4 phác thảo chính về kinh tế thế giới trong tương lai

LÂM NGHI| 02/02/2015 04:41

Một thế giới đa cực với những biến động riêng ở mỗi khu vực đã được thể hiện rõ tại Davos-Klosters - nơi quy tụ hơn 2.500 khách tham dự, trong đó có các CEO, chính khách nổi tiếng.

4 phác thảo chính về kinh tế thế giới trong tương lai

Một thế giới đa cực với những biến động riêng ở mỗi khu vực đã được thể hiện rõ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên lần thứ 45 diễn ra tại Davos-Klosters, Thụy Sĩ từ ngày 21 - 24/1.

Quy tụ hơn 2.500 khách tham dự, trong đó có các CEO, chính khách nổi tiếng, diễn đàn Davos 2015 đã đưa ra 4 phác thảo chính về kinh tế thế giới trong tương lai.

1. Thực trạng các châu lục

Châu Âu là trung tâm của những cuộc thảo luận khi Liên minh EU đưa ra các chính sách như thắt chặt ECB, sự gia tăng của đồng Franc Thụy Sĩ và sự yếu kém của đồng Euro.

Các ý kiến đều lo lắng vào sự giảm phát đang vượt ra ngoài vòng kiểm soát, nghi ngờ liệu Liên minh EU đã lãnh đạo tốt để châu Âu đạt được những cải cách tài chính và cơ cấu cần thiết để đưa nền kinh tế của họ trở lại hay không. Không dừng lại ở đó, tình trạng khủng bố cũng đang dấy lên nhiều lo ngại tại châu Âu.

Tình trạng của châu Âu có thể gói gọn trong hai câu: Châu lục này chiếm 9% dân số thế giới, 25% GDP thế giới nhưng cũng chiếm 50% khoản nợ lương hưu trên toàn thế giới. Tỷ giá trao đổi đồng Euro hiện nay đưa chi phí lao động của một nhân viên người châu Âu lên cao gấp 2 lần so với Mỹ.

Trong khi đó, châu Á khá trầm lắng. Thủ tướng Trung Quốc đến để trấn an mọi người về việc nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc độ tăng trưởng. Trung Quốc hy vọng rằng những cải tiến trong kinh doanh và những đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại nước này trong hiện tại sẽ mang đến "trái ngọt" trong tương lai. Người Trung Quốc háo hức muốn chứng minh cho những lãnh đạo Châu Âu - những người tin rằng Trung Quốc đang khó khăn trong việc kinh doanh -  rằng họ đã sai.

Thống kê tại Davos cho thấy nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc ra thế giới nhiều hơn nguồn vốn thế giới đầu tư vào Trung Quốc. Ngôi sao thực sự từ Trung Quốc chính là Jack Ma của Alibaba với tầm nhìn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và xây dựng thị trường thương mại điện tử cho 2 tỷ người tiêu dùng trên khắp thế giới theo cách đẩy mạnh toàn cầu hóa nhưng vẫn kết nối với Trung Quốc và châu Á.

>>Jack Ma kỳ vọng xây dựng e-WTO với Alibaba

Ngược lại, nhiều doanh nhân tháp tùng Bộ trưởng Tài chính của Ấn Độ tham gia diễn đàn với tâm thế háo hức của một quốc gia vừa xây dựng chính phủ mới nhưng lại không được đề cập đến trong những cuộc đối thoại kinh tế. Họ bị phớt lờ nhiều đến nỗi sau phiên trao đổi cuối cùng của diễn đàn, một doanh nhân Ấn Độ đã tiến lên sân khấu và "hờn trách" rằng: "Các bạn đã quên không nói về Ấn Độ".

Trên sân khấu diễn đàn, nếu có một hoa khôi thì đó chính là nước Mỹ. Sức mạnh của nền kinh tế Mỹ đi từ đồng đô la đang trở lại mạnh mẽ đến những phát kiến sáng tạo liên tiếp được đưa ra. Nước Mỹ cảm thấy bản thân như một thị trường mới nổi. Châu Âu hiện khá lo ngại về việc họ đã mất một thập kỷ chậm chân trong cải tiến công nghệ, và họ không có gì để cạnh tranh lại với những Google, Facebook, Tencent hay Alibaba.

Trong khi châu Mỹ La Tinh vẫn còn chần chừ, Châu Phi đã bắt đầu hành động. Một doanh nhân Châu Phi đã chỉ ra rằng Châu Phi không phải chỉ là châu lục vướng dịch bệnh Ebola vì chỉ có 3 trên 54 quốc gia mắc bệnh này và một trong số đó đã kiểm soát được bệnh dịch. Đây còn là châu lục với một tỷ dân, 75% dân số dưới 25 tuổi, 6 quốc gia chiếm vị trí trong 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, và thanh toán qua điện thoại tại châu Phi hiện tiện lợi hơn so với phương Tây. Thách thức chính ở đây là tranh chấp đất đai tại 54 quốc gia trên châu lục là rào cản để lưu thông hàng hóa và các nhân sự lại thiếu kỹ năng.

2. Va chạm giữa quá khứ và tương lai

Toàn cầu hóa và gia tăng dân số là hai thách thức lớn nhất đối với mọi tổ chức, bất kể thuộc khu vực công hay tư. Những tổ chức truyền thống được xây dựng theo mô hình chuyển dịch chậm, cấu trúc quyền lực phân bổ từ trên xuống, đặt phương Tây làm trung tâm, mô phỏng thực tế một cách sơ khai đang phải vất vả đối diện với sự di chuyển nhanh, đa cực, lực lượng khởi nghiệp và tư duy kỹ thuật số.

3. Khủng hoảng niềm tin

Edelman - công ty quan hệ công chúng lớn nhất thế giới đã công bố báo cáo mới nhất của họ về Niềm tin trong năm 2015. Bảng báo cáo này chỉ ra sự tin tưởng giữa mỗi cá nhân đối với các tổ chức ngày càng thấp. Công ty, chính phủ hay các tổ chức xã hội đều chỉ chiếm được 50% lòng tin của dân chúng.

Một trong các ngành công nghiệp đang bị mất lòng tin nhiều nhất hiện nay chính là ngành công nghệ. Ngay tại Davos cũng diễn ra sự cạnh tranh giữa các công ty truyền thống không áp dụng công nghệ với các công ty công nghệ đang phát triển. Sự cạnh tranh này cũng được đề cập trong báo cáo của Edelman.

Một mặt, các công nghệ mới đang dần đe dọa cuộc sống của những lực lượng lao động tay chân. Nhiều nhân viên bị mất việc do vị trí của họ đã bị thay thế bởi các máy móc khác.

Mặt khác, công nghệ phát triển mang đến cho con người những cải tiến mới, những cơ hội mới trong cuộc sống. Vấn đề là làm thế nào cân bằng được niềm tin trong một thế giới đang ngày càng bị công nghệ chi phối.

Trong một thế giới kết nối, khả năng tương tác là chìa khóa chính, nhưng niềm tin mới là thành tố thiết yếu. Nỗi lo lắng chung của người dùng trên khắp thế giới là "Ai có thể bảo đảm mức độ an toàn về thông tin cá nhân của tôi?".

Nỗi lo ngày càng cao khi thế giới bắt đầu phân thành hai cực chính giữa Skype và Facetime, giữa Facebook và Google trong việc kiểm soát internet toàn cầu.

Các tổ chức, viện nghiên cứu và pháp luật sẽ cần phải thiết kế lại trong một thế giới mà mỗi cá nhân có thể di chuyển trên đường với máy tính siêu mạnh nằm gọn trong túi áo của họ. Chiếc điện thoại iPhone 6 hiện tại đã tính toán nhanh gấp 650 lần so với các máy tính Pentium năm 1995.

Tại Ấn Độ, số lượng điện thoại thông minh sẽ tăng lên từ mức dưới 20 triệu vào đầu năm 2014 đến 250 triệu chiếc vào cuối năm 2015. Những chiếc điện thoại thông minh không chỉ là phương tiện để liên lạc mà còn là thiết bị kết nối tạo ra những dịch vụ không chỉ thay đổi xã hội và ngành công nghiệp mà cả chính phủ lẫn các chính sách tài chính của quốc gia.

4. Đa cực hóa và lão hóa

Thế giới sẽ ngày càng trở nên đa cực thay cho quan điểm đặt phương Tây làm trọng tâm như trước. Ngày nay, 88% dân số thế giới đang sinh sống tại châu Phi, châu Á và châu Mỹ - Latinh và với ngoại lệ là nước Mỹ.

Thế giới mới hướng đến một thị trường tự do cho những công nghệ mới, nâng cao năng lực cho phụ nữ trong các lĩnh vực thực phẩm, năng lượng và y khoa.

Melinda Gates đã chỉ ra rằng trong vòng 25 năm qua, một nửa dân số thế giới đã thoát nghèo và một nửa còn lại cũng sẽ cải thiện được cuộc sống trong vòng 15 năm tới.

Thế giới đang trở nên lão hóa bên ngoài châu Phi và Ấn Độ. Xét về nhân khẩu học, dân số của Nhật sẽ giảm 1/3 trong vòng 50 năm tới và đến năm 2050 sẽ giảm 2/3 so với hiện tại.

Trong năm 2014, 650 triệu người trên 65 tuổi. Đến năm 2050, con số này sẽ là 2 tỷ người. Nhanh hơn cả sự phát triển về kỹ thuật số là sự gia tăng của mức lão hóa trong dân số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
4 phác thảo chính về kinh tế thế giới trong tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO