Mức tăng lương dự kiến năm 2015 sẽ kéo theo một vài hiệu ứng, trong đó bao gồm "hiệu ứng sóng vỗ".
Như vậy, sau nhiều tranh cãi và thảo luận, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thông qua phương án tăng mức lương tối thiểu vùng của năm 2015 lên khoảng 15,1%. Dù phương án này còn phải trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua nhưng giờ đây khá nhiều doanh nghiệp đang đứng ngồi không yên trước viễn cảnh chi phí nhân công sẽ đội lên đáng kể, khi chỉ mới cách đây chưa đầy năm, mức lương tối thiểu đã tăng hơn 10% vào đầu năm 2014.
Với mức tăng dự kiến lần này thì đầu năm tới, mức lương tối thiểu cho vùng I sẽ là 3.100.000 đồng/tháng, tức tăng 400.000 đồng so với năm 2014. Vùng II là 2.750.000 đồng/tháng, tăng 350.000 đồng. Vùng III là 2.420.000 đồng, tăng 320.000 đồng, trong khi vùng IV sẽ là 2.200.000 đồng, tăng 300.000 đồng.
Về mặt xã hội, chính sách tăng lương tối thiểu được nhìn nhận là hướng tới người lao động có kỹ năng thấp, giúp cải thiện mức thu nhập của họ và nhờ đó, làm giảm bớt mức độ bất bình đẳng thu nhập trong xã hội.
Dĩ nhiên, một công cụ tác động lớn đến khía cạnh xã hội như thế chắc chắn sẽ giành thêm được nhiều lá phiếu ủng hộ của cử tri. Đó là lý do nó thường được xem là công cụ chính trị hữu ích được mang ra sử dụng trước các cuộc bầu cử tổng thống như ở Mỹ, Pháp, hay Nga.
Nhưng đối với Việt Nam, có thể thấy ngay cả khi lương tối thiểu được tăng thêm 15%, mức thu nhập đó cũng không thấm vào đâu so với chi phí sống đắt đỏ hiện nay trong bối cảnh giá cả hàng hóa và dịch vụ đã tăng mạnh trong những năm qua.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết thực ra đa số các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang chi trả cho người lao động với mức lương thậm chí còn cao hơn mức lương tối thiểu mới này. Vì vậy, nếu nói chính sách sẽ giúp cải thiện thu nhập của người lao động có kỹ năng thấp là chưa đủ cơ sở.
Hơn nữa, theo ông Hưng, tăng trưởng kinh tế trong năm nay dù đã cải thiện nhưng mức độ không đáng kể, chứng tỏ khả năng sản xuất và sức tiêu thụ hàng hóa vẫn còn khiêm tốn. Trong khi đó, lạm phát không cao, chỉ khoảng gần 4%. Do đó, chính sách tăng lương 15% như thế cần phải được xem xét lại.
Thậm chí, ông cho rằng thu nhập khả dụng sau thuế, phí của người lao động còn có nguy cơ giảm xuống khi bản thân họ cũng phải trích bớt thu nhập của mình để đóng các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn..., vốn được tính toán dựa trên mức thu nhập tối thiểu này.
Trên thực tế, các ý kiến không đồng tình với chính sách tăng lương tối thiểu xét trên khía cạnh kinh tế cũng không phải là ít. Từ lâu, các nhà kinh tế học đã xem mức lương tối thiểu là mức giá sàn trên thị trường lao động và từ đó sẽ làm ảnh hưởng đến điểm cân bằng tự nhiên giữa cung và cầu trên thị trường. Cụ thể, khi mức lương tăng lên, lượng cung lao động sẽ tăng theo, nhưng nhà tuyển dụng sẽ hạn chế bớt nhu cầu thuê lao động vì chi phí tăng lên. Thậm chí trong trường hợp tệ nhất, doanh nghiệp buộc phải đóng cửa.
Tác động tổng thể này cuối cùng khiến tỉ lệ thất nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế có nguy cơ tăng lên. Khi đó gánh nặng phúc lợi xã hội như bảo hiểm thất nghiệp mà Nhà nước phải chi ra cũng sẽ tăng.
Một nguy cơ nữa là khả năng gây ra lạm phát chi phí đẩy, tức khi chi phí nhân công tăng lên, để đảm bảo lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ tăng giá bán đầu ra. Như vậy, chưa chắc với mức thu nhập cao hơn, người lao động sẽ có khả năng mua được nhiều hàng hóa hơn.
Một hiệu ứng khác đến từ chính sách này là hiệu ứng sóng vỗ (Ripple Effect). Việc tăng lương tối thiểu sẽ khiến mức lương tương đối của người lao động có kỹ năng thấp được nâng lên nếu so sánh với lao động có kỹ năng cao hơn.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ tối ưu hóa hiệu quả hoạt động bằng cách thay thế lao động có kỹ năng thấp bằng lao động có kỹ năng cao hơn. Điều này lại tạo tác động lan tỏa đến phân khúc có kỹ năng, khiến mức lương trong phân khúc này tăng lên (vì nhu cầu thuê mướn tăng), gây ra hiện tượng lan tỏa giống như sóng biển.
Một tác động “sóng vỗ” khác là doanh nghiệp trong một số ngành buộc phải tăng lương ngay cả khi mức lương cho nhân công hiện đã cao hơn mức tối thiểu. Lý giải cho hiện tượng này xuất phát từ việc con người có xu hướng cân nhắc đánh đổi giữa các yếu tố tích cực của nơi làm việc như địa điểm, tính an toàn hay đơn giản chỉ là tính sạch sẽ như làm việc trong văn phòng (tạm gọi là công việc mong muốn) với mức lương mà họ nhận. Càng muốn có công việc mong muốn thì mức lương họ kỳ vọng nhận được càng thấp, trong khi các công việc có tính chất tiêu cực như làm việc ở nơi nguy hiểm được kỳ vọng sẽ nhận được mức lương bù đắp cao hơn.
Nhưng khi mức lương tối thiểu tăng lên, khoảng cách thu nhập giữa hai loại hình công việc này sẽ giảm bớt. Khi đó, người lao động sẽ có khuynh hướng tự nhiên là chọn công việc mong muốn nhiều hơn. Kết quả là số nhân công trong các công việc ở nơi nguy hiểm hay không sạch sẽ sẽ giảm bớt và buộc doanh nghiệp phải tăng lương để thu hút lao động trở lại, thậm chí ngay cả khi mức chi trả của họ đã cao hơn mức lương tổi thiểu mới.
Nhìn chung, chính sách tăng lương tối thiểu luôn là vấn đề gây đau đầu đối với bất kỳ chính phủ nào trên thế giới. Về phía Việt Nam, dường như không nhiều doanh nghiệp chào đón quyết định này một cách tích cực.
“Việc tăng lương như thế hiện nay không có lợi, chi bằng tạo điều kiện để doanh nghiệp làm ăn có lãi, từ đó sẽ tăng phúc lợi cho nhân công. Như vậy vẫn tốt hơn là áp đặt thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và thậm chí cho cả người lao động”, ông Hưng, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, đề xuất.
Ông Hưng nhấn mạnh chính sách này sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa vì họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bằng chứng là trong 9 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp giải thể hay đóng cửa tiếp tục tăng ở mức 2 con số so với cùng kỳ năm trước.
>Nhiều thách thức khi mở cửa thị trường lao động
>Vượt bẫy thu nhập trung bình: Chỉ là giấc mơ?
>Khó khăn vượt bẫy thu nhập trung bình
>1 người Singapore làm việc bằng 15 người Việt Nam?