Cụ thể, theo WorldoMeter, tổng số ca mắc Covid-19 cập nhật đến 7g00 sáng 8/6 là 7.081.811, với 405.074 trường hợp tử vong. Tại thời điểm này vào tháng trước, số người nhiễm bệnh trên toàn thế giới đạt 3.879.928, với 270.612 trường hợp tử vong. Nếu tiếp tục với tốc độ như trong 2 tháng gần nhất, đến cuối tháng 6/2020, số người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu có thể vượt 10 triệu.
Hiện, Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong cao nhất, lần lượt ở mức 2.007.449 và 112.469 trường hợp, tức chiếm gần 30% số ca bệnh trên thế giới. Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm quốc gia Anthony Fauci hôm 4/6 cho biết, Mỹ dự kiến có thể phân phối 100 triệu liều vắc-xin vào cuối năm nay.
"Tôi lạc quan một cách thận trọng, rằng với nhiều 'ứng viên' được điều chế dựa trên các kỹ thuật khác nhau, chúng ta sẽ có vắc-xin khả thi", ông Fauci nói và cho biết, dù số người chết vì dịch bệnh ở mức cao, song phần lớn bệnh nhân đã hồi phục, đồng nghĩa phản ứng miễn dịch tự nhiên đủ khả năng loại bỏ SARS-CoV-2.
Link bài viết
Xếp sau nền kinh tế lớn nhất thế giới về số ca nhiễm bệnh là Brazil (691.962), Nga (467.673), Tây Ban Nha (288.630), Anh (286.194) và Ấn Độ (257.506). Trong đó, quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất trong số 10 nước ghi nhận nhiều người nhiễm bệnh nhất là Anh và Ý, đều ở mức 14%.
Tại châu Á, Ấn Độ đã thay Iran trở thành vùng dịch lớn nhất. Như vậy, lệnh phong tỏa cả nước kéo dài hơn 2 hai tháng ở quốc gia này, dù tác động nghiêm trọng đến kinh tế và đời sống người dân, đến nay vẫn chưa thể đưa dịch bệnh đạt đỉnh trong khi số ca mắc Covid-19 ngày càng nhiều. Được biết, quốc gia Nam Á đã từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế và cho phép nối lại nhiều hoạt động xã hội.
Trước tình hình số ca mắc bệnh vẫn đang tăng và nhiều quốc gia ghi nhận trường hợp tái dương tính, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, nhiều quốc gia đã chứng kiến số lượng các ca nhiễm Covid-19 tăng đáng kể khi nới lỏng lệnh phong tỏa, và người dân phải tự bảo vệ bản thân khỏi virus trong khi chính quyền tiếp tục các thử nghiệm. Phát ngôn viên của WHO Margaret Harris hôm 5/6 cho biết: "Dịch Covid-19 chỉ hết khi không còn con virus nào trên thế giới".
Brazil tìm cách giấu số liệu
Đáng chú ý, dù đang là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới, song Chính phủ Brazil dường như đang tìm cách giấu dịch bằng việc xoá số liệu thống kê về Covid-19, theo Reuters. Cụ thể, Bộ Y tế Brazil đã xóa số liệu thống kê về Covid-19 trong những tháng qua khỏi trang web https://covid.saude.gov.br/.
Phòng chăm sóc tích cực bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Manaus, Brazil, ngày 20/5. Ảnh:Reuters. |
Vào ngày 5/6, cổng thông tin này đã bị đóng, và khi được mở lại vào ngày hôm sau với giao diện mới, toàn bộ dữ liệu về Covid-19 suốt thời gian qua ở từng bang và thành phố đều không còn, tổng số ca nhiễm và tử vong cũng biến mất, mà thông tin trên website chỉ còn hiển thị số ca nhiễm, trường hợp tử vong và hồi phục trong 24 giờ gần nhất.
"Dữ liệu tích lũy này không phản ánh đúng thực tại ở Brazil hiện nay. Giới chức đang tiến hành các biện pháp nhằm cải thiện việc báo cáo số ca nhiễm và xác nhận những trường hợp được chẩn đoán", Tổng thống Jair Bolsonaro viết trên Twitter.
Động thái trên, cùng với việc Chính phủ Brazil lùi thời điểm cập nhật số liệu Covid-19 hằng ngày, từ khoảng 17g00 lên 22g00, đã vấp phải nhiều chỉ trích. "Minh bạch thông tin là công cụ mạnh mẽ để chống dịch", Paulo Jeronimo de Sousa - người đứng đầu Hiệp hội Báo chí Brazil, nói, đồng thời cáo buộc Chính phủ đang cố "bịt miệng" báo chí bằng cách công bố số liệu vào cuối ngày.
Khi được hỏi về cáo buộc này trong chương trình truyền hình được theo dõi nhiều nhất ở Brazil "Jornal Nacional" vào 20g30 hôm 5/6, Tổng thống Bolsonaro không trả lời mà chỉ đùa chương trình này "thích nói rằng Brazil lập kỷ lục về cái chết".