Một cuốn sách của doanh nhân muốn bán chạy thì yếu tố tiên quyết là sự thành công và nổi tiếng của doanh nhân đó. Nếu được quảng bá tốt, một cuốn sách của doanh nhân viết về thương trường và kinh nghiệm thương trường sẽ tiếp cận được với rất nhiều người đọc và góp phần giúp giới trẻ thay đổi cuộc đời.
Đường sách Lê Lợi, TP.HCM Tết Quý Mão vừa qua khá thành công khi bán được hơn 59.000 cuốn sách, doanh thu 8,2 tỷ đồng. Trong đó có một số sách mang tính kinh điển bán chạy như Đắc nhân tâm, hoặc gây được sự chú ý thời gian qua là Muôn kiếp nhân sinh. Đặc biệt, sách viết về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được nhiều người tìm mua. Tuy nhiên, sách do doanh nhân viết hay viết về doanh nhân vẫn chưa thu hút được nhiều độc giả.
Dòng sách viết về cuộc đời của doanh nhân luôn được bạn đọc quan tâm bởi vì đó là những hình mẫu thành công mà bạn đọc muốn tìm hiểu. Ở Việt Nam, hằng năm xuất bản khoảng 40.000 đầu sách, tuy nhiên sách liên quan đến doanh nhân Việt Nam chưa tới 100 đầu sách, số lượng phát hành cũng chưa nhiều.
Thời gian qua, Saigon Books có một số cuốn sách hấp dẫn bạn đọc như 9 lần khởi nghiệp của Nguyễn Phương Nam, Về quê lập nghiệp của doanh nhân Tuấn Trần, sách của doanh nhân Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty New Toyo Việt Nam, của doanh nhân Thanh Lâm - nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Saigon Foods đều có số lượng phát hành không ít và được sự ghi nhận của cộng đồng. Tuy nhiên, đối với các tác giả là doanh nhân cũng có một giới hạn là sách của họ thường chỉ được chia sẻ trong cộng đồng người hâm mộ doanh nhân đó.
Để có sách hay về doanh nhân
Sách về doanh nhân Việt Nam chưa nhiều, chưa tạo thành một dòng sách có bản sắc riêng, có hai nguyên nhân. Thứ nhất, những doanh nhân thật sự được gọi là thành công thường lại khá kín tiếng và ít muốn chia sẻ về cuộc đời, về kinh doanh. Thứ hai, một số doanh nhân vẫn có suy nghĩ phải tự viết thì mới là tác giả sách, nên dù muốn ra sách nhưng ngại ngần vì không đủ năng lực viết.
Có những doanh nhân đã thuê công ty dịch vụ để hỗ trợ họ ra một cuốn sách. Chỉ cần doanh nhân đó biết kể lại những chuyện có giá trị với bạn đọc thì luôn có đội ngũ chấp bút. Sau đó, đội ngũ này sẽ gửi lại bản thảo cho doanh nhân thêm bớt, chỉnh sửa. Đó là mô hình viết sách theo công thức chung của khá nhiều doanh nhân thành công trên thế giới. Ngay cả trong trường hợp doanh nhân đó có viết tốt đi nữa thì vẫn cần sự hỗ trợ biên tập bởi vì phần nào nên viết sâu hơn, phần nào nên viết ít lại, nên bổ sung gì là kiến thức và kinh nghiệm của người viết chuyên nghiệp.
Hiện đã có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các hoạt động xoay quanh ngày này rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên để phát triển thị trường sách Việt Nam nói chung và sách doanh nhân nói riêng thì chưa đủ, nên cần có một số giải pháp:
- Phải đưa việc đọc sách vào trường học để các bạn trẻ hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ.
- Phát triển thư viện, phòng đọc sách đáp ứng nhu cầu bạn đọc.
- Đại sứ văn hóa đọc ở Việt Nam nên là những doanh nhân thành đạt, người nổi tiếng, chia sẻ những giá trị, bài học từ sách để giúp giới trẻ có động lực học theo.
- Cần tôn vinh những tác giả nổi tiếng, những doanh nhân viết sách bán chạy để họ có động lực tiếp tục xuất bản những cuốn sách có giá trị.
- Hội đồng Sách Doanh nhân nên mở những lớp hướng dẫn viết sách cho doanh nhân, qua đó giúp doanh nhân hiểu quy trình xuất bản một cuốn sách cũng như cách hỗ trợ để họ có thể ra được một cuốn sách.
Người viết chuyên nghiệp không chỉ có “văn hay chữ tốt” mà họ còn biết cách đặt câu hỏi, gợi mở để doanh nhân kể những tình tiết “đắt”, những sự kiện giúp tạo nên sự thành công hay những bài học thất bại để chia sẻ. Với sự kết hợp giữa doanh nhân biết cách kể chuyện và người viết chuyên nghiệp, độc giả sẽ có những cuốn sách hay. Theo tôi, nếu không có khả năng tự viết thì doanh nhân nên thuê một người viết chuyên nghiệp.
Hãy chia sẻ những thất bại
Theo tôi, một cuốn sách của doanh nhân muốn bán chạy thì yếu tố tiên quyết là sự thành công và nổi tiếng của doanh nhân đó. Tôi tin là nếu anh Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup viết về mình và Vingroup thì cuốn sách đó sẽ bán rất chạy. Rất tiếc là hiện nay chưa có được những tác giả là doanh nhân lớn sẵn lòng viết sách và chia sẻ sự thành công, thất bại của họ.
Người ta thường nói, tính cách hôm nay (của người nào đó) được quyết định bởi những tổn thương đã từng nếm trải chứ không phải là những thành công. Tôi thường chia sẻ với nhiều anh chị doanh nhân, nếu viết sách thì hãy nhớ lại những tổn thương, những thất bại trong quá khứ bởi vì đó chính là những điều tạo nên chính mình hôm nay. Tôi tin rằng đó là những chuyện có giá trị đối với bạn đọc, bởi vì họ sẽ học được cách vượt qua những nỗi đau, những thất bại nhiều hơn là thành công trong cuộc đời. Và tất nhiên, chúng tôi chỉ đặt ra, gợi ý còn quyết định nội dung cuốn sách vẫn là tác giả. Kết quả cuối cùng vẫn phụ thuộc vào sự mở lòng, sự sẵn sàng chia sẻ của các tác giả - doanh nhân.
Nếu được quảng bá tốt, một cuốn sách của doanh nhân sẽ tiếp cận được rất nhiều bạn đọc và góp phần giúp giới trẻ thay đổi cuộc đời, bởi họ sẽ có những bài học rất khó tìm được ở nơi khác hoặc có thể giảm bớt những chi phí học tập nhờ đọc được trong sách. Do đó, tôi nghĩ cần phải thuyết phục và hỗ trợ những doanh nhân thành đạt sẵn lòng viết sách để có thêm những đầu sách hay, phát triển dòng sách doanh nhân ở Việt Nam. Đó là việc không dễ nhưng hoàn toàn có thể làm được.
Để làm được điều đó, rất cần hỗ trợ của các đơn vị truyền thông như Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn để làm lan tỏa những cuốn sách đó. Những hoạt động như bình chọn những cuốn sách doanh nhân viết được bạn đọc yêu thích, tổ chức tủ sách doanh nhân tại các trường đại học, mời doanh nhân nói chuyện về sách hoặc những buổi talkshow về sách... như Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn làm trong thời gian qua góp phần rất lớn để lan tỏa những cuốn sách của doanh nhân đến cộng đồng.
(*) Chủ tịch HĐQT Công ty CP Saigon Books, thành viên Hội đồng Sách Doanh nhân