"Giấc mơ" Ronaldo của bóng đá Trung Quốc

GIANG LANG| 09/03/2017 09:01

Tại Trung Quốc, trong thế giới mạng, Cristiano Ronaldo là cầu thủ thống trị giới cổ động viên. Bóng đá Trung Quốc cũng đang rất khao khát một Ronaldo hoặc một Lionel Messi.

Tại Trung Quốc, trong thế giới mạng, Cristiano Ronaldo là cầu thủ thống trị giới cổ động viên. Bóng đá Trung Quốc cũng đang rất khao khát một Ronaldo hoặc một Lionel Messi.

Đọc E-paper

Ngày cuối cùng của tháng 2 không có diễn biến nào đặc biệt như các cổ động viên (CĐV) Trung Quốc kỳ vọng. Wayne Rooney, một trong những cầu thủ nổi tiếng nhất thế giới hiện tại, khẳng định anh không chuyển tới China Super League - giải vô địch cao nhất của Trung Quốc.

Ronaldo và Manchester United

Thông tin về Rooney, đội trưởng Manchester United (M.U) hẳn sẽ khiến nhiều CĐV buồn. Đơn giản vì M.U là đội bóng số 1 về số lượng người hâm mộ tại quốc gia hơn 1,3 tỷ dân này.

CNN tuần trước dẫn khảo sát hằng năm của Hãng Mailman cho thấy M.U (Anh) đã vượt mặt Bayern Munich (Đức) để trở thành đội bóng có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với người hâm mộ bóng đá Trung Quốc, bất chấp giải vô địch Đức Bundesliga vẫn xếp trên giải Anh Premier League.

Báo cáo có tên Red Card của Mailman cũng cho thấy, hai cầu thủ M.U chiếm vị trí trong tốp 5 danh thủ bóng đá nổi bật nhất tại Trung Quốc gồm Rooney và Anthony Martial. Trong ba người còn lại, Cristiano Ronaldo xếp vị trí đầu tiên, tiếp theo là Mesut Ozil - tiền vệ của Arsenal (Premier League) và Gareth Bale - tiền đạo của Real Madrid.

Mailman cho biết đã phân tích tầm ảnh hưởng của 53 đội bóng tại châu Âu và các cầu thủ của họ, theo 8 chuẩn đo đếm khác nhau như lượng người theo dõi qua mạng xã hội, sự xuất hiện trước công chúng cũng như thông qua truyền thông, các phương tiện kỹ thuật số.

Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi Bundesliga không có cầu thủ nổi bật nhưng là giải đấu có tầm ảnh hưởng nhất vì đây là giải duy nhất được tường thuật trực tuyến qua mạng xã hội (livestream) ở Trung Quốc. Trong khi đó, Ronaldo vốn dĩ là cầu thủ lập kỷ lục về lượt theo dõi trên Facebook, và cũng từng khoác áo M.U lẫn Real Madrid hiện nay. Mức độ nổi tiếng trên mạng của cầu thủ 32 tuổi vì thế cao gấp cả chục lần so với Mesut Ozil ở vị trí thứ hai.

>>Ronaldo - người tạo ra một thế hệ

Giấc mộng bóng đá đỉnh cao

Trung Quốc hiện nay được đánh giá là thị trường thể thao (theo cả nghĩa đen lẫn bóng) tiềm năng bậc nhất thế giới. Bên cạnh đó dẫu không phổ biến, cả Facebook lẫn Twitter (do quy định của luật pháp), các mạng xã hội trong nước đình đám như Weibo cũng phát triển bùng nổ và tạo ra thị trường internet khổng lồ cho việc quảng bá bóng đá tại đây.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển thể thao mạnh mẽ, trong đó riêng đội tuyển Trung Quốc mang nhiệm vụ trở thành "siêu thế lực" ở môn bóng đá vào năm 2050. Vì vậy, nhiều năm gần đây giải China Super League tha hồ được tạo điều kiện thu hút quảng cáo và thực hiện các bản hợp đồng "bom tấn".

Việc chiêu mộ tiền vệ Oscar (Chelsea) và Carlos Tevez (Boca Juniors) xác lập kỷ lục tổng cộng 451,3 triệu USD cho việc mua cầu thủ ngoại của các đội Trung Quốc trong năm 2016. Hồi tháng 12 năm ngoái, người đại diện Jorge Mendes của Ronaldo từng tiết lộ một đội bóng giấu tên ở Trung Quốc đã hỏi mua ngôi sao người Bồ Đào Nha với giá... 316 triệu USD.

Việc thâu tóm cầu thủ thành danh ồ ạt của Trung Quốc quá tốn kém, nhưng đó được cho là phục vụ một cách nhanh nhất có thể cho kế hoạch 2050 nêu trên. Simon Chadwick - một giáo sư nghiên cứu doanh nghiệp thể thao tại Đại học Salford nói với kênh Sky Sports rằng hiện nay Trung Quốc không cần thiết tiếp tục vung tiền cho những cái tên lớn trên thế giới nữa.

Thực tế, giới lãnh đạo bóng đá Trung Quốc đã sửa đổi luật của giải về việc giới hạn mỗi đội có 4 cầu thủ ngoại thay vì 5 như trước. Đây có thể xem là bước đi thứ hai nhằm tạo điều kiện cho cầu thủ bản địa được đá, trong lúc vẫn có ít nhất 4 cầu thủ ngoại đẳng cấp chơi cùng để nâng cao trình độ.

"Lý do chính về việc thay đổi lượng cầu thủ ngoại là Trung Quốc đang nỗ lực phát triển tài năng trẻ. Trung Quốc muốn trong 5 hay 10 năm nữa có một đội hình xuất phát với toàn cầu thủ người Trung Quốc. Tất nhiên trong thời gian ngắn ấy, điều này rất khó, do Trung Quốc đơn giản không có tài năng. Nhưng từ lúc này, ý định của Trung Quốc sẽ là "tự sản xuất"  những Ronaldo hoặc Messi của riêng họ. Các đội cũng sẽ kiên trì với ý tưởng ra sân toàn cầu thủ nội, và họ sẽ tiếp tục để chơi cho đội tuyển quốc gia" - ông Simon Chadwick nói.

Lần duy nhất Trung Quốc lọt vào một vòng chung kết World Cup là năm 2002, tổ chức ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng một điểm sáng mở ra, là World Cup sẽ mở rộng lên 48 đội kể từ năm 2026.

>>Bóng đá Trung Quốc vẫn "ăn xổi"?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Giấc mơ" Ronaldo của bóng đá Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO