Hình mẫu cho cả thế giới

PHƯƠNG VY| 14/08/2012 05:15

Có thể người Anh chưa thể trở thành một siêu cường thể thao như Mỹ hay Trung Quốc, nhưng Olympic 2012 đã chứng minh họ có thể làm nên những điều tuyệt vời, từ công tác tổ chức cho đến những bước tiến vượt bậc về chuyên môn.

Hình mẫu cho cả thế giới

Có thể người Anh chưa thể trở thành một siêu cường thể thao như Mỹ hay Trung Quốc, nhưng Olympic 2012 đã chứng minh họ có thể làm nên những điều tuyệt vời, từ công tác tổ chức cho đến những bước tiến vượt bậc về chuyên môn.

Đọc E-paper

Bay cao về chuyên môn

Ngày thi đấu áp chót của Olympic, khi Mo Farah băng qua vạch đích để hoàn tất cú đúp huy chương vàng ở hai nội dung 5.000m và 10.000m, khán đài sân Olympic với 80.000 khán giả như muốn nổ tung với những âm thanh ầm ĩ chẳng khác gì một chiếc máy bay phản lực cất cánh.

Sáng hôm sau, tất cả các tờ báo thể thao ở xứ sương mù đều đưa anh ra trang bìa với những dòng tít đáng chú ý: “Bay, bay cao, Mo!”, “Người đàn ông đã đi vào lịch sử”, “Mo - động lực của chúng ta”... để ca ngợi thành tích của vận động viên gốc Somalie, giờ được sánh ngang với huyền thoại Tiệp Khắc cũ Emil Zatopek.

Với cú đúp của anh, đoàn chủ nhà đã xây chắc vị trí thứ ba bảng tổng sắp khi giành 29 huy chương vàng trong tổng số 65 huy chương các loại. Con số ấy thậm chí còn gần gấp đôi so với thành tích của Vương quốc Anh ở Bắc Kinh 4 năm trước (19 huy chương vàng). Trước đó người Anh cũng chỉ đặt mục tiêu giành 48 huy chương các loại, nhưng mới đến ngày thi đấu thứ 11 họ đã đạt cột mốc ấy.

Mo Farah chưa thể sánh với Sir Chris Hoy, vận động viên người Anh vĩ đại nhất trong lịch sử Olympic (6 huy chương vàng, 1 huy chương bạc) về mặt thành tích. Nhưng thành công của anh trên đường chạy điền kinh có ý nghĩa đặc biệt bởi đây là môn thể thao cơ bản của Olympic.

Người Anh vốn rất mạnh trong đua thuyền, đua xe đạp lòng chảo, đua ngựa..., nhưng với điền kinh thì bây giờ họ mới tìm được một thần tượng đích thực. Bởi thế, không ngạc nhiên khi có người đã gọi Mo Farah là ông vua mới của người Anh tại Olympic, còn Jessica Ennis, nữ vận động viên giành huy chương vàng 7 môn phối hợp, được gọi là nữ hoàng mới.

Xét về mặt chuyên môn, người Anh đã có một kỳ Thế vận hội thành công nhất trong suốt 104 năm qua kể từ khi họ về thứ ba tại Olympic 1908 cũng được tổ chức tại London. Đó là thành quả từ những nỗ lực tuyệt vời, bởi ngoài các môn thế mạnh đã kể trên, người Anh còn cải thiện đáng kể thành tích của mình trong các môn như boxing, bắn súng, canoeing và taekwondo.

Đơn cử như tại môn quyền Anh, đoàn chủ nhà đã giành 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng, thành tích tốt nhất kể từ năm 1908 (giành 14 trên tổng số 15 bộ huy chương môn boxing), trong đó có chiếc huy chương vàng hạng siêu nặng của Anthony Joshua. Việc Andy Murray quật ngã Roger Federer để giành huy chương vàng quần vợt nam cũng là một thành tích rất đáng nói.

Đáng phục về công tác tổ chức

Thể thao Vương quốc Anh đạt thành công vang dội

Cách đây đúng một năm, một vụ bạo loạn lớn đã bùng phát tại London, làm dấy lên những lo ngại về sự an toàn của Olympic 2012.

Thế nhưng, sau những gì đã diễn ra suốt 17 ngày qua, có thể thấy nước chủ nhà đã làm quá tốt công tác tổ chức, từ việc đảm bảo an ninh, chuẩn bị cơ sở vật chất cho đến thái độ phục vụ nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ tình nguyện viên, hướng dẫn viên.

Tất cả mọi việc đều diễn ra hết sức suôn sẻ: từ lễ rước đuốc trước ngày khai mạc cho đến đoàn marathon ở ngày thi đấu cuối cùng.

Thành công lớn của người Anh không chỉ được thể hiện qua những tấm huy chương, mà còn thông qua việc họ đã khuấy động không khí London với sự sôi động thực sự của ngày hội Olympic. Hàng triệu người Anh đã dõi theo Olympic, các sân vận động chật kín người, số lượng vé phát hành đã bán hết trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục.

Thậm chí, có những cổ động viên tỏ ra giận dữ khi thấy còn một số chỗ trống do các quan chức thể thao của các đội không ngồi, nhưng lại không thể bán vé.

London 2012 là kỳ Olympic tốn kém nhất trong lịch sử, với tổng chi phí xấp xỉ 14,8 tỷ USD, cao hơn Barcelona 1992 (11,4 tỷ USD), trong khi Bắc Kinh 2008 dù cũng có quy mô lớn nhưng chưa công bố cụ thể chi phí.

Theo Thủ tướng David Cameron, khả năng thu hồi vốn trong vòng 4 năm tới là rất cao, khi những tác dụng về kinh tế và thương mại hậu Olympic đã được thể hiện rõ ràng. Hơn thế nữa, Olympic 2012 cũng là dịp để người Anh nâng cấp cơ sở hạ tầng của nước mình, nhất là tại khu vực Đông London, nay được gọi là Công viên Olympic.

Trước đây, khu vực này bị bỏ hoang với nhiều nhà xưởng đổ nát, nay đã được quy hoạch rất đẹp, với cơ sở hạ tầng cực tốt, cùng một môi trường sinh thái đảm bảo mục tiêu “xanh” nhất có thể.

Những thành công đó đã đặt ra thách thức lớn cho Rio de Janeiro, nơi tổ chức Olympic 2016, đồng thời cũng là bài học để mọi quốc gia noi theo khi muốn đăng cai tổ chức một đại hội thể thao lớn. Bởi dù gì tư bản Anh vẫn là lọc lõi thuộc hàng số 1!

10 nước dẫn đầu trên bảng xếp hạng huy chương
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hình mẫu cho cả thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO