Bóng đá Trung Quốc không còn là thiên đường?

THÁI VY| 01/04/2018 07:00

Với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ về thuế và quy định đầu tư, Chính phủ Trung Quốc đang hướng tới sự phát triển bóng đá bền vững hơn.

Bóng đá Trung Quốc không còn là thiên đường?

Điều kiện lúc này có vẻ chưa cho phép các câu lạc bộ Trung Quốc đưa về Cristiano Ronaldo - Ảnh: Reuters

Tuần trước, Chủ tịch CLB Real Madrid - ông Florentino Perez - đã phải lên tiếng về tin đồn siêu sao Cristiano Ronaldo đang được liên hệ chuyển đến Trung Quốc thi đấu. Nhưng điều đó phần nào cho thấy, Giải vô địch bóng đá Trung Quốc - Chinese Super League (CSL), nếu có dính tới tin đồn chiêu mộ những cầu thủ tốt nhất thế giới thì cũng không còn là chuyện xa lạ. Có điều, chuyện ấy đã thay đổi.

Thời khép cửa

Tháng 1/2018, tiền đạo Carlos Tevez gây ra một "cơn bão" trên các mặt báo thể thao, sau khi mô tả thời gian 7 tháng của anh tại Trung Quốc là "một kỳ nghỉ”. Đó chẳng khác nào một cái tát vào mặt giới lãnh đạo bóng đá ở Trung Quốc và Shanghai Shenhua nói riêng - những người trả cho anh 40 triệu USD cho tổng cộng... 4 bàn thắng.

Cái kết không hạnh phúc của Tevez có lẽ cũng diễn tả sự chấm dứt của chuỗi ngày CSL sắm vai "thiên đường nghỉ dưỡng" của bóng đá thế giới.

Trước đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi cải cách bóng đá quốc gia nhằm biến Trung Quốc thành một siêu cường của môn thể thao này, và thậm chí đặt mục tiêu vô địch World Cup. Mong muốn ấy song hành cùng chính sách khuyến khích các câu lạc bộ bóng đá Trung Quốc đầu tư, lôi kéo cầu thủ giỏi từ khắp nơi trên thế giới về CSL, mà dĩ nhiên Tevez với mức lương khoảng 634.000 bảng/tuần là điển hình.

Nhưng tin xấu đã đến từ giữa năm ngoái, thời điểm những quy định mới về việc hạn chế "nhập khẩu cầu thủ” được ban hành. Chính phủ Trung Quốc trong chiến lược kiểm soát việc chảy tiền ra nước ngoài, đã áp đặt mức thuế 100% đối với các thương vụ chuyển nhượng có giá trị trên 45 triệu nhân dân tệ (7 triệu USD).

Điều này hẳn nhiên khiến các câu lạc bộ trong nước không thể tiếp tục dùng tiền để chiến thắng nhóm đội bóng hàng đầu châu Âu ở lĩnh vực chuyển nhượng. Khi chốt kỳ chuyển nhượng cuối tháng này ở Trung Quốc, các câu lạc bộ đã chi 86 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức 500 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

Link bài viết

Chậm, chắc hay rối tung?

Việc Trung Quốc "phá giá” cầu thủ dĩ nhiên mang lại gánh nặng tài chính cho bản thân các câu lạc bộ ở đất nước họ. Tình trạng chi tiêu mức độ cao trong thời gian dài cũng hứa hẹn tạo ra nguy cơ mất cân bằng tài chính, mà đây vốn là điều các đội bóng châu Âu đã trải qua và đang khắc phục.

Báo South China Morning Post phân tích, kể cả khi Chủ tịch Tập Cận Bình có thể duy trì vị thế lãnh đạo lâu dài, thì con tính dài hạn hơn nữa vẫn cần được các đội bóng CSL cân nhắc. Đơn giản, chẳng may người kế nhiệm ông Tập không có được tình yêu thể thao như vậy, và chặt chẽ hơn nữa với tài chính bóng đá thì sao?

Khi khuyến khích các đội bóng trong nước đầu tư để cạnh tranh cầu thủ đẳng cấp quốc tế với châu Âu, chính quyền Trung Quốc dĩ nhiên muốn tận dụng tên tuổi và tài năng của các ngôi sao ấy để giúp đỡ bóng đá trong nước. Một mặt, nó sẽ khiến hình ảnh của giải đấu "lung linh" hơn, cổ động viên đến sân đông hơn, mặt khác, việc được thi đấu cùng các ngôi sao bóng đá quốc tế sẽ giúp cầu thủ trẻ của Trung Quốc cọ xát và tiến bộ nhanh hơn.

Về điểm này, rõ ràng việc hạn chế chi tiêu vô tội vạ cũng như khống chế số lượng tối đa cầu thủ nước ngoài, là việc làm cần thiết nếu biết rằng tài năng trẻ Trung Quốc không thể cạnh tranh suất đá chính với các ngôi sao thế giới. Tựu trung, luật thuế mới của Trung Quốc là cách thức chính phủ định hướng phát triển bóng đá bền vững hơn sau giai đoạn đánh bóng tên tuổi.

Nhưng theo chiều ngược lại, việc đột nhiên áp thuế đã tạo ra tác động tiêu cực lên CSL. Tiền bản quyền truyền hình các trận CSL đã giảm 30%, và tạo ra mối lo về sự phát triển của bóng đá Trung Quốc sau nhiều năm tăng trưởng. Cho đến giờ, CSL vẫn giữ mức khán giả tới sân trung bình cao hơn các trận tại Ý, Pháp và Hà Lan.

Hou Po - một đối tác tại Hãng Deloitte đang tư vấn cho giải CSL - nhận định: "Trong ngắn hạn, các quy định mới sẽ hạ thấp chất lượng giải đấu ở một chừng mực nào đó. Vậy nên các nhà đầu tư đang có chút gì đó mất bình tĩnh".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bóng đá Trung Quốc không còn là thiên đường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO