Rồi tôi tự bảo mình tại sao không bắt đầu từ chính chuyện của chính mình. Bởi vì ai cũng có một tài sản lớn lao, đó là chuyện của bản thân. Ai có thể kể chuyện đời bạn một cách chân thật, sống động và cảm hứng nhất đây? Chỉ có thể là chính bạn mà thôi.
Trải qua thời gian, tôi nghiệm ra rằng, thời điểm có thể viết sách là khi người ta đủ trưởng thành để học lại từ những thất bại và sai lầm của chính mình. Người ta có thể viết sách khi còn đủ trẻ, đủ nhiệt huyết với mong muốn lan tỏa giá trị tốt đẹp đến người khác. Tôi tự nhận thấy mình đang nằm ở lứa tuổi không quá trẻ nhưng chưa đủ già để "ậm ừ" rồi chỉ để kế hoạch viết sách trong tâm tưởng.
Và sự thần kỳ của việc bắt đầu viết sách là đây: nếu như nhà văn Stephen King nói rằng "Khoảnh khắc đáng sợ nhất là ngay trước khi bạn bắt đầu" thì tôi cũng cảm thấy điều đó đúng với mình. Trong suốt thời gian dài, nhiều người hỏi tôi rằng, bận bịu với công việc, gia đình, con cái, rồi những công việc riêng thì thời gian đâu để có thể viết. Thực ra, bản thảo đã ở trong chính tâm trí của mỗi người. Đó là những dấu ấn khi lớn lên, đi học, đi làm, lập gia đình và gặp những biến cố, những thay đổi mà có lẽ chẳng ai lường trước được. Giờ đây, riêng tôi chỉ có một nỗ lực là sắp xếp chúng lại thành sách và trình bày sao cho logic.
Tôi rất thích câu nói của Henry Ford: "Đến với nhau là một sự khởi đầu. Giữ được nhau là sự tiến triển. Làm việc cùng nhau là sự thành công". Chính vì vậy, tôi hy vọng cuốn sách có thể làm bạn với bất cứ ai. Người ta nói mỗi cuốn sách cho ta một điều thú vị, mỗi người bạn cho ta một điều hay, chẳng sai. Tôi tin bằng việc làm bạn với những cuốn sách sẽ giúp chúng ta rất nhiều, đặc biệt khi bị mất phương hướng. Trước đây tôi rất ít đọc sách hoặc đọc nhưng không "thấm" được là bao, nhưng phải thú thực khi gặp phải những trở ngại thực sự mà không biết giãi bày cùng ai nên đã tìm sách để đọc. Sách không vẽ ra con đường phải đi, nhưng chí ít sách giúp bạn có được định hướng. Nó như một chiếc la bàn giúp bạn tìm được đích đến và cách thức tiếp cận.
Chính bằng những trải nghiệm của riêng mình mà tôi đã dấn thân vào con đường viết lách. Nhưng tôi không bao giờ "lên gân lên cốt", rao giảng đạo lý trong sách của mình. Thú thực những kinh nghiệm, những suy nghĩ và quan điểm sống của tôi còn nhỏ bé lắm với thế gian rộng lớn này. Chính vì thế tôi chọn lối viết giản dị, chân thực, dễ đọc, dễ hiểu, không "đao to búa lớn", cứ bình tĩnh, nhẹ nhàng trở thành người đồng hành, người dẫn chuyện thì đúng hơn là người kể chuyện. Cá nhân tôi rất sợ những gì "đao to búa lớn" kiểu như "kiệt tác" với "di sản". Tôi sợ những gì nói được mà không làm được.
Thông thường thì ai cũng chỉ muốn đánh giá ở mặt kết quả thay vì chỉ nhìn thấy mục tiêu. Mỗi người đọc sách đều muốn thấy mình ở trong đó, họ sẽ không quan tâm quá nhiều đến tác giả và vấn đề của tác giả, họ chỉ quan tâm đến chính họ, đến vấn đề mà họ gặp phải. Họ cần phải thấy được chính mình trong câu chuyện của người khác, xem cái cách người khác làm gì và họ cần thấy phải làm gì.
Hiểu được tính "vị kỷ” của con người là vậy, thế nên tôi chọn cách viết "vì người khác" nhưng thông qua chuyện của bản thân. Nghe tưởng chừng mâu thuẫn nhưng kỳ tình đúng như vậy.
Chúng tôi sẽ vẫn luôn sẵn sàng "xem" cuộc sống diễn tiến, "nghe" tiếng gọi của đam mê, "viết" để hiểu và để thấm. Hành trình nào rồi cũng sẽ có đích đến, dù viên mãn hay không, nhưng ít nhất đã luôn cố gắng, vì thời gian không bao giờ có thể quay trở lại. Thế nên chọn mà đi là hành trình cho mình mà không phải chọn vì người khác. Đó là cách tôi nghĩ, tôi xem và tôi viết.
Đây cũng chính là lý do thôi thúc tôi viết sách, đặc biệt là viết loại sách kỹ năng (self-help), sách truyền cảm hứng với độc giả trẻ. Nhóm đối tượng này luôn cần sự định hướng, dẫn dắt và cần nhất là sự truyền lửa và giữ lửa trong bối cảnh xã hội hiện nay. Những người trẻ luôn thích ứng nhanh, thông minh nhưng phần nào đó khó điều chỉnh cảm xúc, hoặc thậm chí dễ bị lay chuyển khi bị tác động của ngoại cảnh.
Chính vì tình trạng ấy, tôi luôn hứng thú với việc truyền đạt lại những kinh nghiệm, trải nghiệm, những bài học mà khi còn trẻ mình đã vướng phải. Để từ đó người trẻ bây giờ có thể khắc phục và không gặp phải những trở ngại như thế hệ trước đã từng gặp. Người trẻ nào thì cũng trưởng thành, còn người trưởng thành nào thì cũng đã từng trẻ, vậy nên tưởng chừng có sự khác biệt nhất định giữa các thế hệ, nhưng chính việc chia sẻ qua những trang sách làm các thế hệ gần nhau hơn và đó cũng là cách vượt qua những áp lực trong công việc hay trong cuộc sống.
Bên cạnh những lợi ích của việc được truyền lửa cho độc giả qua trang sách, bản thân tôi cũng được giữ lửa. Chẳng có gì có thể cháy được mãi, cũng sẽ đến lúc ngọn lửa đam mê trong chính mỗi tác giả sẽ phải nguội dần đi. Chỉ có thể bằng cách ngồi xuống để viết, mỗi tác giả lại có thêm những động lực để có thể viết những cuốn sách tiếp theo, sẽ tiếp tục những ký tự mới trong hành trình kế tiếp.
Đó là "trạm sạc" tinh thần cho chính người viết chứ không phải chỉ là cho đi. Chúng tôi - những doanh nhân viết sách không vì lợi ích kinh tế, viết sách không chỉ cho đi mà còn nhận lại được quá nhiều. Chúng tôi sẽ vẫn luôn sẵn sàng "xem" cuộc sống diễn tiến, "nghe" tiếng gọi của đam mê, "viết" để hiểu và để thấm. Hành trình nào rồi cũng sẽ có đích đến, dù viên mãn hay không, nhưng ít nhất đã luôn cố gắng, vì thời gian không bao giờ có thể quay trở lại. Thế nên chọn mà đi là hành trình cho mình mà không phải chọn vì người khác. Đó là cách tôi nghĩ, tôi xem và tôi viết.
Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng tôi trong những tác phẩm nhỏ bé vừa qua. Và bên tai tôi vẫn văng vẳng lời bài hát Cám ơn bạn của ca sĩ Hoàng Thùy Linh: "Cảm ơn những vỗ về bạn dành tặng tôi nhé/ Cảm ơn những ánh mắt luôn luôn dõi theo tôi ngày đêm/ Những câu trìu mến, những lời động viên/ Thế nên/ Xin cảm ơn đôi tay truyền đầy niềm tin và thương mến/ Cảm ơn những con tim luôn đứng sát bên tôi ngày đêm"...
(*) Giám đốc Điều hành Global PR Hub Khu vực ASEAN, tác giả hai cuốn sách
Hãy để thương hiệu của bạn cất lời và 60 phút thay đổi chính mình