![]() |
Thê thảm, tàn tạ và hoàn toàn thiếu sinh khí. Đó là tất cả những gì người ta nói về đội tuyển quần vợt nam nước Nga tại Davis Cup 2012 khi họ trở về từ Sao Paulo với thất bại toàn diện 0-5 trước Brazil.
Đọc E-paper
![]() |
Vẫn biết rằng làm khách trên mặt sân đất nện ở Sao Paulo không phải là một thử thách dễ dàng gì, nhưng cái cách mà người Nga đầu hàng ở lượt trận play-off Davis Cup 2012 thực sự khiến rất nhiều người phải suy nghĩ.
Họ thua trắng cả 5 trận đánh đơn và đôi, và thậm chí chỉ thắng được duy nhất 1... set. Từ một đội từng hai lần vô địch Davis Cup trong vòng 10 năm qua (2002, 2006), họ phải xuống chơi ở nhóm 1 khu vực châu Âu.
Trong một bài phỏng vấn mới đây với hãng thông tấn RIA Novosti, Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Nga Shamil Tarpischev (kiêm đội trưởng của cả hai đội nam và nữ nước này) đã trần tình về thực trạng này. Theo ông, chính sự thiếu hụt về tài chính đã trở thành lý do căn bản khiến rất nhiều tay vợt rời bỏ quê nhà từ nhỏ để tập luyện và sống ở nơi khác.
Thất bại của đội tuyển quần vợt nam nước Nga thực ra cũng chẳng sốc lắm nếu biết rằng trong tốp 10 ATP bây giờ người Nga chỉ còn vỏn vẹn 5 tay vợt. Đã thế, trong số đó chỉ có duy nhất Mikhail Youzhny là nằm trong tốp 50 (hạng 25 ATP).
“Có 18 giải đấu, trong đó có cả Grand Slam và Miami. Nếu bạn thêm các giải đấu đồng đội nữa, thì có nghĩa là các tay vợt nhà nghề sẽ phải trải qua 34 - 36 tuần thi đấu quốc tế trong một năm. Thử ngồi tính toán xem sẽ tốn kém thế nào”, Tarpischev than thở.
Không giống như các môn thể thao khác, những tay vợt Nga phải tự trang trải chi phí của mình bởi không ai tài trợ cho họ về những khoản ấy. Riêng chi phí luyện tập của một tay vợt 16 tuổi cũng ngốn chừng 200.000 USD/năm, còn mức cho một tay vợt U14 là 50.000 USD/năm.
Vì những khó khăn tài chính, 90% những người theo đuổi quần vợt đã quyết định bỏ dở giữa chừng hoặc lang thang kiếm tiền thay vì phụng sự đội tuyển quốc gia.
Hiện tại có khoảng 13-15 tay vợt Nga đang đại diện cho màu cờ sắc áo của đội tuyển nước khác, bởi họ được đảm bảo những quyền lợi về tài chính, trong khi Nga lại không thể đảm bảo được yếu tố đó nên không thể ký cam kết với chính những tay vợt của mình.
Trong 6 năm gần nhất, Nga đã để lọt không ít tài năng trẻ vào tay Kazakhstan, như Mikhail Kukushkin, Andrey Golubev và Evgeni Korolev. Lý do: Kazakhstan có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng ủng hộ quần vợt.
“Quyết định ra đi thuộc về họ”, Tarpischev bất lực nói, “chúng tôi thà để họ đi để phát triển tài năng hơn là bị thui chột vì những lý do tài chính”.
Thất bại của đội tuyển Nga ở Davis Cup 2012 có nguyên nhân lớn từ việc tay vợt chủ lực Mikhail Youzhny vắng mặt. Anh nói với huấn luyện viên Boris Sobkin rằng mình không muốn tham dự và ông này đã thông báo lại với Tarpishchev như vậy.
Có một thực tế đáng buồn khác: các huấn luyện viên đều thích huấn luyện những tay vợt đã trưởng thành hơn là những gương mặt trẻ, bởi họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
Tarpischev đã ấp ủ kế hoạch xây 12 học viện đào tạo trẻ, nhưng kế hoạch ấy vẫn chỉ ở trên giấy tờ vì nó chẳng hề nhận được sự quan tâm. “Chúng tôi đã giành huy chương bạc và huy chương đồng ở Olympic, thế mà họ (Bộ Thể thao) cũng chẳng thèm quan tâm, chẳng thấy tự hào vì điều đó”.
Trong quá khứ, người Nga từng có một vị tổng thống “mê quần vợt như vodka” vậy. Ông là Boris Yeltsin, người đã chăm lo cho cả một thế hệ thành công của quần vợt nữ nước Nga cách đây nửa thập kỷ như Anastasia Myskina, Elena Dementieva, Kuznetsova và Sharapova.
Cũng trong giai đoạn ấy, quần vợt nam nước này cũng có những gương mặt cực kỳ đáng chú ý như Marat Safin và Nikolay Davydenko. Safin đã giải nghệ rất lâu, Davydenko sa sút phong độ vì tuổi tác, trong khi thế hệ kế cận không sản sinh ra một ngôi sao nào nữa.
Vì thế, người Nga đành ngậm ngùi khi đội tuyển nam của họ tiếp tục phải lặn ngụp ở hạng dưới và chỉ còn biết đặt niềm tin vào Sharapova, một cô gái, mà theo nhiều đồng đội đánh giá, là một sản phẩm của người Mỹ thì đúng hơn.