“Thoát lừa” cho doanh nghiệp xuất khẩu

Phan Minh Thông (*)| 29/03/2022 07:00

Từng gặp những "cú lừa" tương tự vụ việc 100 container hạt điều của doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất trắng, ông Phan Minh Thông chia sẻ những kinh nghiệm "thoát lừa" cho doanh nghiệp.

“Thoát lừa” cho doanh nghiệp xuất khẩu

Đang chuẩn bị đi làm thì Minh nhận được điện thoại của LN - một nhà báo thân quen:

- A lô, chào anh Minh, tôi vừa nghe Hiệp hội Điều Việt Nam thông báo các doanh nghiệp xuất khẩu điều bị lừa 100 container điều nhân. Tôi thấy tình tiết y hệt chuyện "Thoát lừa trong gang tấc" trong cuốn sách Vượt lên, những con đường kinh doanh của anh.

Minh hỏi:

- Chị nói cụ thể được không?

- Các doanh nghiệp xuất khẩu điều bị mất chứng từ anh ạ. Nghe nói ngân hàng nhờ thu hộ thay vì nhận bộ chứng từ gốc thì nhận bộ chứng từ copy và thậm chí là giấy trắng. 

- Vậy là người mua lừa đảo đã lấy được chứng từ gốc. 

- Theo tôi được biết, 5 công ty xuất khẩu bán 100 container hạt điều qua môi giới tại Việt Nam. Thanh toán nhờ thu hộ qua ngân hàng. Hàng đi Ý nhưng bộ chứng từ lại qua Thổ Nhĩ Kỳ. Ngân hàng nhờ thu Thổ Nhĩ Kỳ điện về nói là họ nhận được chứng từ copy, không phải bộ chứng từ gốc và thế là các doanh nghiệp xuất khẩu báo với Hiệp hội Điều Việt Nam nhờ giúp đỡ vì mất bộ chứng từ gốc là mất cả lô hàng 100 container trị giá khoảng 7 triệu USD.

- Vậy họ đã xin được số vận đơn gửi bộ chứng từ và đã tráo bộ chứng từ copy như tôi đã gặp trường hợp này cách đây 15 năm, Minh nói.

- Theo anh thì làm sao lấy lại được bộ chứng từ thật? LN hỏi.

Minh trả lời:

- Tôi nghĩ như thế này. Trước khi xuất khẩu hàng thì phải tìm hiểu khách hàng kỹ lưỡng. Có thể tìm hiểu khách hàng trong ngành hàng mình, xem những người kinh doanh trong ngành hạt điều có biết công ty này không.

Thứ hai là tìm hiểu kỹ công ty nhập khẩu và xem có thông tin trên mạng không, nếu có thì đánh giá thế nào, đồng thời tra Google Maps cho chắc ăn.

Thứ ba là có thể liên hệ với tham tán thương mại đại sứ quán Việt Nam ở các nước để hỏi xem và thậm chí cũng phải chi tiền mua thông tin hay trả tiền cho tham tán thương mại để họ kiểm tra tận nơi giúp mình.

Thứ tư là phải kiểm tra kỹ lưỡng ngân hàng nhờ thu của khách mua, họ có thông tin pháp lý đầy đủ không. Cái này không khó vì có thể thuê các ngân hàng Việt Nam kiểm tra. Và đặc biệt không cho người mua hàng biết số vận đơn phát chuyển nhanh. Mất chứng từ gốc là do môi giới hay người bán sơ suất, khi người mua hỏi số vận đơn thì cho ngay.

Quan trọng nhất là thay đổi cách làm. Thế giới phẳng thì cần có sự kết nối giao thương, có thể chủ động ra nước ngoài thăm khách hàng, tìm hiểu trực tiếp. Các công ty ở Hà Lan đã làm việc này hàng trăm năm qua, các công ty ở Hồng Kông, Singapore đã làm việc này lâu lắm rồi. Kinh doanh hàng triệu USD mà không bỏ vài nghìn USD đi thăm khách hàng thì đúng là chưa cẩn thận.

Bây giờ mọi thứ đều dễ dàng thì phải chủ động và chi phí cũng không quá đắt đỏ. Hãy lên kế hoạch gặp gỡ khách hàng ở nước sở tại để kinh doanh an toàn. Và đấy là cách làm rẻ nhất và chính xác nhất. Chủ doanh nghiệp và các cấp quản lý ngành hàng xuất khẩu, người của các hiệp hội cũng cần biết tiếng Anh để xử lý mọi việc dễ dàng hơn.

- Vâng, anh nói đúng. Tôi đề nghị ghi lại ý kiến của anh trên mặt báo để doanh nghiệp tham khảo trước khi xuất hàng ra thế giới.

- Đồng ý. Tôi phải đến văn phòng đây, chúc LN một ngày tốt lành.

(*) Chủ tịch Phúc Sinh Group

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Thoát lừa” cho doanh nghiệp xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO