Khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa được ký kết, các tập đoàn đa quốc gia đã sớm xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, doanh nghiệp (DN) Việt cần làm gì đểkhông bị "lép vế" trên sân nhà?
Đó là vấn đề được đưa ra tại hội thảo "Tác động của Hiệp định TPP đến Việt Nam và khu vực" do trường Đại học Kinh tế - Luật phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển và Trung tâm WTO tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh chiều 28/12.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Vũ Trọng Bình - Vụ trưởng Vụ Địa phương (Ban Kinh tế Trung ương) đã đề ra hai giải pháp cho các DN. Đó là, ngoài phương thức tạo ra những sản phẩm khác biệt giúp DN tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, DN trong nước nên cố gắng tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và trở thành một mắt xích quan trọng trước khi đủ khả năng phát triển chuỗi sản xuất riêng.
Trao đổi với phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn Online bên lề hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Dũng - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển, Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM chia sẻ thêm: "Trong ngắn hạn, các DN cần xác định rõ vị thế của bản thân trong những chuỗi giá trị cung ứng này theo từng giai đoạn và phát huy thế mạnh nội tại của DN trước khi tiến hành tái cấu trúc toàn bộ hoạt động, từ khâu nghiên cứu đến khâu tiêu thụ sản phẩm, trong tương lai".
Tuy nhiên, đối với nhiều DN kinh doanh quy mô nhỏ, lẻ như hiện nay, việc tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ông Hà Duy Tùng - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Công Thương), 3 lĩnh vực chịu tác động lớn nhất khi TPP có hiệu lực bao gồm ngành chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi lợn và ngành sữa. Trong đó, đối với riêng ngành sữa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá ngành chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam không có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nước TPP.
Đó là chưa kể đến, từ năm 2009, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại với Australia, New Zealand - những quốc gia mạnh về thịt bò và các sản phẩm chế biến từ sữa bò. Điều này sẽ khiến DN trong nước gặp nhiều khó khăn hơn khi thuế suất các mặt hàng này sẽ giảm về 0% trong hai năm tới, trước cả khi TPP có hiệu lực vào năm 2018 và các ưu đãi thuế quan được thực thi sau 3 năm.
Tuy nhiên, đối với riêng ngành chăn nuôi lợn, ông Tùng phân tích, lợi thế của các DN hiện nay chính là niềm tin của người tiêu dùng và thị hiếu ưa chuộng sản phẩm thịt lợn trong nước. "Do đó, để chủ động hơn trong TPP, trước hết các DN cần thay đổi phương thức chăn nuôi để tạo ra sản phẩm chất lượng, đạt vệ sinh an toàn thực phẩm và những tiêu chuẩn khác trong quá trình hội nhập. Đồng thời, DN cần tăng năng suất và mở rộng quy mô kinh doanh để giữ thị phần và tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường", ông Tùng cho biết.
Bên cạnh đó, dưới góc nhìn của nhà hoạch định chính sách, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên Ngô Chung Khanh nhận định việc tham gia sân chơi TPP giúp các DN, đặc biệt là người lao động chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.
Cụ thể, trong 3 nội dung cam kết bảo vệ quyền cơ bản của người lao động củaTổ chức Lao động quốc tế (ILO), đây là lần đầu tiên Việt Nam cho phép thành lập một tổ chức của người lao động tại cơ sở.
Tổ chức này có thể lựa chọn việc gia nhập Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hoặc đăng ký cơ quan Nhà nước và chỉ được hoạt động sau khi được chấp thuận. Sau 5 năm kể từ khi TPP có hiệu lực, tổ chức này có thể được thành lập ở cấp cao hơn.
Ngoài việc nhấn mạnh vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, ông Khanh nhận định, quy định trên còn có thể ảnh hưởng lớn đến tư duy quản lý của giới chủ doanh nghiệp trong tương lai.
>Nhật Bản "trấn an" các DN vừa và nhỏ trước thềm TPP
>Bloomberg: 7 tác động của TPP với Việt Nam
> 5 vấn đề cốt lõi trong Hiệp định TPP