Thay đổi quản trị trong bệnh viện sẽ giữ được nguồn nhân lực y tế

Nguyễn Hữu Tùng - Chủ tịch Hội Nghề y tư nhân TP.HCM| 13/08/2022 06:00

Tình trạng nhân sự bệnh viện nghỉ việc và tỷ lệ xin ra khỏi ngành của bác sĩ, điều dưỡng 2 năm gần đây gia tăng là điều được dư luận quan tâm cũng như chỉ ra nhiều nguyên nhân. Song, bản chất của thực trạng này là gì?

Kinh tế Việt Nam hiện đi theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đã gọi là thị trường thì dứt khoát phải cạnh tranh, mà cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường là cạnh tranh giữa các nước và thế giới, cạnh tranh ở đây là về chất lượng, tài nguyên, giá cả, giá trị cốt lõi, thương hiệu. Mặc dù kinh tế thị trường XHCN cho mọi ngành nghề mà Nhà nước không cần đầu tư, không cấm được đưa vào thị trường, kích hoạt sự cạnh tranh tạo tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, trong cơ chế này nhiều chính sách vẫn bị "đóng".

Link bài viết

Và chỗ "đóng" lại đó, trong triết học gọi là phạm trù phân phối. Phân phối có nghĩa là anh làm ra một đồng thì đồng đó phải được phân phối cho lực lượng lao động như thế nào, phân phối lại cho công cụ sản xuất như thế nào, phân phối lại cho người quản lý như thế nào. Và đó là chỗ hiện nay chúng ta đang bị tắc.

Cụ thể, trong y tế đang tắc chỗ nào? Đó là khi chúng ta đưa bệnh viện công trở thành bệnh viện tự chủ. Mà đã là bệnh viện tự chủ, tức là thành bệnh viện tư, nghĩa là tư hóa bệnh viện công thì bệnh viện tư hóa đó phải chuyển qua tự chủ về quản lý, quản trị hoạt động theo hướng tự chủ giống như bệnh viện tư nhân. 

Thực tế cho thấy, một số bệnh viện đã được "tư hóa" nhưng chúng ta lại dùng chung tài nguyên, công cụ sản xuất, lực lượng lao động (là bác sĩ, nhân viên) của Nhà nước; giám đốc, phó giám đốc, trưởng khoa phải đảng viên... do Nhà nước quy định. Mà nhân viên y tế đã thuộc Nhà nước, tức là lãnh lương theo thể chế lương của Nhà nước; theo luật và chế độ lương của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo hạn ngạch, nên sự phân phối sản phẩm làm ra trong bệnh viện cho tất cả đối tượng trong bệnh viện không đồng đều. 

Vô hình trung, trong bệnh viện hình thành một bộ phận quản trị và bị trị. Bộ phận được làm việc và bộ phận bị làm việc. Ban giám đốc thường có quyền lực hơn, được nắm tài nguyên (con người, thiết bị, hạ tầng cơ sở, điện nước...) và cả tài nguyên chính sách, trong khi tất cả đối tượng làm việc là bác sĩ, công nhân, cán bộ điều dưỡng, hộ lý, nữ hộ sinh, hộ lý... lại không biết chủ trương của bệnh viện, việc sử dụng tài nguyên của bệnh viện, những rủi ro gặp phải tại bệnh viện công lập...

Một hạn chế khiến bác sĩ không mặn mà với bệnh viện là chế độ lương. Một bác sĩ chuyên khoa I có kinh nghiệm, làm việc 16 năm mà lương chỉ 10 triệu đồng/tháng? Đó là lỗi của phân phối lương không đều, không công bằng.

-1446-1660184684.jpg

Như vậy, giải pháp thế nào? Theo tôi, Nhà nước không cổ phần hóa một số bệnh viện công lập mà chỉ chọn cơ chế bệnh viện tự chủ, có nghĩa bệnh viện đó gần thành tư nhân hóa. Nhà nước cứ xây bệnh viện, rồi thuê ban giám đốc vào quản lý. Một năm họ phải có nghĩa vụ đóng thuế bao nhiêu, nộp ngân sách cho Nhà nước. Như vậy, họ sẽ nghĩ ra cách để làm cho bệnh viện tốt hơn, nhân viên phải có cuộc sống tốt, cuộc sống tốt không phải chỉ về vật chất mà tinh thần cũng phải tốt, phải cho đi học, nâng cao trình độ, phải mời những giáo sư tới đào tạo. Đây chính là phạm trù phân phối mà hiện chúng ta đang "vướng".

Thực tế 2 năm Covid-19 qua đã đẩy vấn đề rủi ro của chính sách lên rõ nét hơn và đó là lý do nhân viên y tế bỏ việc chứ không phải họ đi qua bệnh viện tư nhân. Có người nghỉ về nhà mở phòng mạch, ngày khám dăm ba ca cũng sống được nhưng thoát được áp lực của sự quản lý không hợp lý, sự quản lý không công bằng trong thực hiện thể chế về định hướng, về tự chủ...

Câu hỏi đặt ra là tại sao trước đây nhân viên y tế không nghỉ? Trước đây, khi Nhà nước đầu tư về kinh phí, quản lý chính sách... thì tất cả như nhau, ông giám đốc cũng làm và cũng chừng đó lương, mình cũng nhiêu đó nên làm vì tình cảm. Còn bây giờ bệnh viện tự chủ rồi, làm tư rồi, vậy thì tại sao anh nhiều, tôi ít nên họ nghỉ việc. Đó chính là điểm nóng hiện nay.

Link bài viết

Chính phủ cần xem lại vấn đề tự chủ hoặc xử lý lại vấn đề tự chủ. Nhà nước đầu tư bệnh viện rồi giao cho tư nhân ký hợp đồng để quản lý, một năm họ phải đem doanh thu về cho bệnh viện bao nhiêu phần trăm và hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng. Nếu bệnh nhân phản ánh chất lượng kém thì đó là một trong những tiêu chí họ mất quyền quản lý bệnh viện. Phải làm như vậy chứ đừng "lỡ cỡ" như hiện nay,  sử dụng tài sản nhà nước nhưng lại làm theo hình thức tư nhân.

Khi quan hệ sản xuất không đạt được đến những điểm tốt đẹp thì sẽ xảy ra cách mạng. Có nghĩa là, khi quan hệ sản xuất, quan hệ giữa người nhân viên với ban giám đốc không được tốt đẹp thì bắt buộc phải xảy ra cuộc cách mạng, biến chất thành lượng và biến lượng thành chất. Mà cuộc cách mạng đây là gì? Đó là nghỉ việc. Nghỉ việc là cuộc cách mạng đối phó lại những chính sách mà bệnh viện đưa ra.

Đây là chuyện lớn chứ không nhỏ. Và vì sao số lượng nhân viên y tế nghỉ việc nhiều lại xảy ra ở những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... mà các tỉnh nhỏ không có vì các thành phố lớn tập trung khối lượng công việc rất lớn, nhân sự rất lớn, cho nên tài sản, tài nguyên của bệnh viện ở thành phố lớn cũng rất lớn, vì thế đẩy lên sự xung khắc lớn giữa ban giám đốc bệnh viện tự chủ với nhân viên y tế và bác sĩ.

Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân không có tình trạng này. Thậm chí họ lấy tiền nhiều hơn Nhà nước nhưng tại sao tư nhân họ không kêu, bác sĩ họ không kêu, tại vì họ thực hiện được thị trường tự do bắt buộc phải cạnh tranh. Người giám đốc tư nhân bắt buộc phải cạnh tranh, nếu không cạnh tranh là coi như phá sản, không "ăn nói được" với các chủ đầu tư.

Như vậy, nếu đi theo kinh tế thị trường XHCN mà không triển khai được rõ ràng, minh bạch, áp dụng không chặt chẽ thì làm cho người giám đốc bệnh viện công trở thành một doanh nhân mà bản thân họ không biết. Trong khi, chuyên môn là bác sĩ, họ cũng không đủ khả năng để quản trị điều hành một doanh nghiệp.

Trong bệnh viện tư nhân cần có một vị trí giám đốc điều hành, nhưng lại cần nhiều vị trí quản trị với nhiều cấp độ khác nhau: quản trị cấp cao, quản trị cấp trung, quản trị cấp thấp. Vị trí quản trị cấp cao trong bệnh viện gọi là người quản trị bệnh viện (COO).

Trong bệnh viện công lập, hoạt động dựa vào ngân sách nhà nước, những vị trí này được cơ cấu trong tổ chức của phòng hành chính nhân sự. Còn bệnh viện tư nhân gọi là quản trị điều hành. Như vậy, trong một bệnh viện có nhiều vị trí quản trị dưới sự điều hành hợp nhất từ giám đốc điều hành bệnh viện để làm sao tất cả vị trí này hoạt động có hệ thống, linh hoạt, chất lượng để đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch định sẵn ban đầu cũng như tạo được một giá trị xã hội cao.

(Nội dung trên là chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng tại tọa đàm "Giải pháp để TP.HCM có nguồn lao động chất lượng" do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức ngày 20/7/2022)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thay đổi quản trị trong bệnh viện sẽ giữ được nguồn nhân lực y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO