Thị trường thịt gia súc, gia cầm: Tham vọng với "miếng bánh" 18 tỷ USD

LỮ Ý NHI| 20/10/2017 08:04

Theo số liệu từ Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor, năm 2016, thị trường tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm (sau đây gọi tắt là thịt) tại Việt Nam đạt 3,1 triệu tấn, giá trị lên tới 18 tỷ USD, lớn thứ ba châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Thị trường thịt gia súc, gia cầm: Tham vọng với

Đó là lý do nhiều doanh nghiệp "nhắm" đến thị trường này nhưng với hướng đi mới: áp dụng công nghệ hiện đại để bảo đảm sản phẩm sạch.  

Đánh giá tiềm năng ngành công nghiệp thịt tại Việt Nam, một đơn vị giám sát thị trường thuộc Liên minh Châu Âu (EU) nhận định: "Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng để hướng đến xuất khẩu thịt gia cầm sang châu Âu. Hiện nay đã có một số nước mở cửa cho thịt heo của Việt Nam, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất và đầy tiềm năng bởi mức tiêu thụ của nước này vào khoảng 51 - 57 triệu tấn/năm. Tại thị trường nội địa, hiện nay thịt heo được tiêu thụ bình quân 33,5kg/người/năm nhưng đến năm 2020 dự kiến sẽ là 39kg.

Nhắm đến thị trường còn rất rộng này, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Masan cho rằng: "Mặc dù được tiêu dùng với số lượng lớn, song thị trường thịt và các sản phẩm từ thịt vẫn còn nhiều bất cập, như năng suất chăn nuôi thấp, khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, lĩnh vực chế biến và phân phối lạc hậu.

Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) - ông Đoàn Nguyên Đức tính toán: Về bò thịt, mỗi ngày Việt Nam tiêu thụ khoảng 3.000 con trong khi nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được 20 - 30%, còn lại là nhập khẩu từ Úc, Campuchia, Thái Lan, Lào. Như vậy, chăn nuôi bò sữa và bò thịt vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.

HAGL nhập bò từ Úc có trọng lượng khoảng 250kg mỗi con, được nuôi với thức ăn trộn từ cỏ, mật, bắp..., mỗi ngày một con bò tăng trọng khoảng 1,5kg, đến khi xuất chuồng đạt khoảng 500kg trong khoảng 6 tháng. Như vậy chi phí nuôi bò tăng trọng rẻ hơn khá nhiều so với nhập bò thịt. Vì thế mà doanh thu bán bò đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng lợi nhuận của HAGL, khi 9 tháng của năm 2016 đạt 2.631 tỷ đồng, tăng khá mạnh so với cùng kỳ 2015.

Anova Farm (thành viên Tập đoàn Anova) đầu tư vào trang trại nuôi heo tại tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu với 2.400 heo nái và 12.000 heo thương phẩm, hằng năm cung cấp ra thị trường hơn 5.000 heo hậu bị đực và cái, hơn 55.000 con heo thịt. Anova Farm chọn hướng đi "thực phẩm sạch" nên chăn nuôi heo bằng công nghệ hiện đại, quy trình khép kín từ nguồn giống nhập khẩu từ Mỹ, sử dụng nguồn thức ăn đạt chuẩn GlobalG.A.P, nguồn vaccine đạt chuẩn WHO-GMP nên chất lượng thịt an toàn, giàu dinh dưỡng. Đặc biệt, Anova Farm xây dựng riêng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng cách ứng dụng mã QR (QR code) và các phần mềm quản lý sản xuất để truy xuất từng loại thức ăn, thuốc thú y sử dụng trong suốt quá trình nuôi.

Link bài viết

Theo Euromonitor, năm 2016, ngành chế biến thịt ở Việt Nam tăng 6% về giá trị và 5% về sản lượng, dự báo đến năm 2021 sẽ tăng bình quân 2,2%/năm về sản lượng và 1,9%/năm về doanh số. Vì vậy, sau khi nhận vốn góp của Quỹ Đầu tư KKR, Masan đã tham gia thị trường thịt và các sản phẩm từ thịt.

Ông Danny Le, Giám đốc Phát triển và Chiến lược Masan cho biết: "Masan mua lại Saigon NutriFood là nhắm đến công nghệ và kinh nghiệm của công ty này để làm bàn đạp bước vào thị trường thịt. Mua lại 24,9% cổ phần của Vissan, Masan coi đó là chìa khóa để hoàn thiện chuỗi 3F (từ trang trại đến bàn ăn) vì chỉ có 3F mới đưa giá thịt về mức hợp lý và đáp ứng nhu cầu thịt sạch. Song, sâu xa hơn nữa để Masan "mở cửa thị trường thịt là việc mua Proconco và Anco để có chuỗi cung ứng sản xuất thịt an toàn với giá cả cạnh tranh.

Từng ghi tên tuổi trong mảng trái cây sấy khô nhưng ông Nguyễn Lâm Viên vẫn "với sang" lĩnh vực chăn nuôi heo, gà vì biết rằng thịt sạch, không hóa chất là nhu cầu ngày càng tăng. Trang trại của Vinamit là trang trại heo đầu tiên áp dụng tiêu chuẩn Animal Organic của Mỹ và châu Âu: nuôi heo tự nhiên, thức ăn từ các loại vỏ chuối, mít, từ khoai lang, đu đủ, hạt mít ủ lên men để tạo ra nguồn dinh dưỡng, khi heo bệnh chỉ dùng thuốc nam.

Kế hoạch năm 2018, đơn vị này sẽ có 15.000 con heo, gà organic tung ra thị trường. Cũng theo ông Viên, giá heo hơi khoảng 120.000đ/kg thì mới có lãi vì trọng lượng heo organic tối đa là 40kg/con. Ông Nguyễn Hiếu Liêm - đại diện Anova Farm cho rằng, dù ngành chăn nuôi vẫn còn bấp bênh vì giá heo lên xuống thất thường, đặc biệt là khi áp dụng tiêu chuẩn Global GAP, chi phí tăng cao. Song, cũng nhờ áp dụng tiêu chuẩn Global GAP mà năng suất chăn nuôi của Anova Farrm lại cao, ổn định nên giá ngang bằng giá thịt trên thị trường.

Dù vậy, cũng như Công ty TNHH CJFoodville Việt Nam, Masan, hướng đi của Vinamit và không loại trừ cả Anova Farrm (dù chưa tiết lộ) không chỉ nhắm đến cung ứng thịt tươi sạch mà còn nhắm đến sản xuất các sản phẩm từ thịt. Bởi theo ông Viên, đây mới là nguồn lợi nhuận lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường thịt gia súc, gia cầm: Tham vọng với "miếng bánh" 18 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO