Tái cơ cấu và thay đổi chiến lược
Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Công ty Tiến Đạt cho biết, DN ông có nhiều chi nhánh, hoạt động trong lĩnh vực xây lắp và bất động sản. Giãn cách xã hội khiến huy động nhân công khó khăn, nhiều hoạt động xây lắp phải ngừng, Công ty chỉ giữ lại bộ máy văn phòng làm việc hành chính.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho lắp đặt hệ thống điều hành sử dụng thiết bị Smart Room kết nối với các chi nhánh trên toàn quốc. Có hệ thống này, DN của ông vận hành tốt hơn rất nhiều mà không cần di chuyển để họp hành, giao ban.
Ông Thắng nhận định, sau đại dịch sở thích về BĐS sẽ chuyển hướng từ trung tâm TP ra ngoại ô, nơi có không gian thoáng đãng hơn. Thêm vào đó, việc di chuyển ở ven đô giờ đây thuận lợi, lại thêm các tiện ích đồng bộ. Nắm bắt xu hướng đó, Công ty Tiến Đạt đang gom quỹ đất để chuẩn bị cho những dự án ven đô.
Tương tự, Phú Đông Group hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dịch vụ, xây lắp, bất động sản và du lịch. Giãn cách xã hội khiến một số mảng phải dừng hẳn để giảm lỗ như du lịch nghỉ dưỡng, còn một số mảng khác phải co lại do thị trường thu hẹp, khiến ban lãnh đạo Phú Đông Group phải tính toán tái cơ cấu hoạt động của DN. Một số dự án khó tìm đầu ra phải chuyển đổi mục đích hoặc chuyển nhượng.
Trong tình hình khó khăn như vậy, ông Trần Mạnh Hoài - Chủ tịch Phú Đông Group chủ trương xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data) để cung cấp thông tin cho dàn lãnh đạo chủ chốt, đồng thời làm quen với việc mua sắm trên sàn TMĐT và thanh toán online.
Chợ online của các quận, huyện nảy sinh trong thời giãn cách khi chợ truyền thống đóng cửa |
Tập dượt kinh doanh trên môi trường số
Đại dịch khiến DN vừa và nhỏ phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo một khảo sát của VNE, có 69% DN phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, phần lớn là các DN nhỏ; 16% vẫn cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh một phần và số còn lại đã giải thể. Một số DN tạm dừng đang tập dượt kinh doanh trên môi trường số.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội, tiêu thụ hàng hóa khó khăn cũng là lúc DN phải tiếp cận với hình thức thương mại điện tử và muốn thành công trên môi trường số, họ cần phải được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản.
Mới đây, Viện nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN (ASEAN Academy) và Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển cộng đồng (TOTA R&D) đã phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội tổ chức chương trình bổ trợ kiến thức, đào tạo kỹ năng bán hàng online, livestream trực tuyến.
Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, chương trình đã tổ chức 4 Workshop và huấn luyện trực tuyến cho hơn 100 học viên là chủ các đơn vị sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản và sản phẩm OCOP ( One Commune, One Product, là chương trình mang tên “Mỗi xã, phường một sản phẩm”) trên địa bàn TP. Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Chương trình được thực hiện trên nền tảng đa kết nối Smart Room 100% trực tuyến theo chủ trương chung của TP. Hà Nội về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Các hoạt động bổ trợ kiến thức và kỹ năng bán hàng online với 6 nội dung cụ thể, giúp các học viên tham gia dễ nắm bắt và thực hành, thực nghiệm ngay hoạt động livestream bán hàng trực tuyến, có sự hỗ trợ và góp ý của các giảng viên và các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm thực tế.
Gian hàng sản phẩm OCOP của tỉnh Khánh Hòa |
Chợ đêm trên mây
Sau thành công của hai lớp tập huấn trực tuyến bán hàng online, livestream, Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội tiếp tục có thông báo chiêu sinh cho khoá học thứ 3. Lớp tập huấn bán hàng online, livestream vẫn sẽ hoàn toàn miễn phí, dành cho tất cả các chủ thể.
Khóa tập huấn đã diễn ra trong 3 buổi, bắt đầu từ ngày 25 - 26/8/2021. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng, cấp sao trong Chương trình OCOP sẽ được giảng viên Viện nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN hỗ trợ phổ biến kiến thức bán hàng trực tuyến.
Phó chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, cùng với việc khai giảng khoá tập huấn thứ 3 về bán hàng online, livestream, đơn vị đang xây dựng kế hoạch triển khai mô hình thí điểm Chợ đêm trên mây. Mô hình nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh có cơ hội thực hành sau khi kết thúc khoá học trực tuyến miễn phí.
“Chợ đêm trên mây sẽ là dịp để các chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền tiêu thụ nội bộ, tiêu thụ chéo giữa các nhóm hàng hoá của nhau. Bên cạnh đó, Chợ đêm trên mây còn giới thiệu và bán sản phẩm đến khách mời tham dự các sự kiện tiêu thụ online tổ chức vào 20 giờ 30 tối thứ 6 hằng tuần”, ông Chí thông tin thêm.
Ngoài việc tạo điều kiện giúp các chủ thể sản xuất, kinh doanh có cơ hội thực hành sau khi hoàn thành khóa học trực tuyến miễn phí bán hàng online, livestream, mô hình Chợ đêm trên mây còn giúp các tổ chức, cá nhân trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng bán hàng trên mạng, giải đáp những vấn đề vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, cơ chế chính sách và Chương trình OCOP…
"Sau một thời gian vận hành chạy thử, rút kinh nghiệm, Ban tổ chức sẽ nghiên cứu đề xuất với cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ tiếp sức để nhân rộng mô hình này trong kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố, nhất là việc kết nối với hệ thống sàn thương mại điện tử, hệ thống siêu thị, các điểm bán hàng nông sản thực phẩm an toàn trong và ngoài thành phố...", ông Chí cho biết.
Chương trình chợ đêm trên mây tổ chức lúc 20 giờ 30 thứ 6 hằng tuần |
Để bảo đảm hiệu quả cho mô hình thí điểm Chợ đêm trên mây, Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội yêu cầu các chủ thể khi tham gia phải có hồ sơ đầy đủ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn chứng minh chất lượng của sản phẩm. Đặc biệt là các chủ thể phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm bán ra tại phiên chợ.
Trên cơ sở đó, chủ thể xây dựng clip livestream sản phẩm (không quá 2 phút) gửi vào địa chỉ Ban tổ chức trước 4 ngày tổ chức phiên chợ. Nội dung quảng bá không được nói khác và nói quá về công dụng theo công bố chất lượng sản phẩm của chủ thể. Mục tiêu cốt lõi mà phiên chợ hướng đến là “Sản phẩm thật - Giá trị thật - Giao dịch thật”.
Chợ đêm trên mây đang thu hút đông đảo DN vừa và nhỏ tham gia. Hình thức chợ trên không gian mạng không chỉ cung cấp thêm một kênh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm mà còn chung tay bảo vệ mọi người an toàn trong mùa đại dịch.
Các tiểu thương và DN cần học cách bán hàng trên mạng |
Nhà nước chung tay với DN
Với các DN FDI, theo Bộ kế hoạch đầu tư, vốn FDI vào VN trong 8 tháng đầu năm 2021 được đánh giá là tương đối khả quan so với một số nước khi dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm tới 42,8% (báo cáo của UNCTAD). Cùng với những khó khăn chung, các DN FDI cũng không ngoại lệ.
Ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, chúng ta vẫn phải chuẩn bị điều kiện để đón làn sóng đầu tư hậu Covid-19. Các địa phương cần phải rà soát, đánh giá các dự án FDI đang hoạt động trên địa bàn để có các giải pháp hỗ trợ, quản lý sát thực tế đối với từng DN, chung tay giúp các DN đang thua lỗ vượt qua khó khăn hiện tại, giúp các DN đang xây dựng sớm đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh… Các giải pháp hỗ trợ này thực sự là hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, là liều thuốc hiệu quả nhất trong công tác xúc tiến đầu tư.
Việt Nam đang hướng tới việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, theo đó, Nhà nước sẽ tạo không gian thông thoáng để các DN phát triển. Một số tỉnh thành như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh… đang tăng tốc độ cải cách thủ tục hành chính và áp dụng công nghệ số trong nhiều khâu.
Trong đại dịch, Nhà nước đang có nhiều chính sách khuyến khích DN chuyển đổi số để đón đầu thời kỳ sau đại dịch. Hơn thế nữa, Nhà nước chung tay với DN trong thời khó khăn bằng các chính sách tín dụng, giãn các nghĩa vụ tài chính phải nộp, giúp DN giảm bớt gánh nặng.
Trong “Nguy” bao giờ cũng có “Cơ” và ngược lại. Điều quan trọng là giữa Nhà nước, DN và người lao động tìm được tiếng nói chung để cùng nhau vượt qua.