Premier League 2016: GS. Wenger giấu một bất ngờ?

THÁI VY| 31/08/2016 06:47

Trong bối cảnh nhiều dư luận trái chiều giữa kỳ chuyển nhượng cầu thủ mùa Hè, huấn luyện viên Arsene Wenger của Arsenal vẫn cho thấy ý định nhất quán trong việc đưa đội bóng trở lại ngôi vô địch Premier League.

Premier League 2016: GS. Wenger giấu một bất ngờ?

Trong bối cảnh nhiều dư luận trái chiều giữa kỳ chuyển nhượng cầu thủ mùa Hè, huấn luyện viên (HLV) Arsene Wenger của Arsenal vẫn cho thấy ý định nhất quán trong việc đưa đội bóng trở lại ngôi vô địch Premier League.

Đọc E-paper

Cuối tuần qua, truyền thông và mạng xã hội rộn ràng với thông tin Arsenal chiêu mộ hai cầu thủ là trung vệ Shkodran Mustafi (từ Valencia) và tiền đạo Lucas Perez (Deportivo La Coruna). Đây giống như một cơn mưa giữa trời oi bức, vì nó diễn ra trong bối cảnh các cổ động viên gần như mất kiên nhẫn với việc Arsenal khởi đầu tệ hại ở Premier League, trong khi các tin chuyển nhượng chỉ lởn vởn trước mặt cổ động viên như những chuyện phiếm.

Bất mãn

Trước khi Mustafi và Perez xuất hiện trên mặt báo gắn với cái tên Arsenal, cổ động viên đội bóng thành London đã "sôi sục" vì cho rằng HLV Wenger quá bảo thủ. Chiến lược gia người Pháp được gọi là "giáo sư”, với hiểu biết sâu sắc về kinh tế, nhưng ông lại mang kiến thức ấy ra để tự biến mình thành một gã keo kiệt.

Mâu thuẫn trong vấn đề chuyển nhượng giữa ông và cổ động viên lên tới đỉnh điểm vào ngày 22/8, khi mạng xã hội và báo Anh tràn ngập bức tâm thư của một người được cho là nhân viên của Arsenal. Anh này viết đơn từ chức với lý do muốn dành phần lương ít ỏi của mình để bổ sung vào quỹ chuyển nhượng của Arsenal!

Nhân viên này dẫn lại câu nói của ông Wenger rằng, ông không chi vì tiền của đội, và số tiền ấy cũng dùng để trả lương cho 600 nhân viên làm việc cho Arsenal. Nhưng nhân viên này khẳng định "giờ đây đội bóng còn 599 người", coi như đỡ một phần gánh nặng (!). Anh lập luận rằng mình nhận 7,2 bảng/giờ làm việc, và tính ra mỗi năm CLB chỉ phải trả cho anh 14.040 bảng. Con số này chỉ bằng 1/10 tiền lương tuần của tiền đạo Theo Walcott, người đang bị CLB chỉ trích do ghi bàn yếu kém nhưng vẫn được ông Wenger giữ lại thay vì bán đi và mua về một tiền đạo đẳng cấp.

Bức thư ấy đại diện cho sự khác biệt trong suy nghĩ giữa một HLV như Wenger và một cổ động viên thông thường. Ông Wenger không phải như các đồng nghiệp khác, chẳng những cầm quân mà còn hầu như trực tiếp tham gia vào chuyện tài chính của đội bóng. Đối với ông thầy 66 tuổi này, chuyện mua cầu thủ khác với việc ra siêu thị mua chiếc áo.

Còn với cổ động viên, mỗi mùa Hè, mùa Đông đồng nghĩa với cụm từ "tăng cường lực lượng". Nhất là khi nhìn sang các đội như Manchester United, Manchester City, Chelsea, Liverpool..., ai ai cũng rầm rộ mua sắm, đẩy tổng số tiền chuyển nhượng cầu thủ của cả giải Premier League kỳ này vượt mức kỷ lục 870 triệu bảng của năm ngoái. Phát biểu trước báo giới hôm 26/8, ông Wenger còn khẳng định các vụ chuyển nhượng sẽ cán mốc 1 tỷ bảng năm nay.

Tại sao Arsene Wenger lại cười?

Với người hâm mộ bóng đá Anh và Arsenal nói riêng, mùa giải này với đội "Pháo thủ” bê bết như một thảm họa, và sức nóng từ áp lực thành công đang lớn hơn bao giờ hết. Thế nhưng, một điều đặc biệt là Arsene Wenger luôn bình thản, tươi cười tại buổi tập của đội và dí dỏm trong cách đáp lại những câu hỏi của báo chí, cứ như là ông đang giấu một bất ngờ cho Arsenal.

"Nhìn vào mặt tôi này. Tôi có giống một người đang mua sắm một cách hoảng loạn không? Tôi đã luôn nói rằng đấy không phải vấn đề về con số. Bạn có tiền để dùng không? Bạn có chắc rằng bạn sẽ dùng nó hiệu quả không?" - ông Wenger trả lời báo chí ngày 26/8, kèm theo một nụ cười.

HLV Arsene Wenger trong một buổi tập của Arsenal - Nguồn: Getty Images

Trên thực tế, không may, bên cạnh kết quả là 12 năm nay Arsenal chưa có danh hiệu Premier League, thì mọi thứ không hoàn toàn chống lại họ. Mùa giải trước (2015) là lúc Arsenal chỉ chi 11 triệu bảng mua thủ môn Petr Cech từ Chelsea, hơi ít nếu biết hai mùa trước đó họ đều mỗi năm mua một ngôi sao danh tiếng (Mesut Ozil năm 2013, Alexis Sanchez 2014).

Tuy nhiên, năm ngoái lại là lúc họ có thứ hạng cao nhất trong chuỗi "trắng tay", cán đích thứ 2 ở Premier League sau Leicester City. Vậy, rõ ràng chuyện mua ngôi sao hay không đâu ảnh hưởng tới Arsenal.

Đó là một cách nghĩ lạc quan. Nếu lý giải thêm, có thể thấy việc ít mua ngôi sao sau giai đoạn vung tiền, về mặt tích cực sẽ giúp Arsenal có một đội ngũ ổn định và ăn ý với nhau hơn. Năm 2004, mùa cuối cùng Arsenal vô địch Premier League, họ sở hữu một đội hình toàn những cầu thủ chơi cùng nhau ít nhất 3, 4 năm. Mùa giải này khi không xáo trộn, các ngôi sao quen thuộc của Arsenal như Ozil, Sanchez, Giroud, Walcott, Ramsey, Wilshere, Coquelin, Koscielny... đều đạt ngưỡng kinh nghiệm tương tự khi đá cùng nhau.

Việc nghiêm túc đặt mua Mustafi và Lucas Perez với tổng số tiền hơn 50 triệu bảng tuần trước có thể là sự bổ sung cho Arsenal, nhưng có thể có giá trị cao hơn về mặt trấn an cổ động viên. Arsene Wenger đã cho thấy ông có thể chi tiền, nhưng vẫn giữ cách làm việc nhất quán là tạo ra một Arsenal đi lên cẩn trọng trong tài chính và ổn định ở chuyên môn.

Cách làm này dĩ nhiên khác xa phần còn lại ở Premier League, nơi cứ mỗi mùa chuyển nhượng lại là một kỷ lục về chi tiêu.

>Arsene Wenger: Nho gia hay doanh gia?

>Arsene Wenger nhận giải HLV xuất sắc nhất thập kỷ

> Đả bại Chelsea, thầy trò Wenger ngất ngây

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Premier League 2016: GS. Wenger giấu một bất ngờ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO