10 tiêu chí để thành “chiến binh nhân từ”

TRẦN PHÚ AN| 19/01/2018 01:10

Dù bạn mong muốn thành công ở lĩnh vực nào, quyển sách này cũng có thể trở thành cuốn cẩm nang hướng dẫn bạn nắm bắt khái niệm sống là để giúp người khác thành công.

10 tiêu chí để thành “chiến binh nhân từ”

Nguyên tác: The Compassionate Samurai - Người dịch: Nguyễn Trung An - Vương Bảo Long - Bản quyền bản tiếng Việt: First News

Về tác giả

Brian Klemmer tốt nghiệp Học viện Quân sự Mỹ, là một diễn giả tài ba và được kính trọng, là chủ Công ty Klemmer & Associates Leadership Seminars, là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy.

Khách hàng của ông gồm: Aetna Life Insurance, American Suzuki Corporation, General Electric, Walt Disney Attractions, và nhiều công ty khác.

Nội dung chính

Hiện nay truyền thống đạo đức ngày càng bị bào mòn, lòng tham lam và tính ích kỷ ngày càng phát triển, liệu xã hội loài người sẽ đi về đâu?

Để ngăn chặn những nguy cơ có thể đẩy thế giới đến chỗ diệt vong, cần phải có lực lượng tiên phong “chiến binh nhân từ”. Hình ảnh và tính cách của chiến binh nhân từ được tác giả phác họa qua 10 tiêu chí cơ bản.

Còn lương tâm, chúng ta cần nắm chắc 10 tiêu chí này để tự rèn luyện và cứu lấy loài người.

LỜI GIỚI THIỆU

Từ chiến binh (Samurai) trong tiếng Nhật còn có nghĩa là “phục vụ”, điều đó có nghĩa sâu xa là trái tim nhân hậu của người chiến binh là để giúp đỡ mọi người. Do đó, thuật ngữ “Chiến binh nhân từ” nhằm chỉ những người hội tụ được giá trị đạo đức vững vàng, có khả năng biến những ý định của mình thành hiện thực, trong khi vẫn dành trọn cuộc đời để phụng sự xã hội.

Sự thịnh vượng mà chúng ta đang hưởng thụ nhờ những thành quả từ bản sắc của cha ông, nhưng bản sắc đó đang bị bào mòn. Tiến trình đó có thể chậm rãi, âm thầm, song tác động của nó lại dữ dội có thể đẩy con người đến chỗ diệt vong.

Mục đích của quyển sách này là khơi dậy ở những linh hồn nhân bản, tính dũng mãnh của chiến binh để giành thắng lợi trong những “trận chiến cuộc sống” và thoát khỏi những giới hạn do tính thụ động của chính mình tạo ra.

Dù bạn mong muốn thành công ở lĩnh vực nào, quyển sách này cũng có thể trở thành cuốn cẩm nang hướng dẫn bạn nắm bắt khái niệm sống là để giúp người khác thành công.

CHƯƠNG 1 - CAM KẾT

Chiến binh nhân từ tin rằng cam kết nghĩa là thực hiện điều mà anh ta nói rằng sẽ thực hiện bất kể hoàn cảnh, còn người bình thường chỉ thực hiện những điều họ thích làm.

Nếu một chiến binh bị sát hại vì anh ta bảo vệ nguyên tắc giữ lời hứa thì cái chết của anh ta đáng được tôn vinh. Bi kịch lớn nhất của họ là sống một cuộc sống không viên mãn hoặc thiếu nguyên tắc.
Người bình thường không quan tâm đến việc phải giữ cam kết, hầu như lúc nào họ cũng thất hứa.

Cam kết là cơ sở của niềm tin và là nền tảng của mọi mối quan hệ. Phá vỡ cam kết đồng nghĩa với việc hủy hoại niềm tin, người phá vỡ cam kết sẽ bị cô lập, người khác sẽ không muốn làm ăn hoặc thiết lập mối quan hệ cá nhân với anh ta.

Nếu bạn muốn là một chiến binh nhân từ thì bạn phải đưa ra những cam kết lớn lao và quyết tâm giữ đúng những cam kết đó. Cuộc sống dường như tỷ lệ thuận với tầm vóc của các cam kết cũng như khả năng hoàn thành các cam kết đó. Người chiến binh sống như thể họ không còn có ngày mai, cống hiến hết mình cho hiện tại, đó là nguyên tắc sống của họ.

“Tôi không để lại tiền của.Tôi không để lại cho đời những thứ xa hoa đẹp đẽ. Tôi chỉ muốn để lại một cuộc đời đã cống hiến hết mình” (Martin Luther King, Jr.).

Tuy nhiên, có những cam kết dù kiên định nhưng không tạo nên phẩm chất của một chiến binh nhân từ. Hãy xem những tên khủng bố đã sẵn sàng hy sinh tính mạng cho niềm tin của mình. Nhưng chúng không bao giờ được xem là chiến binh nhân từ bởi chúng thiếu phẩm chất quan trọng nhất: phụng sự cộng đồng.

CHƯƠNG 2 - TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN

Người chiến binh nhân từ tin rằng vị trí mà họ đang đứng hôm nay có liên quan trực tiếp đến những lựa chọn trước đây của họ. Những người bình thường thì luôn ở trạng thái bị động, họ mang tâm trạng của một nạn nhân.

Cùng một hành động nhưng việc lựa chọn quan điểm khác nhau sẽ thay đổi trải nghiệm của chúng ta. Bạn sẽ trở thành một chiến binh nhân từ khi bạn chọn quan điểm rằng chính bạn sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả mọi việc trong cuộc sống của mình. Hành động của những người chung quanh thật ra không quan trọng lắm đâu, mà chính cách chúng ta phản ứng với những hành động đó mới thực sự là điều đáng bận tâm. Như con tàu đã dong buồm ra khơi, bạn sẽ không bận tâm đến chiều gió đang thổi mà điều quan trọng hơn là với những điều kiện đó bạn sẽ điều chỉnh cánh buồm và bánh lái như thế nào.

Con người có thể bị tước đoạt tất cả mọi thứ, trừ một điều: sự tự do - tự do lựa chọn thái độ sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, tự do lựa chọn hướng đi cho mình. Nếu chúng ta không dám lựa chọn nghĩa là chúng ta đã đánh mất tự do cho mình.

Đối với chiến binh nhân từ, sự bất tiện trước mắt không quan trọng nếu những lợi ích dài hạn tỏ ra vượt trội hơn. Vào thời lập quốc của nước Mỹ, 56 con người dũng cảm đã đặt bút ký vào bản tuyên ngôn độc lập, khi làm việc này, họ biết rằng họ đã đặt gia đình, tài sản và cuộc sống của mình trước sự nguy hiểm để đổi lấy cơ hội theo đuổi tự do cho chính họ và những người khác. Họ là những chiến binh nhân từ, nhờ hành dộng dũng cảm của họ mà giờ đây nhân dân Mỹ được hưởng tự do.

Chiến binh nhân từ không phải là vai diễn miễn phí, những phí tổn đi kèm là rất lớn. Chúng ta đã nhận được tự do, nhưng giờ đây chúng ta phải tái tạo giá trị của nó, nếu không, thế hệ mai sau sẽ để mất.

Tiến sĩ Myles Munroe xem sự thiếu trách nhiệm là kẻ thù lớn nhất của tự do. Khi lối sống thiếu trách nhiệm được phép tồn tại thì tiếng nói của lương tâm bị lấn át.

Cách duy nhất để duy trì quyền tự do trong mọi lĩnh vực của cuộc sống là con người phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với mọi hành động của bản thân.

Trong tất cả các trò chơi, đổ lỗi là sự phí phạm thời gian lớn nhất, bởi bạn không hề giải quyết được vấn đề. Chiến binh nhân từ tách biệt lỗi và sự đổ lỗi, do đó họ sẵn sàng nhận trách nhiệm cá nhân trong tất cả mọi việc.

CHƯƠNG 3 - SỰ CỐNG HIẾN

Một doanh nhân bình thường sẽ sống một cuộc sống bình thường, doanh nhân xuất sắc tạo ra nhiều lợi nhuận và luôn chiến thắng trên thương trường. Nhưng đối với những doanh nhân là chiến binh nhân từ, bên cạnh sự thành công vượt bậc, họ còn quyết định chọn cách cống hiến lớn lao cho cộng đồng, đồng nghiệp, nhân viên và cho khách hàng của họ. Họ ý thức rằng, tất cả những thứ mà họ đang nắm giữ, kể cả tiền bạc, thời gian, tài năng và thậm chí chính cuộc sống của họ có mối quan hệ với mọi người, nên họ tìm cách để cống hiến. Đôi lúc họ hưởng lợi từ việc cho đi, đôi lúc không. Có những lúc họ có rất nhiều để cho đi, cũng có khi họ không có gì cả nhưng họ luôn sống với tôn chỉ cống hiến.

Lợi ích của việc cho tặng là mang lại cảm giác tích cực. Niềm vui cuộc sống nằm ngay trong cử chỉ cho tặng ấy. Không thể cho đi mà không được nhận lại gì, dù bạn không mong muốn như thế, nhưng đó là quy luật - không phải quy luật xã hội mà là một quy luật giống như luật vạn vật hấp dẫn vậy.

Sự đền đáp có thể dẫn đến từ một người khác hoặc thậm chí từ một nơi khác. Khi bạn giúp đỡ một người nào đó thì theo bản năng, người đó tin rằng họ đang nợ bạn, và món nợ đó thường là sự trung thành. Khi bạn cho tặng mà không màng đến sự đền đáp hay công nhận, một điều kỳ diệu sẽ xảy ra - bạn nhận thấy mình có quyền lực hoặc sức ảnh hưởng không sao lý giải nổi.

Cho đi có nghĩa là hiến tặng những gì mà người khác muốn và cần, chứ không phải là thứ bạn muốn cho đi, thậm chí bạn không cần hiểu ý nghĩa hoặc giá trị của những việc bạn đang làm, bạn chỉ cần biết rằng điều đó có ý nghĩa đối với những người khác.

Bạn hãy từ bỏ lối tư duy thiếu hụt “điều này hoặc điều kia”, ví dụ: “Tôi chỉ có thể thành công trong công việc, hoặc chăm sóc gia đình, chứ không thể cùng lúc thực hiện cả hai nghĩa vụ đó”.

Nếu cứ theo lối mòn của kiểu tư duy thiếu hụt này thì trên đời này chẳng bao giờ có đủ tiền bạc, tình yêu, thời gian, người tốt, cơ hội, tương lai, khách hàng hay bất cứ thứ gì khác. Chiến binh nhân từ biết rằng chỉ cần một mình họ là đủ, bởi vì bản thân không phải là nguồn của cải nên họ sẵn sàng cho tặng vô hạn định.

Cho tặng không có nghĩa là bạn đánh mất đi cái gì đó, mặc dù đây là cách mà người bình thường vẫn hay nhìn nhận. Hành vi cho tặng tác động tích cực đến người cho cũng như người nhận.

CHƯƠNG 4 - SỰ TẬP TRUNG

Tập trung là khả năng chuyển sự chú ý, nỗ lực hoặc hoạt động của bạn vào một phương hướng hoặc một đối tượng mong muốn. Thuộc tính đáng kinh ngạc của sự tập trung là tính chất đòn bẩy - chỉ với tài năng trung bình, thời gian ít ỏi, hoặc nguồn lực tối thiểu, bạn vẫn có thể tạo nên những kết quả phi thường vì sự tập trung là đòn bẩy cho sức mạnh, cũng giống như kính lúp có thể hội tụ sức nóng của mặt trời.

Link bài viết

Người bình thường nhầm tưởng rằng sự tập trung đòi hỏi rất nhiều công sức và luôn gây căng thẳng, và không tập trung thì thoải mái, vui vẻ. Đó là tâm lý thiếu hụt. Khi tập trung và thư giãn, chiến binh nhân từ có khả năng đưa ra những quyết định thông minh hơn, tư duy mạch lạc hơn và tinh thần sảng khoái hơn.

Các vị Mohandas Gandhi, Martin Luther King Jr, Nelson Mandela, Mẹ Teresa là những chiến binh nhân từ, họ có điểm chung là không ngừng tập trung vào tầm nhìn vì một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người. Họ chưa bao giờ nao núng, họ luôn kiên định dù phải chịu nhiều áp lực.

Một trong những cách giúp chiến binh nhân từ luôn tập trung là nghĩ đến cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi nghĩ như vậy, bạn sẽ làm tròn nghĩa vụ về lòng trung thành, nghĩa vụ gia đình, xã hội…, và sẽ tránh được vô số sự xấu xa.

Nếu bạn nghĩ bạn sẽ sống lâu, bạn sẽ có rất nhiều ước muốn và trở nên đầy tham vọng.

Khi bạn sống mà luôn nghĩ đến cái chết, bạn không cần cố gắng duy trì cuộc sống chỉ đơn thuần cho mục đích tồn tại, bởi bạn biết rằng động cơ đó đã không còn. Bạn sẽ cống hiến hết mình bởi vì bạn không có gì để mất.

Chiến binh nhân từ cũng đừng để cho quá khứ chi phối. Chừng nào còn để cho quá khứ trói chân, bạn sẽ không bao giờ được tự do theo đuổi tương lai. Thậm chí bạn không thể tập trung vào hiện tại, không tập trung vào hiện tại có thể giết chết tính hiệu quả trong mọi việc bạn làm.

Chiến binh nhân từ rất tập trung, nhưng họ vẫn nhận biết tất cả mọi việc diễn ra quanh mình. Nói cách khác, hãy tập trung vào một vấn đề tại nơi làm việc, rồi sau đó giải phóng toàn bộ tư duy đó để tập trung vào vấn đề hoàn toàn khác.

Tốc độ chuyển đổi sự tập trung phụ thuộc vào khả năng của bạn, hãy rèn luyện kỹ năng này, bởi nó sẽ huy động sức mạnh và trí sáng tạo của bạn một cách hiệu quả.

CHƯƠNG 5 - SỰ TRUNG THỰC

Trung thực là cung cấp cho mọi người sự thật, toàn bộ sự thật, và không gì ngoài sự thật.

Chiến binh nhân từ lúc nào cũng thể hiện sự trung thực, ngay cả khi quanh họ không có ai hoặc trong tình huống họ có thể đánh đổi mạng sống của mình.

Có người mắc thói quen chỉ nói những điều anh ta cho rằng người khác muốn nghe. Như vậy là người này đang che giấu một điều gì đó. Như vậy họ đang gây tác hại cho chính mình lẫn người nghe.

Những nhà quản lý vẫn hay nói với cấp trên họ sẽ làm được việc này, việc kia mặc dù họ biết mình không có khả năng. Nhân viên kinh doanh thường hứa hẹn những điều phi thực tế chỉ vì muốn bán được hàng. Họ đã tự tạo ảo tưởng và hậu quả sẽ vô cùng tệ hại.

Nếu bạn từng nói dối, mọi người sẽ không còn tin bạn nữa. Do đó, bạn đã phá vỡ mối quan hệ tin cậy và làm cho việc kinh doanh trở nên chậm chạp, kém hiệu quả.

Trung thực với chính mình cũng quan trọng như trung thực với người khác. Không phải bạn đang tự lừa dối mình mà bạn đang cản trở bước tiến bộ của chính mình bằng những điều mà bạn biết không phải là sự thật, ngay cả khi chỉ mình bạn biết điều đó.

Minh bạch là khi mọi thứ đều được nhìn thấy một cách dễ dàng. Nhưng không phải lúc nào minh bạch cũng là khôn ngoan. Đôi khi minh bạch là cần thiết, nhưng có lúc bạn cần tiết chế sự minh bạch.

Hầu hết mọi người đều có những bí mật không muốn cho ai biết. Cũng chẳng sao, bạn không nhất thiết phải nói cho mọi người biết tất cả. Nhưng sự trung thực luôn có lý do để tồn tại, vì trung thực liên quan đến sự liêm chính và đáng tin cậy.

Sự thiếu trung thực sẽ ngăn chặn những ý tưởng thông minh, hành động mau lẹ, và những người tốt không thể cống hiến tất cả những gì họ có.

Khi bạn trung thực, hãy để ý mà xem, mọi việc sẽ vận hành nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều.

CHƯƠNG 6 - TÔN TRỌNG

Tôn trọng một người là luôn dành cho họ sự kính trọng và tôn vinh đúng mực. Thái độ bất kính đi kèm với cái giá rất đắt, tuy không phải lúc nào người ta cũng nhận ra cái giá của bất kính. Nhưng như thế không có nghĩa là họ không phải trả giá.

Một người biết tôn trọng hiểu rằng khi tôn trọng người đang giao thiệp với mình tức là anh ta đang tôn trọng chính mình, gia đình mình, công ty mình…

Bạn có thể trung thực mà không cần cao ngạo hoặc xem thường người chung quanh. Nhưng để làm được điều đó, trước tiên bạn hãy học cách lắng nghe. Có lẽ đó là lý do mà tạo hóa ban cho con người hai cái tai, nhưng chỉ có một cái miệng.

Giữ đúng cam kết, dù là một cam kết tầm thường, có mặt đúng giờ dù đó là cuộc họp quan trọng hay là việc cá nhân, đó là hành vi tôn trọng. Những việc làm gây ô nhiễm môi trường là thể hiện sự thiếu tôn trọng người khác và thế hệ tương lai.

Sự bất kính hạ thấp giá trị con người. Trong một trận đấu quyền anh, Mike Tyson đã cắn đứt vành tai của đối thủ. Mike Tyson là một võ sĩ lớn, là nhà vô địch thế giới, nhưng hành động thú tính của anh đã làm cho anh trở thành kẻ thấp hèn dưới con mắt của khán giả thế giới. Sự bất kính đã làm anh trở nên tầm thường.

CHƯƠNG 7 - NIỀM TIN

Tin tưởng ai đó là đặt niềm tin vào phẩm chất, khả năng và lời nói của người đó. Sự tin cậy có thể duy trì một mối quan hệ vượt qua nhiều thử thách, dù đó là mối quan hệ công việc hay cá nhân.

Chiến binh nhân từ có thể tin tưởng bản thân, người khác và đủ tỉnh táo để biết khi nào nên làm như vậy.

Nhờ có niềm tin, người ta tạo được sức mạnh hợp lực của tập thể. Không tin tưởng lẫn nhau thì chúng ta không thể kết hợp nhau lại được, vì hợp lực có giá trị lớn hơn nhiều của tổng giá trị từ các thành phần riêng lẻ. Nói cách khác, 1 và 1 là 2, nhưng 1 cộng 1 thì có thể bằng 3.

Sự tin tưởng trở thành công cụ cơ bản để tạo ra sự khác biệt hoặc sự cống hiến. Khi bạn tin tưởng người khác, bạn sẽ ủy quyền cho họ, và người được tin tưởng luôn làm việc sáng tạo với cường độ cao hơn. Họ biến đổi một cách kỳ diệu, gần như hóa thành con người khác khi cố gắng đáp ứng sự tin tưởng bạn gửi gắm nơi họ.

Link bài viết

Tại sao nhiều người vẫn không muốn xây dựng niềm tin? Bởi vì sự tin tưởng cũng có những rủi ro riêng. Trong kinh doanh có một nguyên tắc gọi là tỷ số rủi ro / phần thưởng. Nếu ta không biết cả rủi ro lẫn phần thưởng từ việc làm của mình thì việc đó chẳng còn ý nghĩa nữa.

Một số người thực hiện những cam kết lớn mà không thể thẩm định, không phải là họ quá tin tưởng mà là họ thiếu trách nhiệm. Chiến binh nhân từ xem xét kỹ từ góc độ niềm tin. Họ có thể tin tưởng hoàn toàn, nhưng họ biết nên đặt niềm tin lúc nào và ở đâu một cách khôn ngoan.

Tuy nhiên mọi chiến binh đều hiểu cảm giác bị tổn thương hoặc phản bội, dù điều đó xảy ra trong một giao dịhc kinh doanh, một mối quan hê, thậm chí là một tình bạn thân thiết. Phương pháp xử lý của chiến binh khi niềm tin đổ vỡ là rút kinh nghiệm từ những bài học cũ và tiến lên phía trước.

Bạn không thể co mình lại và không đặt niềm tin vào bất cứ ai, đây là một cơ chế tự vệ, nhưng nó vừa không hiệu quả, lại vừa không hợp lý. Vì mất niềm tin tức là mất đi sự sống, và đánh mất sự sống chính là tự tước đi sứ mệnh của mình - một điều cấm kỵ với mỗi chiến binh nhân từ.

Bản chất con người là kỳ vọng vào ở người khác những điều bạn kỳ vọng ở chính mình.

Nếu bạn trung thực, bạn sẽ kỳ vọng người khác cũng trung thực. Nếu bạn nói dối, thật khôi hài khi bạn mong người khác không nói dối như bạn. Chúng ta nhận được từ cuộc sống những gì mà chúng ta sẵn sàng cống hiến.

Lòng tin là điều không thể xem nhẹ, bởi vì hành trình tìm lại lòng tin sẽ rất gian nan và cô độc. Hãy suy nghĩ thận trọng và tập thói quen tạo lòng tin ở người khác, biến thói quen đó thành tính cách của bạn ngay bây giờ mãi mãi.

CHƯƠNG 8 - SỰ SUNG TÚC

Muốn có được cuộc sống sung túc, trước tiên bạn phải nghĩ về sự sung túc. Nếu hình ảnh của sự sung túc chưa bao giờ hình thành trong đầu bạn, chắc bạn sẽ không bao giờ giàu có được.

“Sự sung túc là tình trạng đầy đủ và trọn vẹn mà không phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài”. Khái niệm đầy đủ và trọn vẹn phụ thuộc hoàn toàn vào nội lực của bạn, chứ không phải yếu tố nào khác.

Có nhiều người lúc nào cũng lo tích lũy tài sản nhưng chưa bao giờ họ cảm thấy hạnh phúc. Khi người ta cố dùng vật chất để tự thỏa mãn thì bao nhiêu tài sản cũng không đủ, cứ tích lũy và tích lũy mãi không thôi. Đó là tâm lý thiên về tình trạng thiếu hụt.
Để tình trạng sung túc có thể tồn tại lâu dài, bạn phải xây dựng nó từ trong ý thức, rồi mới phát triển các mối quan hệ và tài chính. Những người bình thường chịu đựng tâm lý thiếu hụt, dẫn đến hành vi bám víu vào những gì mà họ tôn thờ: tiền bạc, thời gian hoặc tài sản. Bạn hãy làm ngược lại, mỗi lần nhận được một khoản thu nhập nào đó, bạn dành lại 10% để quyên góp hoặc hiến tặng. Đó là phương cách tuyệt vời để chống lại tư duy thiếu hụt. 10% tiếp theo bạn dùng để đầu tư và 80% còn lại được sử dụng để thanh toán tất cả các khoản chi phí. 10% dành cho đầu tư bạn cho là nhỏ bé nhưng sức mạnh của lãi suất kép sẽ cho bạn một số vốn lớn sau nhiều năm.

Thời gian cũng tương tự như vậy, nếu mỗi tuần bạn dành ra 5 ngày, mỗi ngày 30 phút để viết văn bạn có thể trở thành tác giả trong vòng 6 tháng, chỉ cần bạn có kỷ luật.

Có nhiều việc bạn cần làm và chúng phải trở thành một phần tính cách của bạn nếu bạn muốn sống sung túc, đó là luôn sống thanh đạm. Đó không phải là tính keo kiệt. Sự thanh đạm hoặc đánh giá đúng giá trị của sự vật là một hệ thống quy tắc tuyệt vời mà bạn có thể áp dụng vào cuộc sống.

Một chìa khóa khác nữa góp phần đưa bạn tới cuộc sống sung túc là luôn tư duy hướng tới giải pháp. Mỗi khi lúng túng, bạn không nên tự hỏi “mình có thể làm được không?”, mà phải tự hỏi “Tôi có thể làm bằng cách nào?”. Tiềm thức của bạn có thể giải quyết hàng trăm vấn đề mà trước mắt ý thức của bạn không thể giải quyết được.

Sự thịnh vượng, không phải một điều gì đó quá lớn lao mà chỉ là một nguyên tắc bạn cần phải tuân thủ, nếu bạn sống theo nguyên tắc của sự sung túc, bạn sẽ trải nghiệm được sự sung túc.

CHƯƠNG 9 - LÒNG CAN ĐẢM

Can đảm là thái độ đối mặt và xử lý bất cứ điều gì được xem là nguy hiểm, khó khăn, hoặc đau đớn, thay vì rút lui; là đức tính không sợ hãi, là lòng dũng cảm.

Chiến binh nhân từ xem xử lý vấn đề như những công việc thường ngày. Họ tìm thấy niềm vui trong đó. Họ coi đó là một phần con người mình. Mỗi vấn đề như một đôi tạ giúp họ rèn luyện để mạnh mẽ hơn. Họ xem sức ép, áp lực như một cơ hội để bộc lộ vẻ đẹp tiềm ẩn và đánh thức lòng can đảm đang ngủ quên trong người họ.

Nếu có nỗi sợ hãi nào ngăn cản bước tiến của bạn đến những điều thật sự có ý nghĩa, hãy rèn luyện để đối mặt với nó. Đừng đối mặt một cách thiếu suy nghĩ mà hãy tiếp cận nó từng bước! Hãy trở nên chai lì trước thất bại. Sự can đảm chính là chiến lược vươn tới thành công.

Chiến binh nhân từ thể hiện lòng can đảm đơn giản chỉ vì đó là bản chất của họ. Nhưng bạn có khả năng thể hiện lòng can đảm hơn nữa khi tự vẽ lên trong tâm trí những phần thưởng hữu hình. Khi bạn không bộc lộ lòng can đảm, một phần trong con người của bạn đã chết đi. Bạn không có sự lựa chọn trong vấn đề này - nếu bạn muốn sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Sự can đảm có nhiều đích đến. Đó là một hành trình liên tục, xuyên suốt, không ngừng nghỉ, buộc bạn phải luôn hành động. Khi bạn sợ hãi và muốn bỏ cuộc, bạn phải hành động với tiến độ nhanh hơn, vươn xa hơn và nỗ lực nhiều hơn. “Nỗi sợ hãi chạy nhanh hơn lòng can đảm, nhưng nó lại không bao giờ đủ sức hoàn thành cuộc đua”.

CHƯƠNG 10 - KIẾN THỨC

Người bình thường tin rằng họ không cần trau dồi thêm gì cả, họ thỏa mãn với vốn kiến thức hiện có. Bạn có cần trở nên khánh kiệt mới bắt đầu muốn kiếm tiền hay không?

Chiến binh nhân từ nhận ra rằng kiến thức chuyên sâu mang lại cho họ một lợi thế nên họ không ngừng tìm kiếm kiến thức và các chuyên gia để được học những kiến thức mới ở mọi lĩnh vực. Hơn nữa, chiến binh nhân từ luôn tìm cách vượt qua hiện tại để vươn lên một đẳng cấp cao hơn.

Chiến binh nhân từ không sợ thất bại, mà họ còn sử dụng thất bại đó làm bàn đạp để tiến gần hơn đến mục tiêu của mình. Sau mỗi thất bại, họ lại rút ra một bài học. Người bình thường thì khác, họ cố tránh thất bại và vì thế bỏ lỡ những bài học kinh nghiệm quý giá. Dù bạn biết nhiều đến đâu thì vẫn luôn có nhiều điều bạn chưa biết và cần phải học.

Khi người bình thường tin rằng bản thân không cần học thêm điều gì thì đó chỉ là cái cớ để tự an ủi cái tôi của anh ta. Chiến binh nhân từ quan tâm đến việc học tập hơn cái tôi của họ. Chiến binh nhân từ lắng nghe quan điểm của người khác nhưng không cần bảo vệ quan điểm của mình. Họ không đánh giá quan điểm của người khác. Họ chỉ đơn giản tiếp nhận nó, tìm điểm thích hợp hoặc hữu ích của nó để áp dụng vào hoàn cảnh của mình. Có những kiến thức hữu dụng mà bạn có thể khai thác đang tồn tại ngay trong tầm ảnh hưởng của bạn, nếu bạn đã thực sự chủ động cởi mở để đón nhận từ những người chung quanh. Hãy dành ít nhất 5% thu nhập để đầu tư cho các hoạt động phát triển cá nhân như mua sách, băng đĩa, tham dự các buổi hội thảo.

Tại sao có một số người được trang bị đầy đủ kiến thức từ trường học lại không thể hoàn thành mục tiêu trong thế giới hiện thực? Vì đôi khi họ không liên hệ được kiến thức ấy với hoàn cảnh cụ thể, hoặc đó là những kiến thức không phù hợp để áp dụng vào cuộc sống.

Chiến binh nhân từ luôn luôn tìm cách nâng cao kiến thức của mình trong mọi hoàn cảnh. Kiến thức và kinh nghiệm giúp gia tăng sự sáng suốt của bạn và dẫn đến tầm nhìn xa trông rộng. Khả năng nhìn thẳng là cách thức phát hiện sự việc trước khi nó thực sự xảy ra.

CHƯƠNG 11 - HÃY HOÀN THIỆN MỘT CÁCH MẠNH MẼ

Bạn đã tìm hiểu mười phẩm chất của chiến binh nhân từ. Hãy xem những gì bạn đã học hỏi được như một sự khởi đầu và bạn cần phải hoàn thành. Bạn đã có công cụ để tham gia vào thị trường và bắt đầu một cuộc tranh chiến vĩ đại.

Đây là một cuộc chiến thật sự, một cuộc chiến văn hóa - một cuộc chiến giữa lòng tham và lòng nhân từ, giữa sự lừa dối và lòng trung thực, giữa sự thống trị người khác và sự tôn trọng đối với tất cả, giữa sự thoải mái cá nhân do tính bàng quan và lòng can đảm hay tỏ sự quan tâm.

Đã đến lúc bạn cần phải hoàn thiện mười tính cách đặc biệt này và dần trở thành người dẫn đường trong thế giới của bạn, trở thành người chiến binh nhân từ thật sự.

(Bài viết được thực hiện với sự hợp tác của nhuongquyenvietnam.com)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
10 tiêu chí để thành “chiến binh nhân từ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO