Chọn đội tuyển cũng như chọn câu lạc bộ

THÁI DUY| 22/04/2018 00:51

Đối với những cầu thủ như Leon Bailey của Bayer Leverkusen, việc lựa chọn đội tuyển giờ cũng giống như chọn... câu lạc bộ thi đấu vậy.

Chọn đội tuyển cũng như chọn câu lạc bộ

Leon Bailey, một trong những ngôi sao trẻ của bóng đá thế giới. Ảnh: Getty

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Andriy Shevchenko thi đấu cho tuyển Ý, hoặc Dwight Yorke và Mohamed Salah đá cho đội tuyển Anh?

Nếu khả năng giành được danh hiệu EURO hay World Cup xem ra không thể đoán được, thì việc họ tham dự và tỏa sáng ở các kỳ đại hội thể thao lớn cũng khiến cổ động viên thích thú hơn. Với Shevchenko hay Yorke, đội tuyển Ukraine hay Trinidad và Tobago không thể là bệ phóng.

Lựa chọn của Bailey

Sinh ngày 9/8/1997, Leon Bailey hiện là một trong những cầu thủ trẻ hứa hẹn nhất thế giới. Mới đây còn xuất hiện thông tin nói rằng Manchester City - tân vô địch Premier League, dự tính ký hợp đồng với anh. Rõ ràng với tuổi trẻ và tài năng - tiềm năng được chứng thực, Bailey có quá nhiều sự lựa chọn. Thậm chí, anh còn có thể chọn... đội tuyển quốc gia.

Năm Bailey 12 tuổi, anh đã được đội tuyển Jamaica đưa ra cầu trường quốc tế. Nhưng theo luật của Liên đoàn bóng đá Thế giới (FIFA), việc khoác áo lứa trẻ của một quốc gia không đồng nghĩa sẽ đá cho đội tuyển quốc gia ấy. Bailey đơn giản vẫn có thể lựa chọn một màu áo khác khi đá cho "đội lớn", và hứng chịu những chỉ trích về việc không yêu quê hương.

Nhưng đối với Bailey, một cầu thủ nổi lên từ Genk của Bỉ và giờ là Leverkusen ở Đức, việc anh là ai không đơn thuần bị quyết định ở chỗ anh đến từ đâu, và mặc lên mình một chiếc áo thi đấu không phải là cách duy nhất để "vẫy một ngọn cờ tổ quốc".

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Jamaica, ông Michael Ricketts, khẳng định đội tuyển quốc gia nước này "rất vui" nếu Bailey tham gia đội tuyển. Tại Bỉ, các quan chức bóng đá cấp cao cũng tiến hành kiểm tra xem liệu Bailey có đủ điều kiện đá cho đội tuyển hay không.

Từ nước Anh, nhiều người cũng phấn khích với ý tưởng rằng hóa ra Bailey cũng có cha ông người Anh, và lập tức gửi người đến "xem giò” cầu thủ này. Còn ở Đức - vốn thường xuyên sử dụng cầu thủ người Brazil và châu Phi cũng như Áo, Ba Lan..., cũng có thể là điểm đến cho Bailey.

Giờ thì tất cả tùy thuộc vào Bailey. Anh từng nói về vấn đề này như sau: "Dĩ nhiên, nếu có gì đó diễn ra với tôi, tôi sẽ cân nhắc. Trong bóng đá, số năm tháng bạn cống hiến rất ít, và tôi không thể đợi cả đời để chơi cho một đội tuyển".
Cầu thủ chạy cánh này có quan điểm rất rõ ràng về chuyện bóng đá và màu cờ dân tộc.

Anh khẳng định mình "100% là người Jamaica", và chuyện đá cho đội tuyển nào không phải yếu tố quyết định tới bản sắc của chính anh ấy. "Nếu chơi cho tuyển Đức, điều này không có nghĩa là tôi không yêu đất nước của mình. Các bạn biết rằng tôi vẫn là người Jamaica. Đó là nơi tôi sinh ra mà”.

Link bài viết

Đào sâu khoảng cách

Trường hợp của Bailey không khác lắm so với Raheem Sterling, cầu thủ của Manchester City đã lựa chọn đội tuyển Anh thay vì Jamaica. Trong mắt Bailey, rõ ràng, một cách thực dụng, đá cho tuyển Anh thì cơ hội tỏa sáng cao hơn Jamaica, vả lại "đời cầu thủ đâu có bao nhiêu năm".

Trong thế giới bóng đá, từ khi những huyền thoại về Alfredo di Stefano được viết lên hai màu áo Argentina và Tây Ban Nha, tất cả các cầu thủ sau này đều bị ràng buộc với điều kiện đã đá cho một đội tuyển thì không được khoác áo đội tuyển khác nữa.

Điều đó tạo nên bi kịch cho những cầu thủ xuất chúng như Shevchenko, Yorke, và thậm chí cả Zlatan Ibrahimovic (Thụy Điển). Nó khiến nhiều cầu thủ trở nên "rụt chân" hơn, phải suy tính nhiều hơn về đội tuyển quốc gia. Có hai trường hợp thường xuất hiện.

Đầu tiên, một số cầu thủ "biết thân biết phận" sẽ chọn đội tuyển yếu hơn, nơi mình đang sinh sống và đá bóng cho câu lạc bộ, để có thể tham dự World Cup - hoặc đơn giản là trải nghiệm cảm giác đá cho một đội tuyển quốc gia. Alessandro dos Santos, cầu thủ sinh năm 1977, đã không cạnh tranh một suất khó khăn trong đội tuyển Brazil để làm gì. Thay vào đó anh gắn bó luôn cuộc sống của mình ở Nhật Bản, và được yêu mến trong đội tuyển quốc gia, được đá World Cup dưới cái tên Alex.

Ở trường hợp thứ hai, việc "luân chuyển" khiến các đội tuyển quốc gia yếu hơn càng khốn đốn thêm, và đó là vấn đề mang tính giai đoạn. Lấy ví dụ cách nay 20 năm, được là một "tiền đạo đội tuyển Brazil" là thứ mà thậm chí các "vua phá lưới" ở Bundesliga (Đức) như Giovanni Elber (Bayern Munich) hay Marcio Amoroso (Dortmund) còn không dám nghĩ tới. Ở Brazil khi ấy đã có Ronaldo, Rivaldo, Romario, Adriano...

Nhưng giai đoạn gần những năm 2010, bóng đá Brazil xuống dốc và thậm chí không có một tiền đạo đẳng cấp nào, một cầu thủ cỡ Diego Costa cũng là hàng hiếm. Nhưng trong lúc ấy, Tây Ban Nha mới là bá chủ bóng đá thế giới, khiến Costa chọn Tây Ban Nha (nơi anh gắn bó với Atletico Madrid) hơn là Brazil.

Nói vậy để thấy rằng, sự "hút máu" không chỉ diễn ra ở cấp độ câu lạc bộ. Bản thân các đội tuyển mạnh cũng thu hút người tài, và họ chỉ càng mạnh thêm mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chọn đội tuyển cũng như chọn câu lạc bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO