi xuất khẩu lao động tăng, dân số già đi vì số sinh rất thấp. Giờ đây Ba Lan phải trông chờ nhân lực từ nước ngoài. Một đích nhắm tới nhằm thỏa mãn nhu cầu nhân lực trong nước của Ba Lan: lao động đến từ Philippines.
Ông Jean Christophe Dumont - người phụ trách bộ phận di cư quốc tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - cho biết: Các số liệu thống kê chứng tỏ quốc gia duy nhất trong khối OECD hiện nay tiếp nhận số lao động nhất thời từ nước ngoài vượt Mỹ, hơn Đức là Ba Lan. Năm 2016, Ba Lan tiếp nhận 700.000 người lao động làm thuê nhất thời, chủ yếu đến từ quốc gia láng giềng Ukraine. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu, số người Ukraine lao động ở Ba Lan hiện nay đã là 1 triệu. Trong những năm tới sẽ tăng thêm 200.000 - 300.000 người.
Tình trạng thiếu nhân lực hiện nay ở Ba Lan rất phổ biến. Và là một hiệu ứng chuỗi domino tất yếu. Nhiều lao động Ba Lan ra nước ngoài để có thu nhập cao hơn, khiến đất nước thâm hụt nặng sức lao động, trong khi dân số trong nước ngày một già. Đến năm 2030, 1/5 số công việc ở đất nước Ba Lan 38 triệu dân không có người làm. Cần đến 20 triệu lao động nhưng số người độ tuổi lao động trong nước chỉ là 16 triệu. Hiển hiện nguy cơ trước mắt là nền kinh tế đã phát triển nhanh, mạnh, không ngừng từ khi bức tường Berlin bị phá bỏ sẽ chững lại, suy thoái.
Để lấp khoảng trống thiếu lao động ấy, Ba Lan đang nhắm tới nguồn lao động dồi dào ở Philippines theo đạo Thiên Chúa. Với người Ba Lan, đức tin Thiên Chúa là điều cực kỳ quan trọng. Từ thực tế xuất khẩu lao động sang Kuwait, Ba Lan bảo đảm các điều kiện xã hội, buộc các chủ sử dụng lao động thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết kinh tế, an sinh, lập đường dây nóng, người lao động được giữ điện thoại di động, hộ chiếu bên mình. Và đương nhiên, người lao động xuất khẩu cam kết tôn trọng nghiêm minh luật pháp đất nước họ sang làm việc.
Bà Patricia Ann Paez – đại sứ Philippines tại Ba Lan cho biết: “Hiệp định ký kết giữa năm 2018 có lợi cho cả đôi bên. Chúng tôi đảm bảo với các công ty và chính quyền Ba Lan sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực y tế, thông tin, xây dựng… Phần chúng tôi, người lao động thêm cơ hội công ăn việc làm”.
Các nước Tây Âu vốn coi Ba Lan là một kho lao động lương thấp. Bác sĩ, điều dưỡng, công nhân xây dựng Ba Lan ồ ạt di cư sang Anh, Đức, Ireland… được trả lương gấp đôi, thậm chí gấp ba, so với lương trong nước. Số liệu thống kê Ba Lan cho thấy từ năm 2016, có tới 2,5 triệu người lao động là con cháu nhạc sĩ xuất chúng Chopin đã di cư sang nước ngoài kiếm sống, chủ yếu sang Tây Âu.
Một thời gian ngắn sau khi Ba Lan gia nhập Liên minh châu Âu (EU), kinh tế phát triển, không còn tỷ lệ thất nghiệp lên tới 20% như vào năm 2002.
Rồi kinh tế Ba Lan bùng nổ. Đất nước của di dân kiếm sống đã trở thành đất nước nhập cư lao động. Trong khi nhiều điều dưỡng và y sĩ Ba Lan sang Đức thì các thầy thuốc Đức sang Thụy Sĩ, còn các bác sĩ Thụy Sĩ lại sang Mỹ.
Năm 2016, thêm 250.000 lao động Ba Lan đăng ký ra nước ngoài làm thuê, gần một nửa trong số đó sang tận Trung Đông khí hậu khắc nghiệt: 25% tới Arab Saudi, 15% tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Trong khi đó, số lao động xuất khẩu quay về nước rất hạn chế.
Về điều này, ông Jean Christophe Dumont lý giải: Sự khác biệt về tiền công là điều quan trọng nhất, chưa kể con cái người Ba Lan di cư sang Anh được hưởng chế độ giáo dục như trẻ bản địa. Ba Lan thừa nhận giờ đây trong nước rất thiếu thầy thuốc và điều dưỡng, bởi phần lớn lao động ngành y đã sang Mỹ, Canada, Đức, Anh… lập nghiệp. Năm nay, Đức lại yêu cầu Ba Lan cung ứng 400 điều dưỡng, còn Arab Saudi đề nghị đến 1.000 điều dưỡng Ba Lan.