Chuyện làm ăn

Doanh nghiệp lại khổ vì... thuế

Ý Nhi 14/08/2023 15:20

Suốt hai tuần qua, vấn đề luôn nóng trên các diễn đàn của doanh nhân, doanh nghiệp (DN) là việc bị đọng vốn do hoàn thuế chậm, và bỗng dưng DN “gánh” trách nhiệm của cơ quan thuế.

thue.jpg

1. Công văn chồng công văn

Hoàn thuế giá trị gia tăng được xem như nguồn vốn “trợ thở” kịp thời cho DN khi sức khỏe đang bị bào mòn. Song thay vì háo hức được hoàn thuế để có thêm dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thì các DN lại đang rơi vào tình thế vì… “thuế” mà bị đánh đố và khó thêm.

Trở lại câu chuyện cách đây 10 năm, khi Công văn 7527/BTC-TCT do Bộ Tài chính ban hành ngày 12/6/2013 ra đời, yêu cầu các cục thuế địa phương phải kiểm tra các khâu trung gian, tức là phải kiểm tra F1, F2, F3, F4… đã gây nhiều bất cập, ách tắc trong việc hoàn thuế VAT vì thực tế không thể làm được.

Chính vì nhiều bất cập và thiếu khả thi trong thực tiễn, nên Bộ Tài chính đã chấn chỉnh bằng việc ban hành Công văn 13706/BTC-TCT ngày 15/10/2013 hướng dẫn, bổ sung, sửa đổi Công văn 7527 với nội dung việc kiểm tra, xác minh được thực hiện trong phạm vi 40 ngày và chỉ kiểm tra, xác minh đối với người bán hàng trực tiếp cho công ty xuất khẩu để xử lý hoàn thuế. Sau khi Bộ Tài chính ban hành văn bản sửa đổi này, vấn đề hoàn thuế VAT đã được giải quyết.

6.000 tỷ đồng là số tiền thuế GTGT mà nhóm doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn thuế

Thế nhưng, cùng vấn đề nội dung hoàn thuế, ngày 7/3/2022, Tổng cục Thuế lại ra Công văn số 633/TCT-TTKT về việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế VAT. Trong đó, yêu cầu việc kiểm tra hoàn thuế phải xác minh qua các khâu trung gian từ F1, F2, F3... đến khâu cuối cùng. Nếu các DN trung gian không thuộc địa bàn quản lý thì Cục Thuế thành phố làm công văn gửi Cục Thuế các địa phương có liên quan để rà soát, đối chiếu.

Điều đáng nói là Công văn 633 của Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế kiểm tra hoàn thuế VAT phải xác minh qua các khâu trung gian từ F1, F2, F3... đến khâu cuối cùng là chỉ đạo nội bộ. Và yêu cầu các Cục Thuế vẫn phải đảm bảo thời gian hoàn thuế cho DN đủ điều kiện.

Nhưng cũng từ Công văn 633, “quả bóng” trách nhiệm của các Cục Thuế được “lăn” sang cho DN, trở thành trách nhiệm của DN phải giải trình, xác minh, khiến DN bị rơi vào thế bị động trong vận hành DN, thời gian xác minh càng lâu, việc ách tắc trong hoàn thuế càng bị kéo dài. Dù mới đây, ngày 19/6/2023, Tổng cục Thuế cũng đã có văn bản 2489/TCT-VP chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế cho DN theo Quy trình 679/QĐ-TCT ngày 31/5/2023, nhưng việc triển khai theo ngành dọc chưa được đồng bộ và nhất quán toàn diện, nên doanh nghiệp vẫn “cầu cứu” xin tháo gỡ khó khăn cho số thuế mà chính họ là người đã chi trả ở khâu hóa đơn mua vào.

2. Vì đâu, “quả bóng” lăn…?

Dù chồng chất nhiều nỗi niềm khó khăn và đang phải gánh quá nhiều bất cập, nhưng khi phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn trao đổi thì nhiều DN lại ngại nêu tên vì sợ sau này bị… làm khó. Còn một số đại lý, cơ quan thuế thì từ chối nêu ý kiến hoặc xin không nêu tên vì… vấn đề nhạy cảm.

Qua tìm hiểu được biết, sau khi triển khai hóa đơn điện tử, các dữ liệu về lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ của DN được cập nhật đầy đủ, cơ quan thuế có dữ liệu mới phát hiện nhiều trường hợp DN ra hóa đơn nhưng lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ lại không thuộc ngành nghề ra hóa đơn và những trường hợp này dễ bị nằm trong diện “rủi ro” theo Công văn 1873/TCT-TTKT ngày 1/6/2022.

Thực tế cũng đã có những DN được thành lập để bán hóa đơn cho những đơn vị khác nhằm hợp thức hóa hàng trôi nổi, hàng buôn lậu và trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách. Do đó, cơ quan thuế phải có biện pháp quản lý để phát hiện từ xa, từ sớm, kịp thời ngăn chặn những DN sai phạm, lập ra để gian lận, trốn thuế.

thu-tuc-hoan-thue-gia-tri-gia-tang_0703095448.jpg

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thủ tục hành chính thuế là một trong những nhóm nội dung mà cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và bất cập nhất. Nhiều thủ tục và văn bản trả lời hướng dẫn chính sách thuế của các Cơ quan Thuế khác nhau gây ra cách hiểu khác nhau, cách áp dụng khác nhau.

Một DN trong ngành thuế cho rằng, mấu chốt sâu xa khiến cơ quan thuế “lăn” trái bóng trách nhiệm về cho DN là do sau vụ hoàn thuế Thủ Đức House, một số cán bộ ngành thuế bị chùn chân, nhụt chí vì ngại “dính” trách nhiệm. Sợ nếu hoàn thuế xong, công an vào kiểm tra xác định lại, phát hiện sai thì chính cán bộ thuế phải lãnh đủ.

Ví dụ, tại ngày phát sinh giao dịch giữa DN mua và DN bán, cả DN và cơ quan thuế không có đủ công cụ, thông tin xác định giao dịch tại thời điểm đó là bất hợp pháp. Trong khi đó, DN mua hàng hóa, dịch vụ có đầy đủ hóa đơn, chứng từ như hợp đồng, biên bản giao hàng hoặc nghiệm thu, chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt... nghĩa là DN mua hàng hóa đủ điều kiện thì phải được khấu trừ thuế VAT đầu vào. Thế nhưng, nếu áp dụng Công văn 633, khi DN có hóa đơn trong nhóm giao dịch rủi ro (nghĩa là bị phát hiện hóa đơn bất hợp pháp) thì không chỉ không được hoàn thuế, thậm chí phải nộp phạt mà DN còn phải tự đi xác minh, giải trình với cơ quan thuế.

3. Bất cập hoàn thuế

Ở góc nhìn khác, một đại lý thuế tại TP.HCM cho biết, Công văn 633 có quá nhiều bất cập. Ví dụ, đối với việc hoàn thuế dự án đang trong giai đoạn đầu tư tại Khoản C, Mục 3 Điều 1 Nghị định 49/2022/NĐ-CP, yêu cầu DN phải cung cấp giấy phép con xác nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề có điều kiện.

Nhưng thực tế, DN chỉ xin được giấy phép này khi hoàn thành xây dựng và xin cấp phép đủ điều kiện để đi vào hoạt động kinh doanh. Vậy DN lấy đâu ra cái giấy “đủ điều kiện” đối với ngành nghề “có điều kiện” trong giai đoạn đang xây dựng dở dang? Đây rõ ràng là sự chồng chéo trong văn bản ban hành giữa các cơ quan hành pháp, thiếu sự nhất quán cho cùng một vấn đề - nên chăng có những thông tư liên tịch nếu vấn đề đó được quản lý, cấp phép bởi nhiều cơ quan cấp bộ khác nhau?

Một bất cập khác, đối với các DN thuê đất trong khu công nghiệp, có nhiều trường hợp DN đã trả trước tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê dài hạn nhưng tiến độ cấp sổ đỏ kéo dài, cũng là nguyên nhân DN bị từ chối hoàn thuế... trong khi lỗi này thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư cho thuê đất và các cơ quan hữu quan của Nhà nước chậm cấp sổ đỏ.

Ví dụ trên cho thấy, có quá nhiều bất cập chồng chéo trong luật, văn bản, công văn. Nhiều người ví bất cập đó chính là hệ quả của việc quản lý còn nhiều kẽ hở. Cứ DN đăng ký kinh doanh là cấp hóa đơn nên giờ đây mới rơi vào cảnh “lùa gà ra bắt”.

Về phía cơ quan thuế cũng không kiểm soát, xác minh nổi hóa đơn bất hợp pháp do chính cơ quan thuế đã cấp mã trước đã được phát hành và tại thời điểm đó cũng không xác định được là hóa đơn này có rủi ro. Như thế, hà cớ gì lại đẩy rủi ro đó cho DN bên mua hàng hóa dịch vụ phải gánh chịu?

hoan-thue.jpg

4. Một số kiến nghị

Đánh giá cao Chính phủ và Bộ tài chính đã rất linh hoạt kịp thời trong việc áp dụng chính sách giảm 2 % thuế VAT trong năm 2022 và năm 2023, góp phần giảm giá thành sản phẩm, kích cầu mua sắm, kích thích tiêu dùng, khuyến khích DN phát triển. Riêng việc hoàn thuế VAT đối với dự án đầu tư giúp cho DN có thêm nguồn tiền tái tục bổ sung cho giai đoạn đầu tư, sớm hoàn thành các dự án đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần vào ngân sách quốc gia, nhưng chuyên gia thuế Trần Văn Quang vẫn còn thấy nhiều bất cập và kiến nghị.

Thứ nhất, do các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan khác nhau có sự chồng chéo và thiếu tính đồng bộ; vô tình đẩy cả DN và cán bộ thuế vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Điển hình là còn một số tồn tại, bất cập ảnh hưởng đến điều kiện được hoàn thuế nêu tại Điểm c, Khoản 2, Điều 10 - 31/VBHN-BTC: “Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 13 Luật Thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng”.

Tại thời điểm giao dịch mua bán phát sinh, bên mua hàng không đủ thông tin để kiểm tra việc tuân thủ nghĩa vụ thuế của bên bán. Trước khi hóa đơn điện tử được xuất ra thì tình trạng thuế của bên bán vẫn thể hiện là đang hoạt động và bên bán hàng phải gửi hóa đơn lên hệ thống của Tổng cục Thuế để được cấp mã rồi mới phát hành cho bên mua. Nên hóa đơn được xuất ra là hợp lệ, khó có thể bắt doanh nghiệp mua hàng phải giải trình rồi loại bỏ hóa đơn này ra khỏi chi phí được.

Nghị định 49/2022/NĐ-CP có sửa đổi bổ sung nhưng chưa hoàn toàn làm rõ ý đã nêu ở Khoản 2 Điều 10 - VBHN 31 nêu trên vẫn gây nhầm lẫn trong quá trình thực thi chính sách và thủ tục hoàn thuế. Thực tế, nhiều giấy phép con chỉ được cấp phép trước khi DN đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó việc yêu cầu cung cấp giấy phép con trong giai đoạn dự án còn đang xây dựng chưa hoàn thành đi vào hoạt động, để làm điều kiện cần và đủ là quy định mà DN không thể nào đáp ứng hiện nay. Do đó, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, có nguy cơ suy thoái, nếu không kịp thời có những chính sách rõ ràng, cụ thể hơn nhằm tháo gỡ khó khăn, hướng đến “khoan thư sức dân” thì không thể nuôi dưỡng được nguồn thu.

Thứ hai, ngày 19/04/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg nhằm chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm tại các bộ, cơ quan, địa phương và của cán bộ, công chức; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành. Do vậy, nên chăng cần có quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của cán bộ thuế trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, để tránh việc “cào bằng” gây áp lực cho nhân sự ngành thuế phải xin nghỉ việc; cũng phần nào làm ảnh hưởng đến quá trình hoàn thuế cho DN.

Thứ ba, tăng hình phạt và mức phạt đối với các DN có hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp để mang tính răn đe và giảm thiểu tình trạng hóa đơn bất hợp pháp.

Thứ tư, ngành thuế cần có giải pháp để kiểm soát hóa đơn đầu vào hợp pháp ngay thời điểm cấp mã đối với hàng hóa DN phải có đầu vào trước khi bán ra, thì quy trình hoàn thuế sẽ được rút ngắn hơn

Cuối cùng, thiết nghĩ đã đến lúc cần có văn bản hợp nhất giữa các cơ quan liên bộ nhằm tháo gỡ, hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế nói chung và quy trình hoàn thuế nói riêng. Có như thế, bài toán hoàn thuế giá trị gia tăng mới được giải quyết triệt để.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp lại khổ vì... thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO