Tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước những thách thức mới

Ngọc Quỳnh| 28/09/2022 06:00

Nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro do tình hình trên thế giới diễn biến xấu. Do đó phải thận trọng, linh hoạt khi lựa chọn chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để giữ ổn định, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế và chống chịu được trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước những thách thức mới

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết đang tiến hành xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 dựa trên cơ sở bám sát các mục tiêu giai đoạn 2021-2025, dự báo kết quả năm 2022, phân tích bối cảnh trong nước, quốc tế và sẽ đưa ra các chỉ tiêu phát triển phù hợp (dự kiến 15 chỉ tiêu).

Các giải pháp trọng tâm 2023 sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023); chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với các tình huống phát sinh, xử lý kịp thời các vấn đề tồn đọng; bảo đảm hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa phục hồi, tăng trưởng kinh tế và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn...

Tuy nhiên, tác động tiêu cục từ bên ngoài, áp lực lạm phát cao có thể kéo dài sang năm 2023, việc lựa chọn chính sách tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách khác để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì đà hồi phục, tăng trưởng kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo cần phải hết sức thận trọng, linh hoạt.

Theo TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), lựa chọn chính sách tài khóa, tiền tệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu lạm phát cao, rủi ro lớn, sản xuất đình trệ là không đơn giản. Thời gian qua, Việt Nam đã lựa chọn vừa thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt là khá tốt.

TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia chia sẻ, cần tiếp tục giữ ổn định tỷ giá vì đây là một "phòng tuyến quan trọng" ngăn ngừa lạm phát. Ngân hàng Nhà nước đã giữ tỷ giá trung tâm khoảng 0,6 và cho thị trường dao động trong biên độ cộng trừ 3% là khá phù hợp, giúp cho hiệu ứng lạm phát cao bên ngoài khó lan vào Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Andrea Coppola thì cho rằng, Việt Nam đang hướng đến phát triển bền vững, cần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phát triển doanh nghiệp năng động, mở rộng cơ hội việc làm hướng đến làm giàu thêm về vốn con người, cần lựa chọn tăng trưởng xanh là một động lực để tăng trưởng bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số để tăng nhanh năng suất.

Theo TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động do tác động từ bên ngoài cũng như yếu kém nội tại, sức chống chịu trước các cú sốc bên ngoài mới ở mức trung bình. 

Tuy các chỉ tiêu về thể chế, quản trị, kinh tế - tài chính đã đạt điểm số khá và khá cao, song các chỉ tiêu về môi trường, xã hội hầu hết vẫn còn thấp và ở mức trung bình thấp. Nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh mới để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, hội nhập quốc tế. 

Bối cảnh hiện nay và thời gian tới dự báo còn rất phức tạp, theo ông Cấn Văn Lực, cần phải lưu ý đến các rủi ro luôn đan xen có thể khiến khả năng chống chịu của nền kinh tế bị suy giảm. Để nâng cao khả năng chống chịu, tăng tính tự lực, tự cường của nền kinh tế, cần xây dựng và vận hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, đo lường khả năng chống chịu và tính tự chủ, tự cường; tăng cường hiệu quả phối hợp chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng và phát triển bền vững; hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; có chiến lược, giải pháp cụ thể nâng cao sức chịu đựng, tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế nói chung, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp nói riêng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước những thách thức mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO