Doanh nghiệp phải đầu tư sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn |
Việc xây dựng thành công thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tác động của thương hiệu
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, 8 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 155,4 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, kim ngạch ngành nông lâm thủy sản là 25,7 tỷ USD. Riêng mặt hàng rau quả đạt 2,7 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhưng các doanh nghiệp vẫn chủ yếu xuất nguyên liệu thô. Cụ thể, mặt hàng rau củ quả phần lớn chỉ sơ chế hoặc xuất thô, tập trung ở 3 dạng là đồ hộp, nước trái cây và trái cây sấy khô. Chính vì thế mà hiện nay vẫn chưa có nhiều thương hiệu của Việt Nam được thế giới biết đến.
Chẳng hạn cà phê Việt Nam chiếm đến 90% kim ngạch nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc nhưng người tiêu dùng nước này lại nhầm tưởng là cà phê Brazil. Việt Nam có nhiều mặt hàng thực phẩm, nông sản chế biến xuất khẩu nhưng người tiêu dùng trên thế giới chỉ mới biết đến một vài thương hiệu như cà phê Trung Nguyên, Vinamilk, mì Acecook...
Đã vậy, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa được quan tâm đúng mức khiến giá trị thương hiệu của thực phẩm Việt không cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Theo đánh giá của Tổ chức Hỗ trợ Nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI), Việt Nam là nước cung cấp hàng đầu nhiều loại nông sản, thực phẩm cho thế giới khi kim ngạch hằng năm lên tới hàng chục tỷ USD, thế nhưng vẫn chưa được thế giới biết nhiều. Đã vậy, thực phẩm Việt còn tạo ra "tai tiếng" khi vấp phải các vấn đề về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm.
Khảo sát từ Công ty Nielsen cho thấy, an toàn vệ sinh thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng các nước. Cụ thể, có đến 76% người tiêu dùng muốn biết mọi thành phần trong thức ăn của họ, 88% người tiêu dùng đọc bao bì cẩn thận về thành phần dinh dưỡng.
3 năm trước, người tiêu dùng chỉ quan tâm đến nhà sản xuất, xuất xứ sản phẩm, nhưng nay yêu cầu này cao hơn nhiều. Với họ, yếu tố đảm bảo sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu khi lựa chọn sản phẩm.
Xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam cũng thế. Chia sẻ tại Hội thảo Nâng cao sức cạnh tranh trong ngành thực phẩm thông qua tiêu chuẩn và thương hiệu do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Duy Long - chuyên gia của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, người Việt đang ngày càng quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ và thông tin nhà sản xuất của những sản phẩm họ sử dụng. Hầu hết người tiêu dùng có nhìn nhận tích cực hơn đối với các công ty minh bạch về cách sản phẩm được sản xuất.
Xem trọng các tiêu chuẩn an toàn
Để có thương hiệu nông sản, thực phẩm được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết đến, các doanh nghiệp cần đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Là doanh nghiệp xuất khẩu chuối sang thị trường Nhật Bản với số lượng lớn trong thời gian qua, ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết, để khách hàng Nhật lựa chọn chuối của Công ty, từ khi trồng, ông đã ghi nhật ký tỉ mỉ để đến khi các thương nhân, nhà bán lẻ đến đơn vị tìm hiểu thì họ hiểu rõ quy trình làm ra trái chuối.
Hiện chuối của Huy Long An đạt tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn Nhật Bản với khoảng 20 chỉ tiêu. "Đó là điều khiến đối tác chọn sản phẩm dù họ có phải đi lại nhiều lần để tìm hiểu rồi mới đưa ra quyết định", ông Võ Quan Huy cho biết.
Công ty TNHH Thủy hải sản Hải Đăng cũng nhờ đẩy mạnh việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào nuôi cá lồng mà sản phẩm đã có đầu ra ổn định. Tháng 6 vừa qua, sản phẩm cá sông Đà của Công ty đã được đưa vào hệ thống siêu thị Big C miền Bắc. "Việc áp dụng thành công các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là một trong những công cụ quảng bá hữu hiệu nhất của doanh nghiệp hiện nay", đại diện Công ty Thủy hải sản Hải Đăng chia sẻ.
Ở góc độ của một đơn vị nghiên cứu thị trường, bà Châu Ngọc Hạnh - quản lý cấp cao của Nielsen Việt Nam cho biết, hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp tung sản phẩm mới nhưng không phải sản phẩm nào cũng tồn tại đến 18 tháng. Muốn xây dựng được thương hiệu, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh. Một điều quan trọng không kém là phải đảm bảo tính ưu việt của sản phẩm thông qua quy trình sản xuất áp dụng công nghệ cao kết hợp với hệ thống phân phối đủ mạnh.
Thấy được những bất lợi của doanh nghiệp trong nước, năm 2018, để khuyến khích sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu sản phẩm, Bộ Công Thương đã hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện Chiến lược Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam đã được Bộ Công Thương triển khai. Theo đó, từ nay đến năm 2020 sẽ tổ chức các chiến dịch truyền thông, quảng bá thực phẩm Việt Nam ra thế giới.
Tuy nhiên, để duy trì phát triển, đòi hỏi doanh nghiệp trong quá trình xây dựng thương hiệu cần xác định mục tiêu, xu hướng, nhu cầu, kể cả việc nghiên cứu đối thủ cạnh tranh. Bởi phải có thương hiệu thì ngành nông sản, thực phẩm Việt Nam mới có chỗ đứng trên thị trường trong nước và thế giới.