Singapore và Indonesia tìm cách quản lý giá cước Grab, Go-Jek

Phiên An| 18/08/2019 07:58

Các nhà quản lý tại Singapore và Indonesia muốn có quyền can thiệp cách tính cước, áp giá trần và giá sàn cho dịch vụ gọi xe.

Tài xế xe hai bánh của Go-Jek và Grab trên đường phố Indonesia. Ảnh: Kosaku Mimura

Tài xế xe hai bánh của Go-Jek và Grab trên đường phố Indonesia - Ảnh: Kosaku Mimura

Các nhà lập pháp Indonesia và Singapore đang thắt chặt quy định về giá cước của Grab và Go-Jek, động thái cho thấy các nhà chức trách đang tăng cường giám sát các nền tảng này khi sự ảnh hưởng với ngành vận tải ngày càng lớn.

Cả hai quốc gia đã có động thái gia tăng quyền lực cho cơ quan quản lý về việc họ được biết giá cước được thiết lập và thông báo đến người tiêu dùng như thế nào. Quốc hội Singapore tuần trước đã thông qua một dự luật cho phép cơ quan quản lý quyền khống chế tình trạng tăng cước quá mức của các ứng dụng gọi xe. Trong khi đó, đầu năm nay, Indonesia đã thiết lập giá cước tối đa và tối thiểu cho dịch vụ xe hai bánh gọi qua ứng dụng.

Động thái của Singapore và Indonesia có thể sẽ đưa các dịch vụ gọi xe hiện có vào một sân chơi bình đẳng với taxi truyền thống cũng như các công ty mới tham gia thị trường. Một ngày sau khi dự luật ở Singapore được trình lên vào tháng trước, giá cổ phiếu của Công ty Taxi ComfortDelGro đã tăng 2,5%.

Theo đánh giá của Nikkei, động thái cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan quản lý ở nơi khác trên thế giới, trong bối cảnh các dấu hiệu cho thấy một số chính phủ đang muốn tăng cường quy định giám sát ngành dịch vụ gọi xe.

Singapore và Indonesia là hai quốc gia có mức độ thâm nhập dịch vụ gọi xe cao nhất thế giới. Tại Singapore, 52% số người dùng Internet có sử dụng dịch vụ này, trong khi tỷ lệ ở Indonesia là 51%, theo Global Digital Report 2019 của We Are Social và Hootsuite.

Dự luật đề xuất nhà chức trách có một số quyền đối với giá cước, có thể yêu cầu đơn vị khai thác như Grab và Go-Jek chỉnh sửa các thành phần cấu thành giá và đặt ra giá cước tối đa và tối thiểu. 

Giá cước mỗi chuyến đi của Grab, Go-Jek dựa trên kinh tế cung-cầu, tức khi nhu cầu tăng thì giá sẽ tăng. Trong giờ cao điểm hoặc trời mưa, giá có thể tăng cao dù chi tiết về cách xác định nó tăng thế nào chưa rõ ràng. Tại Singapore, hành khách còn phải trả thêm phụ phí, ví dụ như 3 đôla Singapore (2,2 USD) cho mỗi 5 phút đến trễ tại điểm đón.

Trong khi các nhà lập pháp ủng hộ dự luật thì một số tài xế tỏ ra lo ngại. Một người đàn ông 62 tuổi lái xe cho Grab và Go-Jek ở Singapore nói với Nikkei rằng, nếu chính phủ bắt đầu kiểm soát giá thì thu nhập của tài xế sẽ giảm, nhiều người sẽ phải tìm công việc khác.

"Chúng tôi vẫn cam kết phục vụ nhu cầu của các đối tác tài xế và hành khách, cũng như thúc đẩy tầm nhìn về tương lai di động ở Singapore, một cách thông minh, an toàn và liền mạch", người phát ngôn của Grab nói điều này có thể đạt được thông qua một khung pháp lý "hướng tới tương lai, công bằng và hỗ trợ sự đổi mới".

Trong khi đó, người phát ngôn của Go-Jek tuyên bố "môi trường chính sách bảo vệ hành khách, tài xế cũng như thị trường mở và có thể cạnh tranh là không thể thiếu để duy trì vị thế của Singapore như một thị trường trọng điểm cho di động đô thị ở Đông Nam Á".

Nhà kinh tế học giao thông Walter Theseira tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore nhận định, không thành phố lớn nào bãi bỏ hoàn toàn quy định về giá cước taxi mà để mặc cho thị trường tự do quyết định.

"Tôi hy vọng dịch vụ gọi xe sẽ được đối xử không khác. Tôi nghĩ rằng các nhà quản lý có ý thức sẽ không sử dụng quyền hạn của họ quá mức, nhưng tất cả cơ quan quản lý đều muốn có thẩm quyền pháp lý để thực thi quyền lực nếu cần", vị chuyên gia bình luận.

(Theo VnExpress - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Singapore và Indonesia tìm cách quản lý giá cước Grab, Go-Jek
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO