Triển vọng thời trang làm từ vật liệu sinh học ngày càng rộng mở. Ảnh: Linkedln |
Theo số liệu của công ty thời trang quốc tế Fashion United, thị trường may mặc thế giới có giá trị ước đạt tới 3.000 tỷ USD và chiếm 2% GDP toàn cầu. Đầu tư xúc tiến thời trang bền vững là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn. Các thương hiệu quần áo thể thao và thời trang cao cấp đang ngày càng quan tâm hơn tới những loại sợi vải tái chế cũng như chất liệu mới làm từ nấm, quả cam, tảo hay thậm chí là mạng nhện.
Với những thành tựu đột phá mà những startup như VitroLabs, BoltThread hay Mycoworks đạt được, cùng với việc các ông lớn thời trang như Adidas và Nike tài trợ cho quá trình nghiên cứu, việc con người "nuôi trồng" quần áo chắc hẳn sẽ không còn quá xa vời.
Thời trang làm hại môi trường
Theo số liệu từ The Apparel Industrys Environmental Impact (Tác động đến Môi trường của Ngành công nghiệp May mặc) thuộc tổ chức nghiên cứu toàn cầu World Resource Institute, phải mất ít nhất 2.700 lít nước để có thể sản xuất một chiếc áo cotton. Con số này tương đương lượng nước một người bình thường uống trong 2 năm rưỡi.
Bởi đặc tính "háo nước" này của cây bông, nên việc nuôi trồng nó ở các vùng hiếm nước gây thiệt hại rất lớn đến môi trường. Ở Trung Á, biển Aral đã gần như cạn khô vì nông dân trồng bông "rút" nước quá nhiều từ các nhánh sông Amu Darya và Syr Darya.
Cũng theo báo cáo trên, trong năm 2015, chỉ riêng việc sản xuất polyester cho ngành dệt đã sản sinh gần 706 tỷ ký khí nhà kính, tương đương lượng xả thải hằng năm của 185 nhà máy điện đốt than. Hơn nữa, việc ngành "thời trang nhanh" (fast fashion) đẩy chu kỳ sản xuất quần áo hằng năm lên con số từ 50 - 100, so với chỉ 2 chu kỳ/năm của hình thức truyền thống, càng làm gia tăng mạnh mẽ tác động của ngành may mặc lên môi trường.
Những chiếc áo khoác da làm từ vi khuẩn nuôi cấy tỏng nước đường sẽ giúp giảm tác động tới môi trường. Ảnh: Ted Vienna |
Và, có một sự thật còn đáng buồn hơn, đó chính là việc người tiêu dùng không sử dụng phần lớn quần áo mình mua. Theo Cục Thống kê Australia, một người dân nước này bình quân mua thêm 27 kg quần áo mỗi năm và thải khoảng 23 kg, trong đó 2/3 số quần áo thải ra được làm từ chất liệu tổng hợp như polyester hay nylon. Những loại sợi tổng hợp này lại có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch, chúng gần như tồn tại mãi mãi và gây ô nhiễm biển, đất cũng như xâm nhập vào chuỗi thức ăn của sinh vật.
Ngoài ra, hàng loạt vấn đề khác có liên quan đến ngành công nghiệp may mặc như ngược đãi động vật, rủi ro sức khỏe cho người làm công từ phẩm nhuộm, thuốc trừ sâu... Có thể nói, ngành thời trang chưa bao giờ lại khát khao một sự thay đổi mang tính đột phá như bây giờ.
Cũng bởi chính những tác động to lớn kể trên đã khiến cho giới khoa học cùng nhiều nhà tạo mốt danh tiếng như Armani, Stella McCartney hay gần đây nhất là Gucci, hưởng ứng việc phát triển một nền thời trang bền vững, có lợi nhuận mà vẫn thân thiện với môi trường.
Xu hướng phát triển bền vững
Tại sự kiện Paris Fashion Week năm nay, nhiều mẫu quần áo với chất liệu cải tiến, thân thiện với thiên nhiên đã được trình làng; qua đó cho thấy tiềm năng phát triển to lớn của thời trang bền vững. Một trong những ý tưởng táo bạo nhất có lẽ đến từ VitroLabs, khi startup này thành công trong sử dụng tế bào gốc để tạo ra sản phẩm da mà không cần sự có mặt của động vật.
Thấy được tiềm năng của "thời trang sinh học", nhiều vườn ươm khởi nghiệp cũng đã nhanh chóng hình thành. IndieBio, một vườn ươm tại San Francisco (Mỹ), đang hỗ trợ các startup như Mycoworks hay BioLoom nghiên cứu chế tạo da từ vi nấm và sợi cotton từ nấm men. Những startup này đang góp phần tạo ra sự liên kết chưa từng có tiền lệ giữa giới khoa học, nhà tạo mẫu và các kỹ sư.
Sản phẩm da làm từ công nghệ tế bào gốc của VitroLabs. Ảnh: Clean Technica |
Một trong những cái tên tiên phong trong phát triển thời trang bền vững là Suzanne Lee. Trong bài diễn thuyết hồi năm 2011 mang tên Grow Your Own Clothes (Tự trồng quần áo), Suzanne đã bày tỏ sự ủng hộ cũng như lần đầu trình bày hướng sản xuất quần áo từ các vi sinh vật như tảo, nấm men, vi nấm v.v... Cô từng chia sẻ: "Với sự hỗ trợ của công nghệ sinh học, tôi thực sự rất hào hứng về việc con người có thể xem vi khuẩn như những nhà máy sản xuất trong tương lai". Hiện, Công ty BioCouture của nhà thiết kế này đã thành công trong việc làm ra quần áo từ vi khuẩn được nuôi cấy trong nước đường.
Bắt kịp với ý tưởng đổi mới của Suzanne, hàng loạt công ty khác cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực thời trang làm từ vải sinh học. Đơn cử như Modern Meadow, một công ty thành lập năm 2011 ở New Jersey, Mỹ, đã tạo ra được sản phẩm giống như da bò có nguồn gốc từ nấm men. Bolt Threads, một công ty khác tại California, đang tiến hành sản xuất sợi vải giống tơ tằm từ mạng nhện.
Mới đây, Viện Công nghệ Massachusetts danh tiếng của Hoa Kỳ cũng thông báo thành lập phân viện nghiên cứu mang tên Advanced Functional Fabrics và Trường đại học Utrecht tại Hà Lan cũng quyết định mở chương trình đào tạo thạc sĩ đầu tiên liên quan đến vật liệu sinh học. Một vườn ươm tăng tốc khác liên quan đến vật liệu sinh học mang tên Fashion Tech Lab cũng nhận được nhiều sự chú ý từ phía dư luận bởi hai cái tên lớn đứng đằng sau nó là Stella McCartney và Miroslava Duma.