Chuyện làm ăn

Thị trường dược: Không dễ cho “tay chơi mới”

Hồng Nga 25/08/2023 11:00

Với mức tăng trưởng kép (CAGR) khoảng 6,7% trong giai đoạn 2022-2026, thị trường dược phẩm được đánh giá là rất tiềm năng khi nhu cầu chi tiêu của người dân cho sức khỏe cộng với quy mô dân số lớn và đang trong quá trình già hóa.

duoc-5249.jpg

Mảnh đất màu mỡ

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), số người từ 65 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2040, chiếm 18% tổng dân số và điều này sẽ càng thúc đẩy chi tiêu chăm sóc sức khỏe.

Sức hấp dẫn của thị trường dược khiến ông lớn Hàn Quốc Dongwha Phar hồi đầu tháng 8 này đã quyết định rót 30 triệu USD vào Trung Sơn Pharma.

Hiện Trung Sơn Pharma có 140 nhà thuốc tại các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… Với nguồn vốn mới, Trung Sơn Pharma đang lên kế hoạch phát triển chuỗi 460 cửa hàng vào năm 2026.

FPT Retail - chủ sở hữu hệ thống nhà thuốc Long Châu trong 6 tháng đầu năm nay đã mở mới 306 nhà thuốc, đưa hệ thống này đạt 1.243 nhà thuốc trên toàn quốc. Việc mở rộng chuỗi tiếp tục được doanh nghiệp này thực hiện khi lên kế hoạch nâng Long Châu lên 1.400-1.500 nhà thuốc trên toàn quốc vào cuối năm nay.

SSI Research cho rằng, các chuỗi bán lẻ dược phẩm mở rộng mạng lưới mạnh mẽ trong bối cảnh các bệnh viện công thận trọng hơn trong hoạt động đấu thầu thuốc và gia tăng tiêu dùng đối với các sản phẩm vitamin hay thực phẩm chức năng. Vì thế, đây cũng là điều kiện thuận lợi để các chuỗi cửa hàng thuốc theo mô hình hiện đại phát triển.

picture1.jpg

Nhưng không dễ

Dù màu mỡ và đầy tiềm năng nhưng không dễ cho những doanh nghiệp mới tham gia lĩnh vực này. Ngay như Thế Giới Di Động - một thương hiệu đình đám trong lĩnh vực bán lẻ điện máy và công nghệ cũng đang nhận trái đắng khi tham gia phân phối dược. Bắt đầu kinh doanh dược vào năm 2018, đến năm 2022, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (công ty mẹ của chuỗi nhà thuốc An Khang) công bố chuỗi An Khang đang kinh doanh hiệu quả và đẩy mạnh phát triển. Trong chiến lược phát triển thần tốc (bắt đầu từ tháng 5/2022), mỗi tháng doanh nghiệp này mở mới trên dưới 100 cửa hàng. Và chỉ trong vài tháng, An Khang đã từ 178 nhà thuốc cán mốc 500 cửa hàng trên toàn quốc.

Thế nhưng, tốc độ này không còn giữ được và hiện tại An Khang đã tạm dừng ở 540 nhà thuốc. Việc tạm ngưng mở mới An Khang là một phần trong kế hoạch thu hẹp các mảng kinh doanh kém hiệu quả, chấm dứt những thử nghiệm không có tiềm năng tăng trưởng đủ lớn trong tương lai.

Nhưng việc tạm dừng mở chuỗi cũng không giúp An Khang cắt được lỗ. Năm 2022, An Khang lỗ hơn 300 tỷ đồng và nửa đầu năm 2023 tiếp tục lỗ hơn 150 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6/2023, An Khang ghi nhận lỗ lũy kế hơn 459 tỷ đồng và sau 5 năm hoạt động, chuỗi nhà thuốc này của Thế Giới Di Động đang dừng lại với con số 540 cửa hàng.

Theo phân tích của giới chuyên gia, An Khang đang bị sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường dược phẩm. Những chuỗi dược phẩm như Long Châu hay hàng nghìn nhà thuốc bán lẻ có sẵn trên thị trường hàng chục năm trước đã cản bước người đến sau. Không chỉ vậy, mô hình hoạt động của An Khang có nhiều điểm tương đồng Long Châu nhưng vị trí của An Khang không “đắc địa” bằng và giá bán cũng không cạnh tranh lại. Hiện giá dược phẩm bán tại Long Châu được cho là thấp trong tất cả chuỗi cửa hàng thuốc hiện đại trên toàn quốc.

Pharmacity từng đặt tham vọng đạt 5.000 cửa hàng thuốc vào năm 2025 để một nửa người dân Việt Nam có thể tiếp cận chỉ trong vòng 10 phút lái xe. Chiến lược đua mở chuỗi với các thương hiệu khác đưa Long Châu lên vị trí dẫn đầu về số lượng với khoảng 1.100 nhà thuốc. Nhưng sau đó, công ty thực hiện chiến lược đổi mới, tái cơ cấu hệ thống, đóng cửa những cửa hàng kém hiệu quả sau khi nhận thấy thói quen người tiêu dùng thay đổi sau đại dịch. Hiện Pharmacity chỉ còn trên 930 nhà thuốc và được cho là vẫn đang “tiếp tục cân đối lại mặt bằng để đảm bảo các nhà thuốc hiện diện ở những vị trí chiến lược và tập trung vào việc cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp, tối ưu hóa chi phí hoạt động”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường dược: Không dễ cho “tay chơi mới”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO