Giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động

MH| 22/12/2022 06:00

So với các nước Đông Nam Á, lao động trẻ em Việt Nam thấp hơn 2%, nhưng sau dịch Covid-19 số lao động này lại gia tăng.

Giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lao động trẻ em trong nước đang làm việc trong nhiều ngành nghề kinh tế và các địa phương khác nhau. Kết quả từ cuộc điều tra quốc gia về lao động trẻ em năm 2018 cho thấy cả nước có hơn 1 triệu trẻ em từ 15-17 tuổi đang tham gia lao động, chiếm 5,4% tổng dân số là trẻ em từ 5-17 tuổi.

Lao động trẻ em gây ra nhiều hậu quả cho chính trẻ em như bỏ học sớm hoặc không được đi học, đào tạo nghề; ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khỏe và sự phát triển thể chất; bị tổn thương về thể chất, thậm chí có thể bị tàn tật hoặc ảnh hưởng đến tính mạng do tai nạn lao động hay bạo hành. Trẻ tham gia lao động dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội, các hoạt động tội phạm; dễ trở thành nạn nhân của lạm dụng, bóc lột gây hậu quả tổn thương tâm lý, tinh thần; trẻ thiếu tự tin do không được quan tâm chăm sóc, nghỉ ngơi, vui chơi.

Đối với gia đình, cộng đồng, xã hội, lao động trẻ em sẽ tăng gánh nặng kinh tế khi bị tai nạn, tổn thương, bị xâm hại; làm gia tăng nghèo khó cho các gia đình, cộng đồng; gây nguy cơ mất trật tự, các vấn đề phức tạp cho xã hội khi trẻ bị sa ngã. Đồng thời tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, nguồn nhân lực chất lượng tương lai giảm; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các điều khoản trong các hiệp định thương mại mới sử dụng lao động trẻ em sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng, hàng hóa bị tẩy chay, cấm xuất khẩu; uy tín của ngành nghề, quốc gia bị suy giảm…

Link bài viết

Tại Việt Nam hiện có khoảng 50% trẻ em lao động ở nhóm lĩnh vực nặng nhọc, độc hại. So với các nước Đông Nam Á, lao động trẻ em Việt Nam thấp hơn 2%, nhưng sau dịch Covid-19 số lao động này lại gia tăng. Nguyên nhân do nhiều em bị mất bố, mẹ hoặc nhiều gia đình bị mất nguồn thu nhập, đặc biệt ở nhóm người lao động di cư, bố mẹ đi làm xa để con ở nhà hoặc đưa con nhỏ đi theo và trẻ em phải tham gia lao động từ sớm nhằm cải thiện điều kiện kinh tế, ổn định cuộc sống. Kết quả từ cuộc điều tra quốc gia về lao động trẻ em cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến lao động trẻ em là do muốn tạo thu nhập cho bản thân, thu nhập cho gia đình, muốn tham gia vào sản xuất kinh doanh của hộ, muốn học nghề, không học…

Từ thực tế trên, cho thấy nhiều trẻ em chưa được hưởng quyền lợi đầy đủ, phải nghỉ học sớm, tham gia lao động nặng nhọc. Do vậy việc nâng cao năng lực truyền thông phù hợp cho cán bộ công đoàn về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật là điều cần thiết, nhất là với cán bộ công đoàn.

Theo quy định, chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khỏe đảm bảo sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của trẻ, không được làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nơi làm việc ảnh hưởng xấu đến nhân cách của trẻ. Những tuyên bố, quy chế và cam kết không sử dụng lao động trẻ em cần được thương lượng và đưa vào thỏa ước lao động tập thể cùng với những biện pháp cần thiết để loại bỏ lao động trẻ em tại nơi làm việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO