Sài Gòn một thuở

Phương Trang| 28/02/2021 08:10

Lời tòa soạn: Thưa quý độc giả, sau chương trình Tuần lễ Doanh nhân và Sách 2020 được cộng đồng doanh nhân và bạn đọc đón nhận rộng rãi, Doanh Nhân Sài Gòn tiếp tục triển khai chương trình Doanh nhân và Sách, nhằm khuyến khích và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa văn hóa đọc trong giới doanh nhân. Kể từ số báo 600, Doanh Nhân Sài Gòn giới thiệu những đầu sách được các doanh nhân chọn đọc hoặc Doanh Nhân Sài Gòn chọn, như một nguồn tham khảo để bạn đọc có thêm chọn lựa.

sai-gon-mo-thuo-1584-1614314653.jpg

Không hẹn mà gặp, đầu năm Tân Sửu, những đầu sách về Sài Gòn được giới thiệu rộng rãi đến bạn đọc, góp thêm hình dung và tư liệu về mảnh đất đô thị nhiều độ nén này.

Sài Gòn từ độ khẩn hoang đến nay, 300 năm có lẻ vài chục về chiều dài lịch sử nhưng dấu ấn văn hóa và con người Sài Gòn luôn gây nhiều ngạc nhiên mỗi khi có ai đó lần giở ký ức. Ngạc nhiên bởi, sống ở Sài Gòn bao nhiêu năm mà còn rất nhiều điều chưa biết, chưa rành rẽ về vùng đất này. Sài Gòn chứa trong lòng nó không chỉ có sự bao dung, khí phách hào sảng qua những câu chuyện nghĩa tình đời thường người ta vẫn chứng kiến mà còn cả chiều sâu về văn hóa, kiến trúc, ẩm thực... mà nếu không có những tác giả dày công tìm hiểu, có lẽ sẽ sớm rơi vào quên lãng.

Dòng sách về Sài Gòn đã bùng thành một cú nổ lớn nhiều năm trước với điển hình là bộ sách công phu và đồ sộ của tác giả - nhà báo Phạm Công Luận - Sài Gòn chuyện đời của phố. Nhiều cuốn sách khác về Sài Gòn, xưa và nay, từ bình diện khảo cứu cho đến tản văn, truyện dài, truyện ngắn... (các đầu sách của nhà văn Lê Văn Nghĩa có thể xem là một đại diện tiêu biểu), tiếp nối ra đời, mang đến cho Sài Gòn những lát cắt khác nhau về diện mạo, mà diện mạo nào cũng đẹp, cũng thơ, cũng dung dị như cách người Sài Gòn cho đi vậy.

Như bất kỳ dòng chảy nào, có đỉnh cao sẽ có thoái trào. Sách về Sài Gòn cũng qua thời hoàng kim để nhường chỗ cho sự lên ngôi của những dòng sách khác. Âu đó cũng là lẽ tất yếu của sự phát triển. Và là phát triển một cách tích cực khi diện mạo của ngành sách ngày càng đa dạng, phong phú hơn, thị trường sôi nổi hơn. Tuy nhiên, các đầu sách về Sài Gòn không lặng im mà vẫn túc tắc được giới thiệu, mỗi năm vài quyển. Tất nhiên, không phải quyển nào cũng hay, cũng giá trị, cũng mới mẻ nhưng nó cho thấy một điều: tình yêu đối với vùng đất này chưa bao giờ vơi, cũng như còn rất nhiều điều về Sài Gòn ở đó, quan trọng là người viết có chịu đào sâu, tìm tòi, có đủ kiên nhẫn để rốt ráo trước tốc độ đô thị hóa nhanh chẳng kém gì tốc độ tăng trưởng Internet tại Việt Nam.

Tâm thế của một người cầm bút và của một người yêu Sài Gòn, hoặc sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, chứng kiến bao vật đổi sao dời, bao bể bãi hóa nương dâu, thật ngẫu nhiên, đều gặp nhau ở niềm trăn trở chưa bao giờ ngừng hối thúc: phải làm gì và làm như thế nào để những giá trị của Sài Gòn được tiếp tục bảo lưu trong dòng chảy hiện đại và hội nhập? Họ chấp nhận sự chuyển dịch của thời đại, của lớp trẻ hôm nay, đồng thời họ luyến tiếc những chân giá trị bị lòng người lãng quên hoặc cố tình quên lãng. Nhưng họ không gào thét sáo rỗng mà bày biện ra đó những điều đẹp đẽ, hay ho nhất về Sài Gòn để người ta ngắm nghía, chiêm nghiệm và thẩm thấu. Phải hiểu mới yêu, từ đó mà lựa chọn một thái độ cho thích hợp với những di sản văn hóa, vật thể còn sót lại. Bởi có hôm qua mới có hôm nay, trân trọng quá khứ mới có thể dõng dạc nhìn về tương lai và có hành động đúng đắn.

sai-gon-ngoanh-lai-3301-1614314654.jpg

Năm nay, Phạm Công Luận - cây bút quen thuộc của các đầu sách về Sài Gòn tái ngộ độc giả bằng một cuốn sách với cái tên đầy hoài niệm: Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm. Khác với những đầu sách trước đó, tập hợp các câu chuyện độc lập, cuốn sách này nhìn lại cuộc sống Sài Gòn trên dưới trăm năm qua với kết cấu nội dung tương đối chặt chẽ, qua từng lĩnh vực từ chuyện nhà cửa, dịch vụ ẩm thực, giải trí và thưởng ngoạn, nguồn nhân lực... Một cuốn sách khác, sống động và ngồn ngộn chi tiết về sự kiện, con người đến từ nhà báo Cù Mai Công: Sài Gòn một thuở - “dân Ông Tạ đó!” (NXB Trẻ). Cuốn sách vẽ nên dấu ấn một vùng tại Sài Gòn suốt quãng từ thập niên 50-90, từ thời “đèn dầu nước giếng” đến khu vực phát triển sầm uất như bây giờ.

sai-gon-bao-nho-5252-1614314654.jpg

Thật đẹp và cũng thật trùng hợp khi cả hai tác giả đều là những cây bút danh tiếng trong lĩnh vực báo chí, cũng là bạn của nhau và cùng nhau ra mắt hai đầu sách về vùng đất họ từng sinh ra và lớn lên, rồi lập nghiệp, mà mỗi quyển đều có phong vị riêng, với cùng một tâm thế:  lưu giữ chút gì đó không khí của một thời đã xa.

Một cuốn sách khác viết về Sài Gòn, ra mắt dịp này là Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ (NXB Trẻ) của Đàm Hà Phú. Khác với hai cuốn sách vừa nêu trên, cuốn sách này là những ghi chép nhỏ của tác giả về những câu chuyện vụn vặt ở Sài Gòn. Tuy không đủ để tái hiện hết từng khía cạnh của đời sống thường nhật ở Sài Gòn, cũng không có nhiều giá trị tư liệu nhưng những bài viết trong cuốn sách này đủ khiến người đọc rung động vì một Sài Gòn thân thương như chính tiêu đề của nó: “bao nhớ”! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sài Gòn một thuở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO