Theo tính toán thì năm 2020, giới trung lưu tại thành thị Trung Quốc sẽ chiếm 50% và đi kèm với đó là sức mua từ những người mới giàu lên tăng chóng mặt. Và con rồng châu Á đang chuyển mình từ “công xưởng toàn cầu” sang ngành dịch vụ với giá trị hàng tỷ USD.
Hơn 5 thế kỷ trước Christopher Columbus đã từng viết Trung Quốc sẽ là trung tâm giao thương vô hạn. Nhưng Columbus đã không thể đặt chân đến miền đất hứa để biết rằng lúc đó Trung Quốc có nhiều người nghèo đến mức không có được bất cứ thứ gì trên đời.
Nhưng hiện tại có vẻ như Trung Quốc đang có sự thay đổi rõ rệt với sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu. Trong năm 2010, người tiêu dùng “chủ đạo” – là những người có khả năng mua xe, tủ lạnh hay điện thoại, nhưng không phải là những chiếc Rolls-Royces - chỉ chiếm 1/10 số hộ gia đình ở thành thị.
Trong dự báo mới nhất của mình, hãng tư vấn chiến lược McKinsey cho rằng con số có thế lên tới 50% vào năm 2020. Còn hãng BCG (Boston Consulting Group) thì tính toán rằng chi tiêu của người dân đô thị sẽ tăng từ 3,2 nghìn tỷ USD năm 2015 lên 5,6 nghìn tỷ USD vào năm 2020.
Còn hãng Apple thì thi vọng rằng Trung Quốc sớm trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn hơn cả thị trường Mỹ. Tổng kết tình hình kinh doanh quý vào cuối tháng 6/2015 vừa qua, doanh số bán hàng của Apple ở Trung Quốc tăng 112% so với cùng kỳ năm trước.
Cứ 10 cửa hàng bận rộn nhất của Apple thì có 6 cửa hàng đặt tại Trung Quốc. Mặc dù thời gian gần đây Trung Quốc gặp nhiều khủng hoảng nhưng ông chủ Apple, Tim Cook vẫn trấn an các nhà đầu tư rằng Trung Quốc chính là cơ hội lớn chưa từng có đối với hãng trong dài hạn.
Kênh đầu tư nào hiệu quả nhất Trung Quốc?
Trong khi bờ Đông giàu có dường như là một thị trường đã bão hòa thì các công ty nên tập trung hướng vào thị trường sâu trong đại lục. Hãng nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) gần đây đã xác định chính xác những thành phố mới nổi hấp dẫn nhất dựa trên dự báo liên quan đến tốc độ tăng trường dài hạn về dân số và thu nhập.
Và hãng này đã phát hiện những thành phố bên trong lục địa như Trùng Khánh hay Thành Đô thực sự hấp dẫn, nhưng những "thành phố của hi vọng” vẫn còn nằm chủ yếu ở bờ Đông.
Cũng nhờ có tầng lớp trung lưu được mở rộng mà Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển không ngừng. Một số người có thể phát chán với những hàng hóa xa xỉ, nhưng hàng triệu người khác sẽ cố gắng để mua lấy một món đồ mác hàng hiệu phương Tây trong năm nay.
Phân đoạn thị trường hàng hiệu không chỉ chia theo độ tuổi mà còn theo vùng, thậm chí ngay trong cùng 1 thành phố. Donald Blair, đại diện của Nike cho biết, hãng này còn nghiên cứu hành vi người tiêu dùng qua việc họ mua sắm ở từng quận và thậm chí ở từng con phố, nhờ đó mà họ có thể cung cấp nhiều dịch vụ tương thích với từng nhóm khách hàng.
Một trong những ngành được lợi khác chính là thương mại điện tử ở Trung Quốc, thị trường còn lớn hơn ở Mỹ. Giá trị hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử ước tính vượt qua mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2019. Bên ngoài những cửa hiệu trang hoàng lộng lẫy thì thương mại điện tử ở quốc gia này vẫn đóng vai trò rất quan trọng.
Ngay cả đối với những cửa hàng dễ tiếp cận, có nhiều showroom thì dù trưng bày nhiều hàng hóa nhưng cửa hàng vẫn cung ứng dịch vụ mua hàng trực tuyến với giá rẻ hơn. Đây đang là xu hướng toàn cầu, nhưng đặc biệt phát triển ở Trung Quốc nhờ sự phổ biến của điện thoại thông minh, độ tin cậy của hệ thống thanh toán trực tuyến và dịch vụ giao hàng trong ngày ưu việt.
Làm sao để bạn thích chiếc áo của mình?Thương mại điện tử rất phát triển ở Trung Quốc
Câu hỏi này đặt ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với những nhà bán lẻ thời trang kiểu cũ. Li & Fung, một công ty thời trang có trụ sở tại Hong Kong, đã đi tiên phong trong ngành công nghiệp may mặc toàn cầu hai thập kỷ trước đây. Fung Retailing Limited, công ty con của Li&Fung có hơn 3.000 cửa hàng với hơn 1/3 trong số đó nằm ở Trung Quốc.
Victor Fung, chủ tịch danh dự của hãng cho biết, thời đại của sản xuất hàng loạt đang phải nhường chỗ cho việc sản xuất hàng loạt theo yêu cầu. Thị trường thì ngày cảng phân mảnh và người tiêu dùng thì được trao quyền để trực tiếp tham gia vào quá trình làm ra chính những sản phẩm mà họ mua, nơi sản xuất cũng như cách thức giao dịch.
Và giờ thì không chỉ những công ty thời trang mà cả những công ty nội thất cũng cung cấp những giải pháp tùy biến theo khách hàng mua trực tuyến.
Hiện nay, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng tương tác với các thương hiệu trên mạng xã hội nhiều hơn so với những người Mỹ hay Châu Âu. Để theo kịp với những thay đổi chóng mặt này, ông Fung đã trang bị cho một trung tâm mua sắm ở Thượng Hải công nghệ đến từ hãng IBM cho phép theo dõi người mua hàng trên site và trực tuyến.
Được biết đến với cái tên “Explorium”, công nghệ này cho phép các nhà bán lẻ thử nghiệm mô hình kinh doanh và quảng bá đa phương thức. Những cải tiến trong thời đại số thách thức những nhà bán lẻ ở mọi nơi, nhưng có vẻ như Trung Quốc là miền đất hứa giúp họ tìm câu trả lời nhằm theo kịp thời đại.
Người tiêu dùng Trung Quốc thì ngày càng có nhiều kiến thức tiêu dùng cũng như khả năng phân biệt các thương hiệu rất tốt. Và họ cũng rất ưa chuộng những thương hiệu cao cấp, hơn hẳn những người Mỹ, Châu Âu hay Nhật Bản. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt, đẩy các doanh nghiệp đến với những dịch vụ khách hàng tốt hơn bao giờ hết.
Audi phát triển những chiếc xe có ghế salon dài hơn cho thị trường Trung Quốc và giờ họ bán ra rộng rãi trên toàn cầu. Người Trung Quốc thích những loại nước ép nhuyễn, vì thế mà Coca-Cola phải thay đổi công thức nước ép của mình; và Minute Maid Pulpy (Nutri Boost tại Việt Nam) giờ là thương hiệu trị giá tỷ đô.
Cần phải được phục vụ tốt hơn
Phần lớn các nền kinh tế mới nổi đang chuyển từ cung ứng hàng hóa sang cung cấp dịch vụ. Ở những quốc gia giàu có nhất thế giới, ngành dịch vụ chiếm ít nhất 3/4 GDP, nhưng ở Trung Quốc thì mới chỉ có một nửa.
Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu đang đòi hỏi một ngành dịch vụ tốt hơn từ chăm sóc sức khỏe đến dịch vụ tài chính, hay thậm chí là dịch vụ giải trí. Và những nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đều đang thúc đẩy để lấp đầy chỗ hổng thiếu sót này.
Hai thập kỷ trước, những bộ phim được thực hiện bởi Walt Disney mới cập bến Trung Quốc đại lục, thế mà giờ đây Trung Quốc trở thành thị trường hứa hẹn nhất của Disney. Bộ phim bom tấn mới nhất của hãng này “Avengers 2” kiếm được hơn 200 triệu USD tại quốc gia này chỉ trong 2 tuần đầu công chiếu.
Và sang năm, công viên Disney Land với giá trị đầu tư 5,5 tỷ USD sẽ bắt đầu chào đón khách du lịch. Khởi nghiệp trong ngành dịch vụ đang là xu hướng tại Trung Quốc, tiềm ẩn khả năng tạo ra một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD. Điển hình như Helijia, một startup có giá trị 300 triệu USD, chuyên cung cấp dịch vụ làm móng tại gia. Doanh nghiệp này đào tạo người lao động với chi phí thấp, cung ứng dịch vụ tuyệt vời và cũng chính nhờ mật độ dân đô thị cao mà dịch vụ của họ rất đắt khách.
Neusoft, nhà cung cấp dịch vụ CNTT lớn nhất Trung Quốc có trụ sở tại Thẩm Dương, một thành phố ở phía Đông Bắc Trung Quốc được thành lập bởi Liu Jiren (một giảng viên đại học) chỉ với 3.000 USD. Ông Liu cho biết điều khiến công ty của mình thành công như vậy nhờ kinh nghiệm của ông khi làm giảng viên ở Mỹ, chứng kiến sự hợp tác chặt chẽ giữa giảng viên và các nhân viên nghiên cứu và phát triển của công ty. Vì thế ông mạnh tay đầu tư vào R&D và giờ hệ thống của Neusoft cho phép người dùng xem được bệnh án của mình trên di động.
Thành công của Neusoft là ví dụ điển hình cho tiềm năng phát triển ngành dịch vụ mạnh mẽ của quốc gia hơn 1 tỷ dân với tốc độ gia tăng tiêu dùng chóng mặt.
>Tầng lớp trung lưu châu Á sẽ thay đổi sâu rộng kinh tế thế giới
>Mắc kẹt trong "chiếc áo trung lưu"
>World Bank nâng dự báo kinh tế Trung Quốc