Bài học phát triển từ Monaco và Southampton

THÁI VY| 02/08/2017 06:43

Trong một thế giới bóng đá đang chứng kiến những cú chuyển nhượng điên rồ, Monaco và Southampton giống như đang "chảy máu tài năng", nhưng thực chất họ đang dạy các đội bóng lớn một bài học.

Bài học phát triển từ Monaco và Southampton

Trong một thế giới bóng đá đang chứng kiến những cú chuyển nhượng điên rồ, Monaco và Southampton giống như đang "chảy máu tài năng", nhưng thực chất họ đang dạy các đội bóng lớn một bài học. 

Đọc E-paper

Những ngày này, giới thạo tin chuyển nhượng cầu thủ đang bàn tán về trường hợp Kylian Mbappe, tiền đạo chưa đầy 19 tuổi của Monaco. Mbappe có thể sẽ phá sâu kỷ lục 89 triệu bảng của Paul Pogba nếu thực sự Real Madrid chi 161 triệu bảng (khoảng 180 triệu euro) đưa anh này về sân Bernabeu.

Còn Monaco thì sao? Nếu bán Mbappe, có lẽ đội bóng Công quốc sẽ lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu với tư cách "vua bán máu". Chỉ trong mùa hè này, họ đã thu 173,5 triệu euro cho 7 cái tên ra đi. Trường hợp của Monaco diễn ra quá chóng vánh sau mùa giải thành công với chức vô địch Ligue 1 và thành tích ấn tượng tại Champions League. Nhưng nó cũng tương tự những gì Southampton đã trải qua sau vài mùa bóng gây tiếng vang ở Premier League.

Còn lâu Monaco mới "chết"

Cũng như Leeds trước kia, Monaco được đầu tư mạnh mẽ của nhà tài phiệt Nga Dmitry Rybolovlev. Trong năm 2013, Monaco tung tiền như nước, với 165 triệu euro cho ba cái tên "hot" bậc nhất thời điểm ấy là Radamel Falcao, James Rodriguez và Joao Moutinho. Tiếp theo, Monaco vẫn đều đặn chi những số tiền nhỏ hơn một chút, ví dụ cho Geoffrey Kondogbia từ Sevilla.

Nhưng Monaco không chỉ có thế. Đội chủ sân Louis II tận dụng nguồn tài chính và hình ảnh "miền đất hứa" đã xây dựng năm 2013 ấy để hút mọi tài năng trẻ.

Tính ra, những siêu sao của đội hiện nay, từ Anthony Martial đã bán sang Manchester United hai năm trước, cho đến hàng loạt cái tên như Lemar, Mbappe, Bakayoko, Mendy... đều được Monaco hút về ở độ tuổi rất trẻ và rèn luyện cho đến khi đạt mức giá cao nhất.

Hóa ra, chiến lược của Monaco rất rõ ràng: thay vì chi tiền tấn như Paris Saint-Germain, họ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và đội ngũ tuyển trạch viên.

Viên gạch quan trọng nhất là giám đốc học viện trẻ Bertrand Reuzeau, người mà Monaco đã kéo về sau 11 năm ông này gắn bó với chính Paris Saint-Germain. Ông tiết lộ rằng tại Monaco, cầu thủ luôn được cho xem lại thông số kỹ thuật và băng ghi hình thông qua điện thoại thông minh, để từ đó cố gắng sửa đổi và phù hợp hơn.

>>Bóng đá châu Âu rối loạn vì các "siêu cò”

Monaco, thừa tiền, nhưng sau đợt xuống hạng trong quá khứ, đã kiên trì với lối đi mới dựa trên cầu thủ của lò đào tạo, thay vì tiếp tục vung tiền cạnh tranh vô vọng với Barcelona hay Real Madrid cho các thương vụ lớn. Reuzeau nói thẳng rằng sớm muộn gì các cầu thủ cũng phải rời Monaco với mức giá cao, nhưng "chúng tôi chỉ cho họ thấy thông số của những cầu thủ Pháp rời nơi đây từ sớm để tới Anh, mà thường đó là thủ thuật đấy".

Khi ý thức rằng mình không thể giữ được nhân tài, Monaco chọn cách cho cầu thủ thấy "tấm gương" của những kẻ quá nóng vội rời nơi đây. "Lúa chỉ vừa chín" để đáp ứng mức giá Monaco mong muốn là cầu thủ phải chơi khoảng 100 trận cho đội, y như Thierry Henry, Lilian Thuram hay Emmanuel Petit ngày xưa vậy. Và khi đã bán có lãi, Monaco lại tái đầu tư, thì "chết" làm sao được!

Southampton: biết người biết ta

Nếu Monaco hoạt động ở đẳng cấp cao hơn, thì Southampton ở Anh có thể là hình mẫu cho những "doanh nghiệp vừa và nhỏ” trong bóng đá. Đội bóng này khó đạt đẳng cấp cao nhất giải, nhưng ngày ấy có thể chờ, chứ không phải giấc mộng vượt quá khả năng.

Giống Monaco, Southampton sau khi xuống hạng giữa những năm 2000 đã trở lại với một triết lý bền vững. Trong 10 năm nay, họ đã xây dựng một hệ thống đào tạo đáng mơ ước, nơi Theo Walcott, Oxlade-Chamberlain, Gareth Bale, Luke Shaw, hay ngày nay là James Ward-Prowse và Matt Targett đã bước ra ánh sáng.

Không có tiền trong tay, Southampton khổ hơn Monaco ở chỗ phải mất nhiều năm theo đuổi để hoàn thiện giấc mơ trở lại Premier League bằng chính những mầm non của mình.

Bí mật trong thành công ấy là bài học về sự kiên định, chỉ tuyển mộ những người họ cho là có thể đáp ứng "đường lối của Southampton". Cựu giám đốc tuyển mộ Paul Mitchell trong một cuộc phỏng vấn năm 2014 nói về đối tượng phù hợp với Southampton: "Anh ta phải là một vận động viên, anh ta phải di chuyển, gắn kết với môi trường và những thông tin mà Southampton gửi để phục vụ sự nghiệp của anh ta".

Rất đơn giản, đội ngũ tuyển trạch của Southampton đi khắp nơi, bỏ qua những tài năng đã bị đội giá trên mặt báo. Thay vào đó lấy "đường lối của Southampton" áp vào các mục tiêu để thương lượng. Việc này khiến lựa chọn của họ bị hạn chế, tuy nhiên nó giúp những người được chọn không khó khăn để hòa nhập tự nhiên vào đội. Và chính vì thế, cứ hết lớp cầu thủ ngôi sao mới nổi bị bán đi, thì lớp kế tiếp tiến lên một cách mượt mà, không có khoảng trống trong đội hình.

Southampton dùng tiền bán cầu thủ để làm gì? Tất cả dồn vào cơ sở vật chất, học viện, và những màn tuyển mộ cầu thủ trẻ mỗi mùa...

>> Bóng đá Anh đang đem về cả tỷ USD cho ngành du lịch

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài học phát triển từ Monaco và Southampton
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO